Môi trường

Đề xuất giải pháp "gia cố" đồi khí tượng Trà My

NGUYÊN HÀ 23/04/2024 07:01

Sau thời gian khảo sát địa chất, thu thập dữ liệu về lượng mưa cùng các yếu tố tác động của con người đến khu vực vết nứt, sụt lún, sạt lở đất tại đồi đặt Trạm khí tượng (KT) Trà My, đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp xử lý bạt mái, gia cố bảo vệ chân, mái dốc… nhằm bảo đảm an toàn cho công trình kè sông Trường và khu vực lân cận.

bat-mai-gia-co-mai-doc.jpg
Giải pháp bạt mái, gia cố bảo vệ chân mái dốc… được đề xuất để xử lý vết nứt, phòng chống sụt lún, sạt lở đất tại đồi đặt Trạm KT Trà My và kè sông Trường. Ảnh: N.H

Thu thập dữ liệu kỹ lưỡng

Theo kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn là Công ty CP Phú An Dương và TS.Trần Hữu Tuyên (Trường Đại học Khoa học Huế), khu vực đồi Trạm KT Trà My có nguy cơ sạt lở, chiều dài 185m, chiều rộng 148m, tổng diện tích 27.300m2 .

Hình thái sườn dốc lõm không đáng kể. Cấu trúc địa chất gồm 4 lớp đất, đá với phạm vi, chiều sâu phân bố không đồng nhất. Lớp đầu tiên là đất sét pha lẫn nhiều dăm sạn, màu xám phớt hồng, nâu đỏ. Lớp thứ hai, đất sét pha lẫn dăm sạn màu vàng, nâu đỏ. Lớp thứ ba và lớp thứ tư là đá gốc phong hóa, nứt nẻ.

Sườn dốc bị ảnh hưởng bởi các hoạt động trượt, lở đất xảy ra trong quá khứ. Điều kiện địa chất thủy văn biến đổi mạnh theo mùa. Mùa khô, mực nước ngầm nằm sâu.

Trong các trận mưa, mực nước ngầm có thể dâng gần mặt đất nhưng tồn tại trong thời gian ngắn. Cạnh đó, hoạt động và tác động của người dân sở tại còn ảnh hưởng đến sự ổn định của sườn dốc.

Từ kết quả khảo sát, đơn vị tư vấn phân tích đa chiều, tính toán căn cứ theo các luận chứng khoa học để đưa ra các kết quả khác nhau về độ ổn định sườn dốc trong tình huống lượng mưa lớn nhất 5 ngày. Trong đó tần suất lượng mưa lớn nhất 5 ngày dựa trên dữ liệu được thống kê từ năm 1978 đến năm 2015 của Trạm KT Trà My.

Kết quả, trường hợp thứ nhất, hệ số mái tự nhiên, tần suất mưa 15% và 1%, hệ số ổn định (FOS) sau trận mưa, sườn dốc mất ổn định và xảy ra sạt lở.

Trường hợp thứ hai, mái dốc gia cố với hệ số mái m = 1.5 vẫn ổn định sau trận mưa có tần suất 15% nhưng mất ổn định với trận mưa có tần suất 1% và xảy ra sạt lở.

Trường hợp thứ ba, mái dốc thiết kế có hệ số mái m = 2, các chỉ số về tần suất mưa như nhau, hệ số ổn định sau trận mưa, sườn dốc đều rất ổn định.

Từ đó, giải pháp xử lý vết nứt, sụt lún, sạt lở đất đồi đặt Trạm KT Trà My, bảo vệ an toàn kè sông Trường và vùng lân cận được đề xuất tập trung bạt mái dốc với hệ số mái m = 2 như phương án tại trường hợp thứ ba.

Đồng thời gia cố bảo vệ chân mái dốc bằng tường chắn trọng lực, còn mái dốc được gia cố bề mặt bằng những chất liệu chống xói và bố trí hệ thống rãnh thu, gom và thoát nước phù hợp…

Cạnh đó, đơn vị tư vấn còn đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo cộng đồng dân cư kết hợp đào tạo, tập huấn phòng chống thiên tai sạt lở đất cho học sinh, giáo viên và cộng đồng dân cư lân cận về cách nhận biết các dấu hiệu sạt lở đất, cách ứng phó trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai nhằm giảm nhẹ các thiệt hại; xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất khu dân cư lân cận phục vụ cho việc di dời, cảnh báo và phòng chống thiên tai ở địa phương.

Băn khoăn về tính khả thi

Theo lãnh đạo Trạm KT Trà My, việc sử dụng số liệu về lượng mưa từ 1978 đến năm 2015 để tính toán đưa ra giải pháp xử lý là chưa thật sự cập nhật bởi gần đây lượng mưa ở vùng Trà My có biến động khó lường. Chẳng hạn, trong ngày 5/11/2017, lượng mưa ở Trà My lên đến gần 800mm.

hien-truong-vet-nut-lon-tai-doi-dat-tram-khi-tuong-tra-my.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vết nứt lớn, tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, sạt lở đất tại đồi đặt Trạm KT Trà My. Ảnh: N.H

Về giải pháp xử lý, bạt mái dốc với hệ số mái m = 2 chỉ xử lý trên bề mặt của khối trượt, không cho nước mưa thấm xuống và chống xói lở. Trong khi đó, thực tế khi mưa, nước sẽ thấm qua cả các lớp phủ bề mặt xung quanh khối trượt, ngấm xuống lòng đất nên phương án này vẫn chưa thật sự khả thi.

Trạm KT Trà My đề xuất xem xét hạ thấp độ cao của khối trượt và khu vực bề mặt vết nứt nhằm giảm trọng lực cho khối trượt. Đồng thời, trong giải pháp xử lý, đơn vị tư vấn đưa ra cần bám sát với luật, các văn bản liên quan đến khí tượng thủy văn, công trình khí tượng thủy văn, hiện trạng tại Trạm KT Trà My cũng như các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo công trình hoạt động ổn định về sau.

Việc khảo sát, đánh giá tình trạng, mức độ, nguyên nhân sạt lở để đưa giải pháp xử lý tối ưu đảm bảo an toàn cho công trình kè sông Trường cùng các hạng mục liên quan và hạ tầng dân sinh khu vực này là rất cấp thiết.

Dự kiến, trong ngày 24/4 sắp tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam (chủ đầu tư dự án) cùng các ngành liên quan và địa phương sẽ có cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo kết quả sát, phương án xử lý để phân tích, cho ý kiến về giải pháp xử lý.

Sau khi giải pháp về phương án xử lý tối ưu được thống nhất, các thủ tục trình phê duyệt và thực hiện theo quy định sẽ được khẩn trương triển khai.

Lãnh đạo Trạm KT Trà My và người dân vùng bị ảnh hưởng mong muốn hạng mục công trình phòng chống sạt lở này sớm được hoàn thành trước thềm mùa mưa lũ của năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất giải pháp "gia cố" đồi khí tượng Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO