Để "ta không hại chính ta"

HOÀNG MINH 12/09/2019 10:04

(QNO) - Sáng qua, anh bạn ngồi uống cà phê với tôi được người bạn điện thoại mời chiều đến nhà anh ấy ăn thịt heo cuốn bánh tráng. Người bạn ấy khoe là mới được người thân làm giáo viên vùng cao mang về tặng cho hai ký thịt heo của dân bản nuôi.

"Hàng độc đó. Giống heo đen của người vùng cao, thả rông, ăn toàn thức ăn thiên nhiên, họ nuôi năm bảy tháng mới được vài ba chục cân hơi, ăn ngon lắm!" - anh bạn tôi nói.

Đúng là chuyện không ai ngờ. Cách đây chừng mươi lăm năm người đồng bằng, phố thị thường coi thường thịt "heo còi" (heo nuôi chậm lớn), rau rừng, gạo đỏ... của người vùng cao thì nay lại rất quý chuộng chúng. Và chúng được gọi là thực phẩm sạch bởi được nuôi trồng theo cách truyền thống, thuận theo tự nhiên chứ không phải "được" cho ăn hay bón/tưới/chế biến/bảo quản bằng các loại hóa chất để mang lại cho người nuôi trồng, người kinh doanh  nhiều lợi nhuận, bất chấp chúng gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng đến mức được gọi là thực phẩm bẩn.

Quả đúng là chưa lúc nào thực phẩm bẩn trở nên là mối lo canh cánh từng ngày đối với  cộng đồng như hiện nay. Nước tương, nước mắm pha hóa chất vẫn "thơm ngon"; bì heo thối, thịt heo thối, lòng heo thối, cả đến heo sữa thối được hóa chất phù phép vẫn thành những món tươi tắn, quyến rũ nơi quầy hàng, nơi bàn tiệc; rau củ, trái cây được tưới tắm, ngâm ủ các loại độc chất giúp mau chín, tươi màu, lâu bị hư úng vẫn ngày ngày đánh lừa người mua… Và khó mà kể hết những chiêu thức sản xuất/chế biến gian trá với động cơ trục lợi cho mình là chính đã biến các loại thực phẩm nuôi sống con người lại trở thành những thức độc hại hủy hoại dần sức khỏe người ăn.

Các phương tiện truyền thông lâu lâu lại dồn dập đưa tin về thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường khiến ai nấy đều lo lắng, có khi bàng hoàng, kinh ngạc. Nhưng ngoài những lần phát hiện và thông tin, thực phẩm bẩn vẫn lặng lẽ "chiếm lĩnh" chợ nhỏ, chợ lớn như chuyện thường tình, và người tiêu dùng phải sử dụng thực phẩm bẩn như cư dân vùng lũ phải "sống chung với lũ". Và rồi người ở mọi nơi, vùng cao vùng thấp, miền ngược miền xuôi, cả đô thị và thôn quê đều phải chấp nhận đương đầu với ma trận thực phẩm bẩn. Vùng cao ở những nơi còn có thể có được rau rừng, lúa gạo hữu cơ thì lại phải tiêu thụ vô vàn các loại thực phẩm công nghiệp rẻ tiền, trôi nổi, lừa mị. Làm sao "chạy trời cho khỏi nắng"!

Vậy là chưa kịp mừng với cái no cái đủ mới vừa ló mặt sau đằng đẵng truân chuyên, nghèo khổ lại liền đối mặt với mối nguy nghiệt ngã chứa trong miếng ăn miếng uống ngày ngày. "Biết mua thực phẩm sạch ở đâu!" - ngày nào, ở đâu cũng nghe tiếng thở dài của người nội trợ - người mà theo nhà y triết Nhật Bản Oshawa, được coi là người nắm giữ sức khỏe của cả gia đình vì cái nhà bếp được coi là một dược phòng.

Báo cáo mới đây từ nhóm khảo sát của Khoa Báo chí truyền thông Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, thêm một lần nữa cũng đưa ra tín hiệu buồn khi mà các bà nội trợ (được khảo sát) vẫn cho rằng họ khó mà chọn được thực phẩm an toàn bởi vẫn còn tình trạng "lập lờ đánh lẫn con đen" phổ biến ở thị trường các cấp. Một người quen làm ở một siêu thị phụ trách bộ phận nhập rau sạch vào siêu thị này cho biết rau sạch nhập vào chỉ có độ tin cậy… tương đối mà thôi!

Làm gì với câu hỏi được đưa ra hoài nhưng vẫn chưa có được câu trả lời vốn gắn liền với sức khỏe/sự sống không chỉ của mỗi người mà còn với sự hưng vong của dân tộc, của đất nước: làm sao để có thực phẩm sạch? Chợt nhớ lời của những người trồng rau bán ở quê: "Mình trồng riêng một luống để ăn, không phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, chỉ bón phân chuồng chứ không bón phân hóa học". Chính cái lợi trước mắt, cái lợi cho riêng mình đã làm người trồng rau quên rằng họ chỉ tự làm được rau sạch, và vẫn phải mua các loại thực phẩm khác ở chợ, trong đó có nhiều món vốn là thực phẩm bẩn. Và chính cách làm vị kỷ, vụ lợi như thế của người sản xuất/chế biến từ giới nông dân đến giới doanh nghiệp đã là nguyên nhân tạo nên thị trường thực phẩm bẩn gây hại cho cộng đồng trong đó có chính họ.

Để ngăn chặn và triệt tiêu thực phẩm bẩn, bên cạnh các ngành chức năng, bên cạnh yếu tố pháp lý, ý niệm đạo đức, xin hãy nghĩ một cách thực dụng: vì lợi ích về sức khỏe của mình và gia đình mình, người sản xuất/chế biến/kinh doanh thực phẩm nên sớm nói không với lối làm ăn sai trái của mình. Và vì đường đi của lối làm ăn này chính là ta hại lấy ta. Ta không cho ra chợ thực phẩm an toàn, người khác cũng làm vậy, bao giờ ta mới có được thực phẩm an toàn cho mình? Lợi lộc từ việc làm thực phẩm đưa ra không ngay thật, lành mạnh để làm gì khi mà sức khỏe của chính ta, của cộng đồng bị suy hại. Đưa ra chợ thực phẩm an toàn trước hết là ta lo cho ta, giúp cho ta, cho người được có miếng ăn an toàn, là cách làm ăn lâu dài, bền vững. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để "ta không hại chính ta"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO