(QNO) - Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý nhiều nội dung vào hai dự thảo luật này.
Đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, Điều 16 quy định “Ngân sách địa phương hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh” là chưa thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước “không dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của ngân sách cấp khác”. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp.
Về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan”. Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định đối với các tổ chức, cá nhân trên được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan trong khi đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung “Tài sản bị tạm giữ khi cưỡng chế thu hồi đất mà chủ tài sản không nhận lại” vào đối tượng phải xử lý bằng hình thức đấu giá tài sản. Đại biểu cho biết, hiện nay trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất, nhiều tài sản có giá trị bị tạm giữ để thực hiện quyết định cưỡng chế nhưng sau đó chủ tài sản không nhận lại tài sản, các cấp chính quyền địa phương gặp khó khăn khi quản lý tài sản này.
Dự thảo luật mới chỉ quy định trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động về địa chỉ trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải thực hiện việc gửi giấy đề nghị thay đổi đến sở tư pháp. Để bảo đảm việc quy định chặt chẽ hơn, đại biểu đề xuất trong mọi trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động thì doanh nghiệp đấu giá tài sản phải thực hiện trách nhiệm trên.
Đồng thời đại biểu Dương Văn Phước đề nghị dự thảo luật phải giải thích rõ như thế nào là “cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác” nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Nếu không quy định rõ nhóm đối tượng này sẽ dẫn đến 2 trường hợp: hoặc là bỏ lọt đối tượng, hoặc là lạm quyền để từ chối cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá trái quy định.
Ngoài ra, xem xét nâng mức tiền đặt trước từ mức tối thiểu là 20% và tối đa 50% giá trị tài sản đấu giá, vì khung số tiền đặt trước như dự thảo luật đang quy định là quá thấp. Đồng thời, cần mở rộng tỷ lệ phạt đấu giá, quy định thời gian người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đại biểu đề xuất phải công bố tất cả phiếu, trong đó có phiếu cao nhất chứ không nên chỉ công bố “công bố phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá” để đảm bảo chặt chẽ, công bằng, tránh gian lận trong đấu giá.
Quy định cụ thể việc công khai, quản lý danh sách người trúng đấu giá tài sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá để các tổ chức đấu giá tài sản có thông tin đầy đủ, kịp thời về các trường hợp này.
Đại biểu Dương Văn Phước cũng đề xuất chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo đại biểu, Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định vấn đề này dẫn đến hàng loạt trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá như vụ việc đấu giá biển số xe vừa qua.