Đề xuất bãi bỏ Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng: Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng rừng tự nhiên

ALĂNG NGƯỚC 26/04/2023 06:37

Bệnh cạnh tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh (về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025), việc đề xuất bãi bỏ Nghị quyết 38, đồng thời ban hành cơ chế mới phù hợp với thực tiễn được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng tham gia tuần tra diện tích rừng nhận giao khoán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng tham gia tuần tra diện tích rừng nhận giao khoán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại buổi làm việc giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với lãnh đạo Sở NN&PTNT, cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh liên quan đóng góp ý kiến đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 38; công tác hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề xuất bãi bỏ Nghị quyết 38; đánh giá tác động, ảnh hưởng sau khi bãi bỏ nghị quyết này.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sau gần 1 năm triển khai, mặc dù được đánh giá có nhiều chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), song Nghị quyết 38 vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là giải quyết đời sống cho lực lượng BVR hiện nay. Nguyên nhân là phạm vi điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên trong các lưu vực và ngoài lưu vực thủy điện theo Nghị quyết 38 còn nhiều bất cập.

Cụ thể, diện tích rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện được chủ rừng tự quản lý, bảo vệ theo hình thức hợp đồng BVR, còn diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết nên không được tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức theo hình thức hợp đồng BVR.

Trong khi đó, đơn giá khoán BVR từ các chương trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước vẫn giữ ở mức chi cũ (500 nghìn đồng/ha/năm), đơn giá này quá thấp so với nhu cầu thực tế công tác BVR hiện nay.

Theo ông Phú, việc tổ chức BVR theo hình thức hợp đồng BVR trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ. Đối với các xã vùng cao (chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số), mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ không những phát huy được truyền thống tốt đẹp về quản lý BVR của người dân địa phương, mà còn góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống tại chỗ.

Do vậy, người dân trong cộng đồng và chính quyền địa phương muốn giữ lại mô hình giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, không đồng ý thực hiện hình thức hợp đồng BVR.

“Tuy nhiên, việc tổ chức theo hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý vẫn còn một số hạn chế nhất định như: chưa được trang bị đầy đủ về nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng các thiết bị và chưa được tiếp cận các phần mềm hỗ trợ phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra rừng dẫn đến chất lượng và dữ liệu thông tin trong các đợt tuần tra, kiểm tra rừng còn nhiều thiếu sót” - ông Phú nói.

Vì mục tiêu nâng chất lượng rừng

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Trần Út cho hay, trước thực trạng vướng mắc trong thực tiễn, việc đề xuất bãi bỏ Nghị quyết số 38 để ban hành nghị quyết mới là điều cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và đề xuất giải pháp tổ chức quản lý, BVR giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp, hiệu quả hơn.

Đồng thời bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế người dân phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học… Qua đó, góp phần tích cực vào việc giải quyết lao động miền núi có công ăn việc làm ổn định, tăng cường an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh thời gian tới, ông Út đề nghị HĐND tỉnh cần thống nhất cho phép Sở NN&PTNT được nghiên cứu xây dựng lại cơ chế mới phù hợp với quy định pháp luật, trong đó sẽ thực hiện lấy ý kiến của các bộ ngành theo đúng quy định tại khoản 3 - Điều 21, Nghị định 163 của Chính phủ.

Theo đó, dự kiến định hướng nội dung trong dự thảo đề án mới ngân sách tỉnh sẽ không hỗ trợ kinh phí đối với diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thủy điện. Riêng đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện, đề xuất hỗ trợ đơn giá BVR đảm bảo đạt mức 600 nghìn đồng/ha/năm, với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 139,5 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, từ thực tiễn hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 38, việc đề xuất bãi bỏ nghị quyết cũ và xây dựng cơ chế chính sách mới hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Điều đó không chỉ “giữ chân” được đội ngũ BVR có chuyên môn, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý, BVR; cải thiện đời sống cho lực lượng hợp đồng BVR. Sau khi tổng hợp tất cả ý kiến của các bộ ngành trung ương và đơn vị liên quan theo quy định, đề án mới này dự kiến sẽ trình tại Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa X tới đây.

“Dù bãi bỏ nghị quyết cũ hay ban hành chính sách mới, mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, BVR ngày càng hiệu quả, chất lượng rừng ngày càng đi lên” - ông Hươm nói.

Theo ông Trần Út, sau khi Nghị quyết 38 được bãi bỏ sẽ xây dựng cơ chế mới hỗ trợ được diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện đảm bảo đơn giá tương đồng với diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thủy điện và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất bãi bỏ Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng: Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO