Giáo dục - Việc làm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024, 2025 Chuyên Quảng Nam (kèm đáp án)

AN HỘI25/03/2025 16:02

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 THPT Chuyên và PTDTNT Tỉnh Quảng Nam giúp học sinh làm quen cấu trúc đề, rèn kỹ năng viết, phân tích văn bản.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 THPT Chuyên và PTDTNT Tỉnh

I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (1,0 điểm) Chỉ ra biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong bài thơ.

Câu 2. (1,0 điểm)

a) Những hình ảnh thơ nào có ý nghĩa biểu hiện sức sống của tác phẩm nghệ thuật?

b) Qua bài thơ, Văn Cao thể hiện quan niệm gì về thời gian?

II. LÀM VĂN (8,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của kỉ niệm đối với cuộc sống mỗi người.

Câu 2. (5,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: “Tác phẩm văn học đích thực có sức sống bền bỉ trước sự đào thải của thời gian”.

Bằng kiến thức và trải nghiệm văn học, em hãy viết bài văn giải thích và chứng minh ý kiến trên.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 THPT Chuyên và PTDTNT Tỉnh

Hướng dẫn chung

Giám khảo cần nắm bắt được nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động và linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm này.

Tổ chấm thi nghiên cứu Hướng dẫn chấm, tổ chức thảo luận và thống nhất nội dung chấm cho mỗi câu. Đặc biệt trân trọng, khuyến khích những bài viết có cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề nghị luận mới mẻ, sâu sắc, có sức thuyết phục; có cách trình bày sáng tạo, lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh và cảm xúc.

Việc chi tiết hóa nội dung và điểm thành phần trong các câu do tổ chấm thống nhất; song, không làm thay đổi mức điểm của thành phần, của câu và toàn bài. Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu, không làm tròn số và tính lẻ đến 0,25 điểm.

Hướng dẫn cụ thể

I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Câu 1. Biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong bài thơ:

- Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn

- đôi mắt em/ như hai giếng nước.

* Hướng dẫn chấm: Thí sinh viết đúng mỗi trường hợp: 0,5 điểm. Viết sai hoặc không đầy

đủ/không đúng các thành phần so sánh: 0,0 điểm.

Lưu ý: Thí sinh có thể viết khác nhưng thể hiện được rõ các nội dung, cấu trúc so sánh vẫn ghi điểm.

Câu 2

Câu 2a. Những hình ảnh thơ có ý nghĩa biểu hiện sức sống của tác phẩm nghệ thuật:

- Những câu thơ (câu thơ) / còn xanh

- Những bài hát (bài hát)/ còn xanh

* Hướng dẫn chấm: Thí sinh viết đúng mỗi trường hợp: 0,25 điểm. Viết sai hoặc không đầy đủ hoặc thừa: 0,0 điểm.

Câu 2b. Qua bài thơ, Văn Cao quan niệm sức mạnh của thời gian: thời gian trôi lặng lẽ, lấy đi sự sống của vạn vật, làm phôi phai bao kỉ niệm nhưng chính thời gian bảo chứng cho sức sống lâu bền của những tác phẩm nghệ thuật và vẻ đẹp của tình yêu, con người, cuộc sống.

* Hướng dẫn chấm: Thí sinh trả lời đảm bảo cơ bản các ý: 0,5 điểm; trả lời có ý nhưng chưa đảm bảo các ý: 0,25 điểm. Trả lời sai, khác với ý trên: 0,0 điểm. Lưu ý: Thí sinh diễn đạt có ý tương đương với ý như hướng dẫn: 0,5 điểm.

II. LÀM VĂN (8,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

- Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bài văn có bố cục đầy đủ, hợp lí.

- Bài văn vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận; hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt mạch lạc. Văn phong trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Yêu cầu về kiến thức

- Thí sinh có thể nhìn nhận, lí giải và thể hiện quan điểm khác nhau về ý nghĩa của kỉ niệm đối với cuộc sống mỗi người. Song, mọi sự nhìn nhận, lí giải, thể hiện quan điểm cá nhân cần bám sát yêu cầu của đề, phù hợp với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức và quy định của pháp luật.

- Sau đây là một hướng tiếp cận vấn đề:

1. Giải thích

- Kỉ niệm là những sự vật, sự việc, hoạt động… đáng nhớ được lưu giữ trong kí ức, được nhớ lại, tìm về hoặc được tái hiện.

- Ý nghĩa của kỉ niệm là những giá trị, tác động, ảnh hưởng tích cực của kỉ niệm đối với cuộc sống mỗi người.

2. Bàn luận

2.1. Bàn:

* Kỉ niệm có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống của mỗi người.

- Kỉ niệm giúp mỗi người lưu giữ và nhận diện quá khứ với đa dạng, phong phú các biểu hiện, tính chất và trạng thái cảm xúc.

- Kỉ niệm giúp mỗi người nhận thức rõ hơn hiện tại; có ý nghĩa tác động, điều chỉnh nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi … của mỗi người.

- Kỉ niệm có sức mạnh hóa giải, kết nối, vun đắp tình người; làm cho cuộc sống giữa mọi người trở nên tốt đẹp hơn, nhân ái hơn…

- ….

* Thí sinh lựa chọn các dẫn chứng bảo đảm sự đa dạng, tiêu biểu để làm sáng tỏ các ý trên.

2.2. Luận:

- Ý nghĩa của kỉ niệm được phát huy khi mỗi người biết trân quý, ứng xử đúng đắn, chuẩn mực.

- Sự trải nghiệm, thấu hiểu và bao dung giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của kỉ niệm.

- Tránh khuynh hướng thái quá trong cách ứng xử với kỉ niệm. Quá nuối tiếc kỉ niệm

sẽ khiến con người chìm đắm trong hoài vọng; chán nản, hoài nghi thực tại. Ngược lại, chạy trốn kỉ niệm, tách mình ra khỏi quá khứ sẽ khiến cuộc sống mất đi ý nghĩa.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của kỉ niệm đối với cuộc sống mỗi người.

+ Hành động: Trân quý và hành động, ứng xử hợp lí đối với kỉ niệm, hướng đến cuộc sống có ý nghĩa.

Câu 2 (5.0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài nghị luận văn học.

- Bài viết có bố cục đầy đủ, hệ thống luận điểm rõ ràng, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận để làm sáng tỏ các luận điểm, lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc; văn viết tự nhiên, giàu hình ảnh, cảm xúc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

- Thí sinh có thể hiểu vấn đề và trình bày bài văn theo nhiều cách, song phải tập trung vào giải quyết các yêu cầu của đề bài.

- Sau đây là một số ý cơ bản cần đạt:

1. Giải thích

1.1. Giải thích từ ngữ, hình ảnh

- Tác phẩm văn học đích thực là văn bản nghệ thuật ngôn từ có giá trị vượt trội, bền vững, đáp ứng nhu cầu thưởng thức muôn thuở của người đọc.

- Sức sống bền bỉ của tác phẩm là việc các giá trị của tác phẩm vượt qua được sự thanh lọc, đào thải của thời gian; được người đọc không ngừng khám phá, truyền giữ và phát huy.

=> Ý kiến khằng định, đề cao sức sống kì diệu của tác phẩm văn học đích thực.

1.2. Vì sao tác phẩm văn học đích thực có sức sống bền bỉ trước sự đào thải của thời gian?

- Cùng với sự phát triển của xã hội, thời gian thanh lọc, đào thải những cái lỗi thời, lạc hậu; lưu giữ những tinh hoa, giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra.

- Là sản phẩm của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm văn học đích thực phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc bức tranh đời sống, lịch sử nhân loại; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá, nâng cao tri thức của người đọc.

- Tác phẩm văn học đích thực là nơi nhà văn kí thác tư tưởng, tình cảm, lý tưởng nhân văn, khát vọng cao cả … về cuộc đời; bắt được nhịp cầu tri âm, nâng đỡ và thanh lọc tâm hồn người đọc qua nhiều thế hệ.

- Tác phẩm văn học đích thực có hình thức thể hiện sáng tạo, đa dạng; nội dung giàu tính thẩm mĩ, đem lại cho người đọc những cung bậc cảm xúc phong phú trước cái đẹp.

- …

2. Chứng minh

Thí sinh lựa chọn các tác phẩm văn học đã được sàng lọc qua thời gian; đảm bảo sự đa dạng về thể loại, về không gian văn hóa, thời gian lịch sử để phân tích và chứng minh được sức sống bền vững của các tác phẩm ấy thông qua các giá trị văn học.

3. Đánh giá chung

- Nhận định có ý nghĩa đề cao đối với những tác phẩm văn học đích thực nói riêng, tác phẩm nghệ thuật nói chung.

- Nhận định có ý nghĩa định hướng đối với hoạt động sáng tạo của nhà văn và hoạt động tiếp nhận của người đọc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024, 2025 Chuyên Quảng Nam (kèm đáp án)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO