(QNO) – Từ khi dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hình thành thì 39 hộ dân thuộc thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) luôn lo sợ mỗi khi trời mưa xuống bởi dòng nước chảy xiết hình thành do thế kẹp của cầu cao tốc Kỳ Lam và đường sắc Bắc – Nam, tạo thành hố sâu dẫn đến tình trạng sạt lở nhà dân.
Sạt lở mố cầu cao tốc Kỳ Lam. Ảnh: THANH THẮNG |
Bà Nguyễn Thị Chín (53 tuổi, thôn Kỳ Lam) cho biết, từ cuối năm 2016, mỗi khi trời mưa lớn, nước dội thẳng vào phía sau nhà bà. Sạt lở xảy ra chỉ cách nhà bà 10 mét. Lo lắng sạt lở gây sập nhà bất cứ lúc nào nên mỗi khi trời mưa lớn, gia đình bà Chín chuyển qua ở nhờ một người dân khác.
“Trước khi xây dựng cầu cao tốc Kỳ Lam, người dân chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư không làm mố cầu tại đây mà nên làm cầu vượt qua hết khu dân cư. Sau khi làm xong cầu cao tốc Kỳ Lam, mỗi khi có mưa lớn kéo dài hoặc khi lũ về thì nước dội thẳng vào khu dân cư” – bà Chín bức xúc nói.
Cuối năm 2016, mố cầu A2 thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại thôn Kỳ Lam bị sạt lở, do đã có chớm cũ nên đợt lũ lớn vào tháng 11 vừa qua khiến tình trạng sạt lở chân mố cầu nghiêm trọng hơn. Nước chảy từ chân mố cầu A2 ra thẳng cánh đồng của người dân khiến 16ha đất sản xuất bị bồi lấp, trước mắt không thể khôi phục sản xuất được.
Hơn 16ha đất sản xuất bị ảnh hưởng không thể sản xuất vụ đông xuân tới. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Nguyễn Đức Nên (60 tuổi, thôn Kỳ Lam) cho biết ông có 1,3 sào ruộng, nhưng vụ đông xuân này chắc không sản xuất được do bị đất đường cao tốc bồi lấp.
Hiện nay, tại bờ kè dưới chân cầu đường sắt Kỳ Lam cũng bị sạt lở nặng. Hơn 50 mét bờ kè được kè kiên cố đưa vào sử dụng vào năm 2015 từ nguồn vốn trung ương cũng bị nước lũ cuốn trôi trong đợt lũ hồi tháng 11, để lại nhiều hàm ếch sâu hơn 1 mét. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều lần người dân đã kiến nghị với chủ đầu tư và chính quyền địa phương di dời ra hết 39 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn. Nhưng đến nay mới có 4/39 hộ dân được hỗ trợ di dời.
Sạt lở nghiêm trọng bờ kè gần chân cầu đường sắt Kỳ Lam uy hiếp khu dân cư. Ảnh: THANH THẮNG |
“Đối với những hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng cao, đặc biệt là 4 hộ dân sát với chân cầu cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã được Bộ GTVT cho di dời. Còn 35 hộ còn lại, địa phương sẽ hỗ trợ cho người dân gia cố tường rào cổng ngõ chống chịu với lũ, thiên tai. Theo đó, đề xuất hỗ trợ 60% giá trị cho các hộ gia đình gia cố lại tường rào cổng ngõ” – ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định. |
Ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trong đợt lũ hồi tháng 11 vừa qua, nước sông Thu Bồn tại thôn Kỳ Lam dâng cao cấp độ 3 nên đã làm nhiều khu vực bờ sông trên địa bàn bị sạt lở nặng. Riêng tại bờ kè gần với chân đường sắt Kỳ Lam, ông Dũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến sạt lở có nạn hút cát trộm.
Cũng theo ông Dũng, việc 39 hộ dân kẹp giữa đường sắt Bắc – Nam và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (tại thôn Kỳ Lam) lo lắng là có cơ sở. Qua ý kiến phản ảnh của nhân dân về thay đổi dòng chảy, UBND tỉnh đã có buổi đối thoại với 39 hộ dân bị ảnh hưởng tại thôn Kỳ Lam. Sau khi xem xét thì 39 hộ dân lại không nằm trong hành lang giao thông nên không có cơ sở để đền bù. Tuy nhiên, địa phương đã cử cơ quan ban ngành liên quan đi khảo sát, sau đó sẽ có hướng kiến nghị với UBND tỉnh.
THANH THẮNG