Đề xuất nhiều cơ chế tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội

VĂN HIẾU 25/10/2023 05:00

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng qua 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận tại tổ vào sáng qua 24/10. Ảnh: V.H
Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận tại tổ vào sáng qua 24/10. Ảnh: V.H

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với báo cáo của Chỉnh phủ trình Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đại biểu, vẫn còn những khó khăn, vướng mắt trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như thủ tục xin cấp phép khai thác vật thiệu xây dựng, nhất là các mỏ đất còn quá phức tạp, phải mất 2 năm mới hoàn thành.

Đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, vừa qua Chính phủ đã cho cơ chế áp dụng thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất theo thủ tục rút gọn để khai thác phục vụ làm hệ thống cao tốc trên toàn quốc.

Do đó, đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng thủ tục này cho các địa phương trong cả nước để đẩy nhanh nguồn cung vật liệu, nhằm thúc đẩy thi công các công trình đang dở dang, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng hiện nay.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng hiện nay doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, điều kiện tiếp cận nguồn vốn quá chặt, thủ tục phức tạp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm để thế chấp nên sẽ khó có thể vay vốn. Bên cạnh đó, chính sách về thuế buộc các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế này.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, miễn giảm một số chính sách thuế để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy và phục hồi nhanh nền kinh tế sau đại dịch.

Về tín dụng cho vay đóng tàu của Nghị định 67, theo đại biểu Lê Văn Dũng, đây là chính sách hết sức thiết thực giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, ngư dân gặp nhiều khó khăn, hoạt động khai thác, kinh doanh không đạt hiệu quả do ngư trường, nguồn lợi cá, mực,.. không thuận lợi, dẫn đến thua lỗ kéo dài, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho ngư dân.

Liên quan đến việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, đại biểu Lê Văn Dũng cho biết đây là vấn đề nhiều cử tri bức xúc, có ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri và đã được đại biểu Quốc hội phản ánh đến các kỳ họp.

Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, vật tư y tế trong thời gian qua; có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Đại biểu Lê Văn Dũng còn phản ánh tình trạng thiếu giáo viên, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là nhiều chính sách của giáo viên bị cắt giảm. Trong khi đó, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách căn cơ về chế độ tiền lương, xem xét việc xét tuyển giáo viên, nhất là sinh viên sư phạm người đồng bào dân tộc thiểu số, để bảo đảm đời sống cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút giáo viên ở lại miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất nhiều cơ chế tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO