(QNO) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay 24/10 Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Dữ liệu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước nhận định sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế lần này là cần thiết.
Đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung các đối tượng “người có công với cách mạng (trước ngày 30/4/1975) được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế giai đoạn sau năm 1975” vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Đại biểu lý giải, họ chỉ được nhận trợ cấp một lần là không công bằng về quyền lợi so với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Đồng thời bổ sung đối tượng “người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà các xã này nếu đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thoát khỏi tình trạng khó khăn, đặc biệt khó khăn” vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.
Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, hiện nay các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nhóm đối tượng này hầu như không còn được thụ hưởng, đặc biệt là chính sách về y tế. Trong khi đó, đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa ổn định, khó có khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế.
Việc quy định nâng mức đóng hằng tháng của đối tượng (1) Người thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, (2) Người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, (3) Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng quy định tại khoản 5, Điều 12 của luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc đóng theo cá nhân tham gia; đại biểu đề nghị xem xét giữ nguyên mức đóng hiện tại là 4,5% mức lương cơ sở và cho rằng việc tăng từ 4,5% lên 6% sẽ gây áp lực tài chính cho các hộ gia đình, nhất là hộ có thu nhập thấp, không ổn định, điều này làm giảm mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng thời, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung đối tượng “người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, người đã hiến bộ phận cơ thể người” vào nhóm được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, vì đa số đối tượng này lớn tuổi, già yếu và việc hiến bộ phận cơ thể là hành động rất nhân văn cần được Nhà nước quan tâm, để đảm bảo tính công bằng trong hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh giữa các đối tượng.
Để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo lần này bổ sung “Trường hợp phải làm việc lưu động, đi công tác hoặc thay đổi nơi tạm trú sang địa phương khác, học sinh, sinh viên, học viên học tập tại địa phương khác trong thời gian nghỉ hè, người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn hoặc ngang cấp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phù hợp nơi người đó đang làm việc lưu động, nơi tạm trú mới”. Tuy nhiên, theo đại biểu việc liệt kê như vậy chưa bao quát đầy đủ các đối tượng, đề nghị luật rà soát kỹ, tránh ghi quá cụ thể lại thiếu đối tượng.