Để trường lớp, thầy cô bớt lo toan…

XUÂN PHÚ – LÊ QUÂN 19/11/2023 08:57

Để toàn tâm toàn lực và sống được với nghề dạy học, giáo viên phải vượt qua rất nhiều rào cản. Khó khăn đến từ chính sách, đến từ sự kỳ vọng của xã hội, thậm chí đến từ một bữa cơm gia đình... Như những mảnh ghép rời, chúng tôi gom nhặt ở đây từng câu chuyện, để thấy chặng đường của thầy cô, đâu chỉ là hoa trong ngày Hiến chương Nhà giáo...

 
 

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ khắc phục.

Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng khi thiếu GV và không ổn định
Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng khi thiếu GV và không ổn định

Khó “giữ chân” giáo viên miền núi

Như thường lệ, câu chuyện thiếu giáo viên (GV) là nỗi băn khoăn rất lớn đối với những người làm công tác quản lý giáo dục huyện Nam Trà My mỗi đầu năm học. Trưởng phòng GD-ĐT huyện - ông Võ Đăng Thuận cho biết, toàn huyện thiếu 87 GV mầm non, 98 tiểu học, 30 THCS, nên để có đội ngũ đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho năm học 2023 - 2024 các trường học phải hợp đồng GV.

“Hàng năm khá nhiều GV xin chuyển công tác về đồng bằng trong lúc địa phương thiếu GV nhưng phải cho đi vì các thầy cô công tác lâu năm. Năm 2022 chỉ tuyển dụng được 93 người thì có đến 50 hồ sơ GV chuyển công tác ra khỏi huyện. Vì vậy, giải pháp của huyện thời gian qua là hợp đồng GV, nhưng thực tế rất khó thu hút vì đồng lương thấp, đi lại quá xa, ngay cả biên chế cũng bỏ về” - ông Thuận chia sẻ.

 

Tình trạng thiếu GV không chỉ xảy ra ở miền núi vốn điều kiện kinh tế xã hội khó khăn mà ngay cả các địa phương đồng bằng vẫn phải đau đầu với việc không đảm bảo đội ngũ giảng dạy.

Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng Phòng GD-ĐT Điện Bàn cho biết dù tổ chức thi tuyển hàng năm song địa phương vẫn thiếu GV rất nhiều. Để bổ sung đội ngũ, UBND thị xã Điện Bàn vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2023 với chỉ tiêu tuyển dụng lên đến 324, trong đó 311 GV.

Tương tự, huyện Duy Xuyên cũng đang có kế hoạch tuyển dụng 122 chỉ tiêu GV. Trong khi đó, không quá lo lắng như các địa phương khác nhờ hàng năm tuyển dụng luôn đủ chỉ tiêu và số lượng GV xin chuyển công tác về địa phương nhiều song Tam Kỳ cũng có cái khó về đội ngũ. Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng Phòng GD-ĐT cho biết, Số học sinh hàng năm tăng nhiều nhưng biên chế giao không đáp ứng nhu cầu giảng dạy buộc địa phương phải tăng sĩ số học sinh/lớp”.

Đều đặn trong những năm qua, UBND tỉnh tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nhằm kịp thời bổ sung đội ngũ còn thiếu. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, tất cả kỳ tuyển dụng đều không đủ chỉ tiêu, thậm chí vài năm gần đây kết quả đạt được còn khá thấp. Gần nhất như năm 2022, chỉ tiêu 1.362 nhưng tuyển được 638, chưa được 50% chỉ tiêu. Ngay cả một số địa phương đề nghị tỉnh cho cơ chế tuyển dụng riêng như Nam Trà My, Điện Bàn nhưng cuối cùng “thiếu vẫn thiếu” vì tuyển không được.

Nguyên nhân, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ đào tạo GV mầm non phải cao đẳng trở lên, còn GV tiểu học, THCS phải có trình độ đại học, cao hơn quy định trước đó. Vì vậy, không có nguồn tuyển, số lượng người dự tuyển ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng.

Được biết, để từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV (cả nước thiếu hơn 118 nghìn GV), Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu GV được tuyển dụng GV mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.

Tìm giải pháp căn cơ

Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, tình trạng thiếu GV ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng bổ sung nguồn GV, các ngành chức năng cần khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và dự báo thiếu hụt GV. Từ đó lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo GV theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020 của Chính phủ.

Thiếu GV là câu chuyện dài nhiều năm qua
Thiếu GV là câu chuyện dài nhiều năm qua
 

Cho rằng thiếu cơ chế thu hút và giữ GV gắn bó với nghề, lương GV mới được tuyển dụng thấp, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT nói cần có các chế độ, chính sách của tỉnh nhằm thu hút GV, nhất là những người công tác lâu dài tại các huyện miền núi. Đồng thời, quan tâm đến công tác phát triển giáo dục miền núi, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, cải thiện điều kiện làm việc của GV.

 

Việc triển khai chương trình GDPT mới cũng là lý do khiến cho tình trạng thiếu GV thêm “nóng”. Với các môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, các trường THCS gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí GV giảng dạy. Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) cho biết có tình trạng “3 GV cùng dạy một quyển sách”, bởi môn Khoa học tự nhiên bao gồm 3 phân môn là Lý, Hóa, Sinh nhưng lâu nay GV không được đào tạo liên môn. Vì vậy, nhà trường buộc phải phân công 3 GV Lý, Hóa, Sinh để cùng dạy môn học này. 

Ở bậc THPT, vấn đề đội ngũ GV khi triển khai chương trình mới cũng có rất nhiều bất cập. Theo quy định, ngoài 6 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), học sinh được tự chọn 4 trong số 9 môn gồm Lý, Hóa, Sinh, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật và Âm nhạc.

Tuy nhiên, Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) không có GV Âm nhạc, Mỹ thuật nên không tổ chức dạy các môn này. Tương tự, theo thầy Huỳnh Ngọc Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), bất cập hiện nay là chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật nên nhà trường cũng phải tư vấn kỹ để HS chọn lựa môn học tự chọn theo quy định, phù hợp với đội ngũ GV.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh nói khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phải có đội ngũ GV đảm bảo yêu cầu dạy học nhưng thực tế qua giám sát cho thấy GV khi bước vào giảng dạy, nhất là dạy môn tích hợp gặp nhiều khó khăn. Một trong những bất cập là yêu cầu triển khai giáo dục phổ thông mới phải tăng số lượng và chất lượng GV nhưng Trung ương phân bổ biên chế cho tỉnh không tăng.

 

Khác với trước đây thực hiện “có trật tự” theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, việc điều hòa, thuyên chuyển giáo viên hiện nay ở các cấp học (do huyện, thị xã, thành phố quản lý) diễn ra một cách tự phát theo nhu cầu của giáo viên và địa phương dẫn đến nghịch lý “thiếu càng thiếu”.

Việc thuyên chuyển GV hiện nay tự phát dẫn đến bất cập. Ảnh: A.S -H.P
Việc thuyên chuyển GV hiện nay tự phát dẫn đến bất cập. Ảnh: A.S - H.P

Một GV tiểu học từng công tác tại huyện Nam Giang cho biết sau thời gian gần 10 năm gắn bó với miền núi, cô xin chuyển về đồng bằng để được gần nhà và có điều kiện chăm sóc con cái. Được hỏi xin về bằng cách nào, cô giáo này cho biết qua thông tin từ bạn bè biết được trường học có nhu cầu nên đề đạt nguyện vọng với nhà trường đang công tác, phòng GD-ĐT và được đồng ý cho thuyên chuyển. Sau đó, địa phương mới ra quyết định tiếp nhận về và đến nay đã được 2 năm.

“Rất may mắn là ngay lần đầu tiên có ý định xin về đồng bằng đã được toại nguyện. Một số đồng nghiệp lên công tác miền núi cùng lần hoặc sau vài năm đến nay vẫn chưa xin chuyển về được” - cô giáo chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Lai  - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, hàng năm thành phố thông báo công khai về nhu cầu GV trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những năm qua, nhiều GV từ các địa phương khác xin chuyển công tác đến Tam Kỳ. “GV có nguyện vọng xin về Tam Kỳ phải được UBND huyện nơi công tác đồng ý. Sau đó, Phòng GD-ĐT Tam Kỳ nhận hồ sơ trên cơ sở nhu cầu, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn và thành phố báo cáo xin chủ trương của Sở Nội vụ và được đồng ý thì mới ban hành quyết định tiếp nhận” - ông Lai nói.

Đó là thực trạng chung về vấn đề GV miền núi có nguyện vọng chuyển công tác về đồng bằng. Nhưng không phải ai có nguyện vọng cũng đều được đáp ứng vì trường sở tại thiếu GV và nhiều lý do khác nên không đồng ý dù có đơn vị sẵn sàng tiếp nhận. Điều này là vì, theo phân cấp quản lý giáo dục hiện nay, cấp học mầm non, tiểu học và THCS từ ngân sách đến đội ngũ do huyện, thị xã, thành phố quản lý. Do đó, việc cán bộ quản lý trường học, GV xin chuyển công tác ra khỏi địa phương là câu chuyện dài.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Dang (Tây Giang). Ảnh: H.P
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Dang (Tây Giang). Ảnh: H.P

Lãnh đạo một huyện miền núi chia sẻ, nhiều thầy cô giáo cống hiến nhiều năm bày tỏ nguyện vọng chuyển công tác vì những lý do cá nhân thật xúc động. Thế nhưng, khó cho địa phương nếu cho đi vì sẽ không có GV giảng dạy nên phải động viên họ ở lại. Cũng vì phân cấp cho từng địa phương nên cách quản lý hiện nay theo kiểu “pháo đài”, ngành GD-ĐT một số địa phương không muốn cho GV, nhất là những GV giỏi của địa phương chuyển công tác ảnh hưởng đến chất lượng phong trào học sinh giỏi.

Nói đến câu chuyện luân chuyển GV, nhiều người vẫn còn nhớ Nghị quyết 146 (22/7/2009) của HĐND tỉnh về luân chuyển GV từ miền núi về đồng bằng và từ đồng bằng lên miền núi. Từ năm 2009 trở về trước, công tác thuyên chuyển, điều động GV của các địa phương mang tính tự phát, chưa có sự chỉ đạo thống nhất của tỉnh nên gần như “đóng băng”. Thầy cô giáo sau nhiều năm hy sinh tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục miền núi vẫn không thể chuyển về đồng bằng. Nhờ có nghị quyết này, nhiều người “mắc kẹt” ở miền núi hàng chục năm đã được toại nguyện ước mơ.

Thầy trò trong một lớp học tại môi ngôi trường ở xã Trà Mai (Nam Trà My). Ảnh: H.Đ
Thầy trò trong một lớp học tại môi ngôi trường ở xã Trà Mai (Nam Trà My). Ảnh: H.Đ

Qua 6 năm (2010 - 2015) triển khai thực hiện nghị quyết, kết quả có gần 1.400 GV công tác tại miền núi được chuyển về các huyện, thị xã, thành phố. Giải quyết được nhu cầu của GV song áp lực đối với cả nơi đi và nơi đến rất lớn khi mà một số địa phương đồng bằng như Tam Kỳ, Núi Thành rơi vào tình trạng thừa GV còn các huyện miền núi lại mất ổn định về đội ngũ. Thế nên, khi Nghị quyết 146 hết hiệu lực vào năm 2015, đã có những thảo luận nên tiếp tục hay dừng lại và cuối cùng việc luân chuyển GV phải dừng lại do HĐND tỉnh không ban hành nghị quyết mới.

Những năm qua, việc thuyên chuyển GV diễn ra một cách tự phát theo nhu cầu của cá nhân mà không có chỉ đạo thống nhất chung cả tỉnh dẫn đến nhiều bất cập và những nghịch lý. Liệu có thêm một nghị quyết về luân chuyển hay cần có điều chỉnh sự phân cấp quản lý để khắc phục nghịch lý nêu trên?

 
 

Rời bục giảng, nhiều GV phải loay hoay với đủ thứ nghề tay trái để cải thiện thu nhập. Số đông giáo viên nữ lựa chọn việc kinh doanh online, kinh doanh thêm một số thực phẩm nhà làm...

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Chu Văn An (Hiệp Đức). Ảnh: CTV
Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Chu Văn An (Hiệp Đức). Ảnh: CTV

Sau khi "trả" đến học sinh cuối cùng của lớp, cô giáo N.T.T. - hiện làm việc tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Tam Kỳ lại hối hả cột hàng hóa sau yên xe để... đi ship. Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm bánh kẹo, hàng gia dụng, mỹ phẩm, áo quần...

Quê ở Bắc Trà My, cô giáo T. thuê một phòng trọ trên con hẻm của đường Nguyễn Thái Học để ở cùng con gái nhỏ và người chồng là công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Tam Thăng. Trên trang cá nhân của mình, ngoài các hình ảnh sinh hoạt tại trường học, phần lớn nội dung cô T. dùng để kinh doanh. Các mặt hàng đăng kèm theo ảnh, quảng bá tính năng, một số kèm giá cả, số điện thoại, ai có nhu cầu gọi đặt hàng sẽ được giao hàng tận nơi.

T. nói, vì thu nhập của hai vợ chồng cũng khá chật vật nên ngoài thời gian dạy ở trường, T. tranh thủ buôn bán thêm. Buổi tối sau khi nhận đơn đặt hàng của khách, T. sẽ gói hàng để chở theo đến trường. Cuối chiều, sau khi trả hết trẻ, cô lại chạy... đi ship hàng. Chỉ có thể lấy công làm lời, T. nói số tiền kiếm được từ kinh doanh online như vậy cũng phần nào trang trải được chi phí phòng trọ và một số sinh hoạt thiết yếu của gia đình.

Kinh doanh online được nhiều giáo viên lựa chọn để làm thêm, trang trải thu nhập. Ảnh: L.Q
Kinh doanh online được nhiều giáo viên lựa chọn để làm thêm, trang trải thu nhập. Ảnh: L.Q

Vừa dạy tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên ở một trường cấp 2, vừa tranh thủ bán thêm thực phẩm chức năng, vừa làm gia sư tại nhà, quỹ thời gian của cô K. - một giáo viên THCS tại Tam Kỳ gần như khép kín. K. cho biết do số tiết dạy ở trường không nhiều do đó thu nhập từ các buổi dạy chính khóa không đủ để nuôi 2 con cũng đang tuổi ăn học, nên khi được giới thiệu vào mạng lưới cộng tác viên cho nhãn hàng thực phẩm chức năng của nước ngoài, cô K. đã bắt tay vào làm.

"Đã 2 năm bán hàng, tôi may mắn có thêm thu nhập từ các công việc làm thêm mới đủ để chi tiêu cho gia đình" - cô K. nói. 

Không chỉ kinh doanh online, nhiều thầy cô vay mượn để mở cơ sở kinh doanh thêm. Thầy H. - giáo viên thể dục của một trường tiểu học tại Tam Kỳ mở shop kinh doanh trang phục thể thao. May mắn kết nối được với nhiều trung tâm đào tạo thể thao, khách hàng của thầy H. ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thầy H. nói vẫn muốn gắn bó với nghề giáo bởi nghề này mang lại nhiều niềm vui vì được tiếp xúc những đứa trẻ hồn nhiên...

 

Đối với bậc mầm non, đặc biệt ở mầm non tư thục, khó tuyển đủ giáo viên khi mức lương dành cho đội ngũ này còn quá thấp. Giáo viên trẻ hiện nay rất ngại vào trường vì thời gian làm việc ở bậc mầm non phải từ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày, không được cắt xén chương trình và giờ nghỉ trưa cũng phải làm việc.

Mới đây, ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi bàn đến các giải pháp đối với vấn đề học thêm - dạy thêm, nhiều đại biểu thẳng thắn nhận định, không thể cấm dạy thêm, làm thêm khi mà lương giáo viên quá thấp như hiện nay. Câu chuyện lương thấp, giáo viên không sống nổi bằng nghề là thực trạng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Kiến nghị nâng mức phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo được đưa ra, bởi khi được tăng phụ cấp, nhà giáo sẽ có sự động viên, yên tâm hơn để gắn bó với nghề...

 
 

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để trường lớp, thầy cô bớt lo toan…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO