Đề xuất đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội một số cơ chế đặc thù để phát triển sinh kế dưới tán rừng

NGỌC QUYÊN 09/06/2023 17:36

(QNO) - Sáng 9/6, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, báo cáo thẩm tra dự án luật, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chủ trì thảo luận tổ với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Trà Vinh và Đắk Nông.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì thảo luận
Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chủ trì thảo luận. Ảnh: N.Q

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung giải thích từ ngữ tại Điều 3 về “quyền sử dụng đất” là gì. Theo đó, cần làm rõ nội hàm giữa “quyền sử dụng đất” và “quyền sở hữu” được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, cần giải thích rõ khái niệm “chiếm đất” và “lấn đất” để phân biệt ngay trong dự thảo luật, tránh gây nhầm lẫn trong thực tiễn áp dụng luật.

Đối với vấn đề sử dụng môi trường rừng, môi trường dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, đại biểu cho biết nhiều địa phương khi thực hiện bị vướng, trong đó có tỉnh Quảng Nam khi không được quy định trong Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu thảo luận
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: N.Q

Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 hoặc Nghị quyết chất vấn để có hiệu lực triển khai ngay sau khi ban hành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân các địa phương, tạo sinh kế, bảo vệ môi trường rừng, đảm bảo kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất tại Điều 127, đại biểu đồng tình việc giao đất để phát triển kinh tế - xã hội cho các doanh nghiệp sử dụng đất thực hiện các dự án cần phải thỏa thuận. Nhưng luật cần phải quy định chặt chẽ, cụ thể việc đền bù cho người dân sau khi thu hồi đất đối với các trường hợp khi có sự chênh lệch giá giữa Nhà nước và giá thị trường để giải quyết những bất cập trong thực tiễn, hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh mất cân bằng xã hội.

Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia nhiều nội dung, trong đó tập trung những nội dung lớn của dự thảo luật. Đó là: đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, đại biểu băn khoăn dự thảo luật đã rà soát, liệt kê hết danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chưa và nếu xuất hiện công trình, dự án mới chưa được quy định trong dự thảo luật thì xử lý như thế nào. Đại biểu đề xuất dự thảo luật nên quy định mở và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Namphát biểu thảo luận
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: N.Q

Tại điểm e khoản 1 Điều 79, nội hàm của nhóm “công trình dầu khí” cần được liệt kê, giải thích rõ hơn để tránh nhầm lẫn với các “kho chứa, trạm bơm xăng” tư nhân. Tại điểm d, khoản 3, Điều 79 quy định về “dự án đầu tư từ hoạt động lấn biển”, tuy nhiên trong dự thảo luật lại không quy định “dự án đầu tư từ hoạt động lấn biển” là gì, đại biểu đề nghị giải thích rõ.

Khi dẫn chiếu các quy định tại điểm a, điểm e, điểm g, khoản 3, Điều 79 đến các quy định tại khoản 1 Điều 112 và điểm b khoản 1 Điều 126 là các trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị nên quy định thẳng vào luật, không viện dẫn tránh gây hiểu lầm, thiếu nhất quán khi áp dụng luật. Đại biểu còn đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, xem xét bổ sung điều luật hoặc một khoản quy định về điều kiện đền bù giải tỏa đối với các công trình xây dựng vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội hoặc cộng đồng để giải quyết những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn cuộc sống.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); sau đó Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội một số cơ chế đặc thù để phát triển sinh kế dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO