Đề xuất nghiên cứu ứng dụng đề án sáng kiến địa chất và bảo vệ môi trường vùng Quảng Nam - Đà Nẵng
(QNO) - Sáng nay 18/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình chủ trì buổi làm việc với Viện Công nghệ quốc tế DNIIT (thuộc Đại học Đà Nẵng) để nghe giới thiệu Đề án sáng kiến địa chất và bảo vệ môi trường vùng Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, sạt lở đất, công nghệ quan trắc môi trường luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của các nước trên thế giới.
Với thời tiết nhiệt đới gió mùa, địa chất đất đỏ và độ ẩm cao, miền Trung Việt Nam (trong đó có Quảng Nam và TP.Đà Nẵng) rất dễ xảy ra thiên tai liên quan. Thời gian qua, chính quyền Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã phát triển nền tảng thành phố thông minh, trên cơ sở định hướng phát triển dự án nhằm ứng dụng phòng chống thiên tai hiệu quả.
Với thế mạnh về công nghệ, đề án đặt mục tiêu nghiên cứu áp dụng tại Quảng Nam theo hệ thống quan trắc tín hiệu, cảnh báo thiên tai. Đặc biệt là hệ thống thiết bị cảm biến kết nối ra đa nổi trên biển nhằm cảnh báo đưa ra tín hiệu thiên tai hiệu quả, nhất là sóng thần và động đất.
Thông qua việc ứng dụng cáp quang, phát đi tín hiệu thông tin, đề án giúp thu thập dữ liệu liên quan địa chất, động đất và vận hành, theo dõi, điều tiết hệ thống giao thông đô thị, hướng đến không gian sống an toàn, bền vững cho người dân và cộng đồng.

Ngoài ra, đề án cũng đặt mục tiêu đưa ra giải pháp giảm thiểu và khắc phục nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; giáo dục hiểu biết, nâng cao nhận thức về hiện tượng tự nhiên, nguy cơ xảy ra hiện tượng cực đoan và khoa học địa chất cho cộng đồng.
Tại buổi làm việc, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT mong muốn đặt trạm quan trắc, trạm thực nghiệm để truyền cơ sở dữ liệu cảnh báo thảm họa thiên nhiên. Để ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiệu quả, về lâu dài, Quảng Nam tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kinh phí hoạt động đề án sau khi chính thức ứng dụng tại địa phương...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho biết, thời gian qua, Quảng Nam luôn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; đặc biệt là sạt lở núi tại các huyện núi cao. Do vậy, đề án rất hợp lý với đô thị thông minh mà Quảng Nam đang triển khai.
Trên cơ sở đề xuất nghiên cứu áp dụng đề án, ông Phan Thái Bình đề nghị Viện Công nghệ quốc tế DNIIT tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan đến việc lắp đặt các trạm quan sát, nhà điều hành; cũng như số lượng và vị trí lắp đặt trạm quan sát để có hướng phối hợp, tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
Đồng thời, thông tin cụ thể về mục đích, yêu cầu, tính cấp thiết của đề án; hiệu quả ứng dụng đề án tại một số địa phương khác trên cả nước; thời gian triển khai đề án; khái toán kinh phí hỗ trợ thực hiện đề án...