Nhiều vấn đề về chính sách, pháp luật được các đại biểu Quốc hội đề xuất và phân tích ở các buổi thảo luận trong Kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIII vừa qua. Trong đó, có những chính sách, luật mới.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) phát biểu về Luật An toàn lao động. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội) |
Luật Trưng cầu ý dân
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào các công việc của Nhà nước và xã hội, phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Góp phần giúp người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bao gồm 9 chương, 56 điều, Dự thảo Luật có một số nội dung chính như: về các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp trong việc tổ chức trưng cầu ý dân; về nguyên tắc lập danh sách cử tri; về mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân; về phiếu trưng cầu ý dân; về kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm…
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện nay dự thảo Luật có một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: về vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; về phạm vi trưng cầu ý dân; về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; về cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân; về kết quả trưng cầu ý dân; về giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung được quy định tại Điều 7 của Dự thảo Luật: “Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước” vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động như: việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…
Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa phương khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Đảm bảo an toàn thông tin
Tờ trình của Chính phủ khẳng định xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 56 điều. Dự thảo Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin.
Việc ban hành luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Đánh giá phạm vi thông tin cần được pháp luật bảo đảm an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay internet, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng phần lớn nội dung của Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông, internet và mạng máy tính).
Đồng thời, Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa an toàn thông tin với an ninh thông tin; bổ sung một số nội dung liên quan giữa bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng theo tinh thần của Nghị quyết IPU-132 về chiến tranh mạng.
Người lao động có quyền lựa chọn
Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của một bộ phận công nhân và người lao động không có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trí có lợi hơn. Trước mắt, họ cần một khoản tiền để mưu sinh, mở một cửa hàng nhỏ hay về quê làm ruộng, gắn bó với mảnh đất quê cha đất tổ của mình và cực chẳng đã họ mới phải chọn phương án nhận một lần. Do vậy, luật nên quy định mở để cho họ có quyền lựa chọn.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội thì một số ý kiến đại biểu cho rằng chưa nên thông qua việc sửa đổi này mà chờ Chính phủ tiến hành khảo sát, đề xuất để Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về vấn đề này Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội.
A.T (tổng hợp)