Trong 2 ngày 1 và 2.6, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức chiến dịch uống vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi và bà mẹ sau khi sinh.
Cần thiết và quan trọng
Bổ sung vitamin A là hoạt động được duy trì nhiều năm đúng dịp Quốc tế thiếu nhi (1.6) nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng, phòng chống thiếu vitamin A, thiếu sắt, thiếu i-ốt cho trẻ em và bà mẹ sau khi sinh. Mỗi đợt triển khai “Ngày vi chất dinh dưỡng” đều được tổ chức đồng loạt trên tất cả các trạm y tế xã, trường học, trung tâm y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Việc tổ chức cho trẻ uống vitamin A đã được thực hiện tốt trong nhiều năm qua ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn ở các huyện miền núi do công tác tổ chức và tuyên truyền cho người dân. Việc tổ chức điểm tiêm phải đủ diện tích, thoáng mát, nhất là nhiệt độ nắng nóng như những ngày qua mà hàng trăm trẻ đến cùng một lúc thì phải đảm bảo quy tắc 1 chiều, có chỗ cho các cháu chờ, tránh lộn xộn trong tổ chức”.
Bổ sung vitamin A góp phần giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Ảnh: A.T |
Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, gồm 4 vai trò chính: giúp tăng trưởng, phát triển thị giác, bảo vệ biểu mô. Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương. Tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa. Đối với khả năng miễn dịch của cơ thể, thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. “Ngày vi chất dinh dưỡng” năm nay phấn đấu trên 95% trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A liều cao. Trong đó, các huyện đồng bằng phải đạt trên 95% trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A dự phòng; 95% trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thiếu cân, thể thấp còi; các huyện trung du, miền núi đạt tỷ lệ trên 90%.
Nâng cao sức khỏe cho trẻ
Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A, vì ở độ tuổi này trẻ đang lớn nhanh, cần nhiều vitamin A. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này trẻ thường gặp phải nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin A: ở giai đoạn còn bú, do không được bú mẹ hoặc lượng vitamin A trong sữa mẹ thấp (chế độ dinh dưỡng của mẹ kém), đến thời kỳ cai sữa, do sự thay đổi chế độ nuôi dưỡng và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Các bác sĩ chuyên ngành cho biết, có 3 nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin A: từ khẩu phần ăn, từ các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng. Khi khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A, cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp.
Vì vậy, nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là do ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và caroten. Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong dầu). Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con. Thiếu vitamin A thường hay xảy ra trong giai đoạn cho ăn bổ sung nên giai đoạn này cần chú ý chọn các loại thực phẩm giàu vitamin A. Các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp làm tăng nhu cầu vitamin A gây nguy cơ thiếu vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu vitamin A. Suy dinh dưỡng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu đạm để chuyển hóa và vận chuyển vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra một số lời cảnh báo cho các bà mẹ phát hiện ra việc thiếu hụt vitamin A ở trẻ qua những biểu hiện bên ngoài. Quáng gà, vệt Bito, khô giác mạc, loét nhuyễn giác mạc, sẹo giác mạc do khô mắt, tổn thương đáy mắt do khô mắt… Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, ông Võ Quang Lợi cho biết: “Mỗi liều vitamin A dự phòng có thể bảo vệ cho trẻ không bị thiếu vitamin A trong vòng 4 - 6 tháng. Vì vậy, mỗi năm chương trình phòng chống thiếu vitamin A sẽ tổ chức hai đợt uống vitamin A cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi. Đồng thời, thực hiện cấp phát thường xuyên cho bà mẹ sau sinh và trẻ dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A”. Ông Lợi cũng cho biết thêm, ngoài việc cho trẻ uống đầy đủ vitamin A, bà mẹ có thể bổ sung cho trẻ qua các bữa ăn hàng ngày. Mô hình tháp dinh dưỡng là một trong những cách cụ thể hóa lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm mỗi ngày, có thể quan sát trình tự ưu tiên của các loại thực phẩm, trong đó đỉnh tháp là những thực phẩm nên hạn chế tối đa, trong khi chân tháp là những thực phẩm nên chọn ăn nhiều vì có lợi cho sức khỏe.
Anh Trâm