“Con đường đi từ quê nhà/ Đến đích quê nhà/ Ngắn nhất/ Thấp nhất/ Nhưng phải đi một đời” (Con đường dài). Đây là những câu thơ tôi dừng lại lâu nhất khi đọc tập thơ “Phía êm giấc sóng” (NXB Đà Nẵng 2018) của nhà giáo, lương y, nhà thơ Ngô Hà Phương. Cấu trúc đơn giản, giọng điệu từ tốn, câu chữ hiền lành, không hề “làm dáng” nhưng đọc lên cứ nghe bần thần, day dứt. Những câu thơ ấy được Ngô Hà Phương viết khi đã ngoài 60 tuổi, sau một cuộc đi dài của đời người. Vì thế, rất có thể chúng không phải là kết quả từ một cảm xúc tình cờ, bất chợt mà là của cả một quá trình suy ngẫm, trải nghiệm và đúc kết...
Giống như ở tập thơ “Bóng làng” xuất bản cách đây 5 năm, ở tập thơ “Phía êm giấc sóng” lần này, cảm xúc chủ đạo của Ngô Hà Phương vẫn là tình yêu thiết tha, ngọt ngào, đằm thắm dành cho quê, cho làng. Cảm xúc ấy được gạn lọc, chưng cất qua thời gian và trở thành hành trang cho những cuộc quay về đầy ắp yêu thương, tự hào và cả những chiêm nghiệm kiểu như mấy câu thơ trích dẫn ở trên. Đó là một miền quê yên bình, lãng mạn, không được định danh cụ thể nhưng lại vô cùng gần gũi với những “Ngôi nhà xanh êm tre chuối/ Khoảng sân rộng cối gạo đầy câu khoan hụi/ Con đường bờ ruộng cong đêm, lòng nối/ Gió xúng xính mặt đồng hương gội” (Đã đời quê kiểng). Đó là miên man một sông mẹ Thu Bồn cùng những trầm tích văn hóa đặc trưng mà khi nhắc đến sẽ lập tức tạo ra một chỉ dẫn về quê xứ “chưa mưa đà thấm”: “Thu Bồn mấy ngụm trót say/ Hồng Đào mấy nhấm, mấy nài loòng boong/ Chè thơm mấy hớp trót cùng/ Đi đâu cho khỏi đèo bòng, đa mang!?” (Đi đâu).
Thường hằng một tình yêu quê hương, xứ sở sâu nặng, tha thiết, thô mộc và chắc bền nên có lúc, Ngô Hà Phương “trộn” cả những tình cảm riêng tây lứa đôi vào đấy. Anh có thừa mê si, đắm đuối khi yêu: “Mắt mắt tìm nhau sao mà rượu!/ Chén tình dâng càng uống càng đầy/ Túy lúy một đời chưa đã nghiện/ Vẫn còn hò hẹn kiếp sau - say!” (Say). Anh cũng đầy đa mang nhưng không kém phần khôn ngoan, lém lỉnh, tinh quái và tinh tế khi tỏ bày tâm trạng của “nòi tình”: “anh đi bao nhiêu năm/ vẫn chưa ra khỏi/ cái bầu hương chanh huyền hoặc khuấy đảo” (Em). Ghê chưa! Không chỉ là lời thổ lộ mà đó còn là một xác quyết, một kiểu thề nguyền. Bởi vậy, cho đến khi đã đi về phía xế chiều, “em” trong “anh” vẫn rất nồng nàn tươi trẻ: “Em là con còng gió trước biển đầy giông bão/ Lắng lấy bình yên bãi chiều rong chơi/ Em là cọng cỏ xanh trong khu rừng lửa dậy/ Đè tro tàn lặng lẽ khoe tươi” (Tôi yêu em).
BẢO ANH