Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nạn cháy đồng, cháy rừng lan rộng khi khí hậu đang bước vào mùa nắng nóng và khô hạn.
Tại thị trấn của cộng hòa Khakassia, thuộc Siberia (Nga) vừa trải qua một vụ cháy rừng rất nghiêm trọng, lan rộng trong mấy ngày qua, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của. Ông Viktor Zimin, lãnh đạo Khakassia cho biết, hiện số người tử vong do đám cháy gây ra lên tới gần 30 người, gần 1.000 người khác bị thương. Ngoài ra, một số cơ sở hạ tầng công cộng và 1.200 ngôi nhà, 30 thị trấn, làng mạc đã bị phá hủy, ước tính tổng thiệt hại lên tới 996 triệu USD (2.100 tỷ đồng). Phải có sự tham gia của hơn 5.000 nhân viên cứu hộ cùng với sự hỗ trợ của máy bay ném bom nước thì đám cháy mới được dập tắt. Các quan chức địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy rừng gây nhiều thiệt hại trên là vì nông dân bất cẩn trong khi đốt cỏ khô để làm sạch ruộng đồng trong lúc thời tiết khô hanh, lại gặp gió nên ngọn lửa bùng phát dữ dội.
Người dân Nga ở Khakassia bất lực nhìn đám cháy thiêu rụi nhiều căn nhà. |
Việc nông dân đốt đồng, đốt nương làm rẫy khiến nạn cháy rừng, cháy đồng lan rộng rất nguy hiểm tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, hiện tượng khí hậu biến đổi khắc nghiệt cũng được xem là một trong những “thủ phạm” gây ra những vụ cháy rừng kinh hoàng. Nhiệt độ tăng cao, đất đai khô cằn và nhiều cánh rừng lớn biến thành tro bụi - những hiện tượng bất thường này không còn bó hẹp ở một số quốc gia hay khu vực mà đang xảy ra hầu khắp thế giới. Vào đầu năm nay, miền nam Australia phải vật lộn với nạn cháy rừng lan rộng và nghiêm trọng nhất kể từ năm 1983, thiêu rụi hơn 11 nghìn hécta rừng tại đồi Adelaide, thuộc dãy núi Lofty, nơi sinh sống của khoảng 40 nghìn người, khiến hơn 30 người bị thương vong.
Là quốc gia thường xuyên đối mặt với hàng loạt vụ cháy rừng mỗi năm khi thời tiết bước vào mùa khô, nhất là sau các trận cháy khủng khiếp tại tiểu bang Victoria năm 2009 khiến 173 người chết, Chính phủ Australia đề ra chính sách quốc gia nhằm ngăn ngừa và đối phó nạn cháy rừng. Một trong các biện pháp quan trọng và được đánh giá mang lại hiệu quả là khuyến cáo cư dân sơ tán nhanh nhất có thể ra khỏi khu vực có nguy cơ và mang theo các phương tiện sống còn như: radio, đèn pin, găng tay, mặt nạ, lượng nước đủ uống 3 lít/người/ngày... Do đó, vào đầu năm 2013, nạn cháy rừng diễn ra, thiêu rụi hàng trăm hécta rừng tại Australia, nhưng may mắn không có ai tử vong.
Là quốc gia Đông Nam Á cũng thường xuyên đối phó với nạn cháy rừng nặng nề, tháng 9.2014, Indonesia phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Chính phủ Indonesia tăng cường các chính sách và biện pháp hữu hiệu, sử dụng nhiều nguồn lực và phối hợp với nỗ lực chung của khu vực để đối phó với cháy rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Ngoài ra, để giải quyết những vấn đề chung của khu vực, các quốc gia trong khối cũng tăng cường hợp tác để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó có cháy rừng.
QUỐC HƯNG