Với rất nhiều hạn chế, ngành thực phẩm trên địa bàn tỉnh cần đổi mới, thích ứng với làn sóng hội nhập để không thua trên “sân nhà”.
Mạnh ai nấy làm
Quảng Nam hiện có 744 tàu cá sản xuất xa bờ nhưng chỉ mới có 250 phương tiện đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 11 điểm đảm bảo ATTP. Trong số 176 cơ sở chăn nuôi toàn tỉnh, mới chỉ có 5 cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Số cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP cũng rất hạn chế. Thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP của tỉnh cho thấy, trong số 215 cơ sở sản xuất thực phẩm, chưa có cơ sở nào có chứng chỉ ISO 9001, ISO 22000, GMP hay HACCP. Cả 10 cơ sở bảo quản thực phẩm và sơ chế thực phẩm đều chưa được cấp các chứng chỉ nói trên. Trong tổng số 248 cơ sở chế biến thực phẩm của tỉnh, chỉ mới có 6 cơ sở được cấp chứng chỉ HACCP.
Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, hầu hết cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm nên đa số bỏ ngỏ các quy định về ATTP. Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh phí dự án ATTP và hoạt động truyền thông ATTP thuộc chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 chưa được phân bổ nên công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ATTP rất khó triển khai trong những tháng tới.
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, rất đáng báo động nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngành chức năng đã xử phạt Công ty TNHH Nước uống đóng chai DR (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) 70 triệu đồng vì nước uống có nhiễm P.Aeruginosa (trực khuẩn mũ xanh) - nguyên nhân gây hoại tử vết thương, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Tương tự, cơ quan chức năng cũng xử phạt 70 triệu đồng với Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Thiên Thuận Tường (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) vì các mẫu nước uống đóng chai không đáp ứng yêu cầu ATTP. Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Nguyễn Trịnh Quang Thống (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) đã bị xử phạt 35 triệu đồng vì sản xuất nước uống bẩn.
Ngay cả chế biến, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn TP.Tam Kỳ cũng bị phát hiện nhiều vi phạm về ATTP. Như Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay Huỳnh Thị Nguyệt (phường Tân Thạnh) bị Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản & thủy sản phạt 5 triệu đồng vì không bố trí riêng biệt nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, vệ sinh đối với thực phẩm chay.
Cần thay đổi
Với các FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), hoa quả, trái cây, thịt bò, rau tươi, thực phẩm chế biến... của châu Âu, nhiều nước khác vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực phẩm không tránh khỏi kết cục thua ngay trên “sân nhà”. Đáng nói, chúng ta không chỉ thua các đối thủ lớn mà thua ngay chính các nước trong khu vực. Hiện tại, các nước ASEAN đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển nền công nghiệp thực phẩm.
Điều này trái ngược hoàn toàn với điểm yếu của ngành thực phẩm Việt Nam và Quảng Nam nói riêng là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không chủ động truyền thông, thiếu liên kết thông tin, mẫu mã, bao bì kém bắt mắt... Ông Trần Bốn cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh, ngành thực phẩm Quảng Nam bắt buộc phải liên kết lại, sản xuất theo chuỗi, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng theo hướng sản xuất sạch. “Quảng Nam đã xây dựng các chuỗi nước mắm, thủy sản, thịt heo, rau sạch, trứng gà. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tham quan, học hỏi, áp dụng” - ông Trần Bốn nói.
Ở thị trường Quảng Nam đã xuất hiện các loại thịt heo nhập khẩu, đông lạnh và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đây là gợi ý để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất muốn bán được hàng thực phẩm cần phải “đọc” được tâm lý người dùng đang muốn gì, thích gì. Theo Sở Công Thương, ngành thực phẩm cần tư duy mới, chiến lược mới, thoát khỏi tình trạng mạnh ai nấy làm, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Muốn giành lợi thế trên “sân nhà”, ngành thực phẩm cần thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng.
Mở cửa, hội nhập là xu thế tất yếu, hàng hóa, nhất là thực phẩm nước ngoài ngày càng tràn ngập trên thị trường Quảng Nam. Làm sao để đừng thua trên chính “sân nhà” là vấn đề mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm cần trăn trở, ngõ hầu tìm lời giải, hướng đi lâu dài, bắt đầu từ lúc này.