Đề xuất giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung

THÀNH CÔNG 16/01/2021 20:32

(QNO) - Sáng 16.1, tại TP.Hội An, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”.

Rất đông đại biểu các Bộ ngành, lãnh đạo chính quyền, sở ban ngành các địa phương và nhiều chuyên gia hàng đầu tham dự hội thảo. Ảnh: T.C
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: T.C

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, chính quyền và sở, ban ngành các địa phương khu vực miền Trung, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, những thước phim về tình hình sạt lở xảy ra tại Quảng Nam năm 2020 phần nào cho thấy sự khốc liệt của thiên tai. Nếu có dịp đến tận nơi, chứng kiến hiện trường, hiện trạng còn khủng khiếp hơn nhiều. Hội thảo lần này để các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tập trung thảo luận tìm nguyên nhân và quan trọng là đề xuất giải pháp để ứng phó, khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.C

“Đối với Quảng Nam cũng như các tỉnh khác ở khu vực miền Trung, địa hình dốc, hẹp và núi cao, năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Trong đó, năm 2020 khốc liệt nhất. Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 88 về phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi, rất mong tại hội thảo này sẽ tập trung phân tích, mổ xẻ để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đối với khu vực miền núi của miền Trung, cần có những giải pháp phù hợp nhất, thích ứng nhất đối với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đi sâu phân tích việc ứng dụng khoa học công nghệ để cảnh báo, dự báo sớm giúp công tác phòng chống thiên tai chủ động hơn, giảm thiểu thiệt hại hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Tại hội thảo, hàng loạt tham luận, ý kiến đề cập đến tình hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung; kết quả điều tra nguyên nhân chủ yếu gây lũ quét, sạt lở đất; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Hội thảo cũng thảo luận các giải pháp phòng chống hiệu quả đã thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các bộ ngành, địa phương đối với công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Đề xuất các giải pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như ảnh vệ tinh, công nghệ AI, IOT, WSN...

Nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các chuyên gia được trình bày tại hội thảo. Ảnh: T.C
Chuyên gia trình bày tham luận về giải pháp ứng phó thiên tai. Ảnh: T.C

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, những ý kiến thảo luận, tham luận là cơ sở tham khảo quan trọng cho từng tỉnh, thành khu vực miền Trung. Trong đó, bên cạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, cũng cần vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm, tri thức của người dân bản địa. Đồng thời cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, không tách rời sự tham gia chủ động của cộng đồng. Các tỉnh cũng cần lưu ý tính lưỡng dụng, đa chức năng của các công trình ở khu vực miền núi, gắn với yêu cầu phòng tránh thiên tai, đảm bảo công năng ở mức độ cao. Đối với các giải pháp kỹ thuật lẫn hệ thống văn bản chính sách phải đảm bảo yếu tố chính xác, bền vững, thống nhất, đồng bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cảm ơn tình cảm, trách nhiệm cao của các đại biểu, chuyên gia. Đồng thời mong muốn những giải pháp, đề xuất sẽ được cụ thể hóa, hệ thống để có thể mang tính ứng dụng cao trong thời gian tới, nhanh chóng triển khai được để từng bước ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Clip hội thảo:

Sau hội thảo, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vận dụng các kết quả nghiên cứu trong hội thảo, triển khai công tác phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO