(QNO) - Tại Nhà Quốc hội, sáng nay 23/10 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý nhiều nội dung để hoàn chỉnh dự án luật.
Về việc áp dụng hình phạt, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung nội dung quy định không áp dụng hình phạt với tình tiết “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người chưa thành niên. Theo đại biểu Dương Văn Phước, người chưa thành niên là người nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ còn non nớt, bồng bột nên bổ sung nội dung trên là phù hợp, vừa thể hiện tính nhân văn, vừa nhân đạo, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Về trách nhiệm của gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng “người nuôi dưỡng hợp pháp, người bảo hộ” là đối tượng có trách nhiệm của gia đình đối với người chưa thành niên phạm tội. Đại biểu dẫn chứng, trong thực tiễn vẫn có trường hợp người chưa thành niên phạm tội không có cha mẹ, nhưng có người nuôi dưỡng hợp pháp, có người bảo hộ và những người này có đủ điều kiện bồi thường thiệt hại khi người chưa thành niên gây ra.
Đối với trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thì người chưa thành niên phạm tội khi thuộc các trường hợp: (1) Người chưa thành niên chủ mưu, tổ chức, cầm đầu, chỉ huy; người thực hành trong trường hợp tội có tính chất côn đồ, chuyên nghiệp; (2) Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phạm tội thì đại biểu Dương Văn Phước đề nghị không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đại biểu cho biết, người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong thời gian qua tập trung chủ yếu từ 16 - 18 tuổi; các đối tượng này lợi dụng không gian mạng tập hợp thành các nhóm tội phạm, phạm tội mang tính chất có tổ chức, manh động, côn đồ, nguy hiểm cho xã hội. Nếu các hành vi phạm tội nêu trên không đưa vào trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ có nguy cơ gia tăng băng nhóm tội phạm đối với người chưa thành niên, gây mất an ninh trật tự.
Đồng thời, theo quan điểm của đại biểu trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội giết người thân, ruột thịt như cha mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột hoặc chị ruột… cũng không nên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm xử lý nghiêm những người mất nhân tính, giết hại cả những người thân thích, ruột thịt của mình, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Về điều kiện áp dụng, đại biểu nhận thấy việc quy định người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng tại khoản 3 Điều 40 là chưa phù hợp. Bởi vì khoản 3, Điều 6 dự thảo đã quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào hành vi phạm tội, nhân thân, độ tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên không nhằm mục đích trừng trị mà nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới nhưng đủ nghiêm khắc, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Do đó, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên không cần phải phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của họ.
Quy định này tương tự như quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không cần thiết phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Vì vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị nên cân nhắc loại bỏ điều kiện này.