(QNO) - Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam tham gia góp ý nhiều vấn đề còn vướng mắc, bất cập để hoàn thiện dự thảo luật.
Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng việc đóng cửa mỏ khoáng sản có vai trò quan trọng trong việc phục hồi môi trường sau khai thác. Dự thảo luật cũng dành mục 2, Chương VII để quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “đóng cửa mỏ khoáng sản” thì chưa được giải thích, chưa tạo cách hiểu chung thống nhất. Do đó, đề nghị giải thích rõ cụm từ “đóng cửa mỏ khoáng sản” để xác định cụ thể những hoạt động mà tổ chức, cá nhân phải thực hiện khi đóng cửa mỏ.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản, đại biểu đề xuất bổ sung thẩm quyền giao “Ủy ban nhân dân tỉnh hiệu chỉnh tọa độ, diện tích, địa danh khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh trước khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản” vào khoản 3 Điều 15, như vậy sẽ thuận tiện và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Về quy định tham gia điều tra địa chất về khoáng sản của tổ chức, cá nhân, đại biểu đề nghị bỏ “quyền ưu tiên của tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản” quy định tại khoản 3 Điều 24, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Về quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV, đề nghị bổ sung các hình thức “cấp lại, chuyển nhượng” vào khoản 3 Điều 75 để đảm bảo các quyền của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Quy định chung về thu hồi khoáng sản (Điều 77), đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định “Được xử lý bán” vào khoản 4, nhằm tạo điều kiện để khoáng sản thu hồi được sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí. Bổ sung quy định cụ thể về hình thức, thẩm quyền, trình tự và thủ tục bán khoáng sản hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Đồng thời bổ sung “trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tổ chức thu hồi khoáng sản thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho phép đơn vị khác thực hiện thu hồi, trong đó ưu tiên cho phép đơn vị thi công dự án thực hiện thu hồi” vào khoản 5 điều này (Điều 77), như vậy sẽ tránh trường hợp chủ đầu tư không thu hồi sẽ lãng phí khoáng sản.
Về thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản (Điều 86), đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định các trường hợp không phải lập đề án đóng cửa mỏ, phương án đóng cửa mỏ bao gồm: Khai thác khoáng sản nhóm IV; thu hồi khoáng sản; khai thác khoáng sản nhóm I, II, III đã hết hạn nhưng chưa khai thác hết trữ lượng và đang xem xét cấp lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân đó hoặc tổ chức, cá nhân khác, nhằm tạo điều kiện và bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, các nhân thực hiện khai thác khoáng sản tránh lãng phí nguồn lực.
Về nguyên tắc hoạt động thăm dò, khai thác, thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển, khoản 3 Điều 89 quy định “Trường hợp đã khai thác đủ trữ lượng khoáng sản quy định trong giấy phép phải dừng khai thác và thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ”, đại biểu đề xuất bổ sung thêm nội dung quy định “đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép lập hồ sơ thăm dò bổ sung để thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản còn lại, trình cơ quan có thẩm quyền công nhận trữ lượng, làm cơ sở xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản” vào sau điều này.
Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho đơn vị đang khai thác khoáng sản có điều kiện, cơ sở để tiếp tục làm các thủ tục hồ sơ khai thác trữ lượng còn lại, phù hợp với đặc thù các loại khoáng sản như cát, sỏi… được bồi lấp hằng năm.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “Xác định hoặc đăng ký rõ các tuyến đường vận chuyển từ các điểm mỏ khai thác cát, sỏi đến các đường công cộng đảm bảo tuân theo các quy định của pháp luật về giao thông và phải được cơ quan quản lý đường bộ thống nhất” vào khoản 2 Điều 91, nhằm thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải khoáng sản và đảm bảo cho công tác giám sát hiệu quả.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản của UBND các cấp, đại biểu đề xuất bổ sung một điểm vào tại khoản 2, Điều 111 quy định “Ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu cũng đề xuất có điều khoản cho phép UBND cấp tỉnh phân quyền cho UBND cấp huyện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, nhất là cát, sỏi, đất san lấp nhằm phục vụ xây dựng các công trình dân sinh và nhu cầu của người dân.