Đề xuất sáp nhập thanh tra tổng cục, cục vào thanh tra bộ

VĂN HIẾU 27/05/2022 07:16

(QNO) - Chiều 26.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý nhiều nội dung 2 dự thảo luật này.

Đại biểu Phan Thái Bình
Đại biểu Phan Thái Bình góp ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: V.HIẾU

Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất với việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thanh tra lần này. Sau hơn 10 năm triển khai, Luật Thanh tra đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 chưa cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng việc sửa đổi luật là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, việc quy định tiêu chuẩn ngạch thanh tra còn chung chung, chưa đầy đủ. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về việc chuyển ngạch từ chuyên viên chính sang thanh tra viên chính. Vì trong thực tiễn nhiều trường hợp do yêu cầu công tác luân chuyển từ chuyên viên chính sang công tác ở ngành thanh tra thì đương nhiên đủ tiêu chuẩn làm thanh tra viên chính, như vậy mới đảm bảo công bằng giữa các ngạch công chức và ngạch thanh tra.

Việc gia hạn thời hạn thanh tra quy định tại Khoản 1 Điều 68: “Gia hạn thời hạn thanh tra trong trường hợp phức tạp”, theo đại biểu Dương Văn Phước cần bổ sung thêm “Trường hợp đoàn thanh tra cần có thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, làm rõ thêm một số nội dung cần thanh tra”. Vì trong thực tiễn khi tiến hành thanh tra đến gần kết thúc thời gian thanh tra nhưng xuất hiện nội dung cần xác minh làm rõ vấn đề thì đoàn thanh tra cần có thêm thời gian để thu thập thông tin, tài liệu liên quan, phục vụ hoạt động thanh tra.

Về quy định cung cấp thông tin, dự thảo luật quy định nhiều người (người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra) đều được quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo bằng văn bản, giải trình (tại Khoản 1 Điều 54, Khoản 2 Điều 55). Như vậy, không thống nhất về mặt quản lý nhà nước, đoàn thanh tra ai cũng có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu thì rất phức tạp. Đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi nội dung này cho đảm bảo chặt chẽ, phù hợp hơn (chỉ có trưởng đoàn thanh tra mới có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu).

Tham gia thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục đều thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật… gần như tương đồng và giống nhau.

Đây là việc quy định chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra trong dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất sửa đổi toàn bộ nội hàm chương 2 theo hướng sáp nhập thanh tra tổng cục, cục vào thanh tra bộ; đồng thời sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong thanh tra bộ có thanh tra chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ trên, để tinh gọn bộ máy.  

Về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại Khoản 2, Điều 7 quy định: “Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm. Trường hợp thay thế người đại diện phải có xác nhận bằng văn bản của người bệnh hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Theo đại biểu Dương Văn Phước, việc quy định trường hợp thay thế người đại diện phải có xác nhận bằng văn bản của người bệnh là rất khó triển khai trong thực tiễn (làm tăng thủ tục không cần thiết), vì người bệnh lúc đó đang trong tình trạng nguy kịch, không thể làm xác nhận bằng văn bản để thay thế người đại diện được. Đề nghị xem xét lại quy định này, khó khả thi trong thực tiễn.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, việc quy định quyền của người bệnh được quyền tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cơ bản (bao gồm cả thuốc), được quản lý, điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính tại y tế cơ sở theo quy định của Bộ Y tế là không phù hợp, hạn chế quyền được tiếp cận toàn bộ dịch vụ y tế của người bệnh. Nên quy định người bệnh được tiếp cận toàn bộ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chứ không phải là chỉ có quyền cơ bản như quy định trên.

Khoản 2, Điều 21 quy định giao nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện. Đại biểu Phước đề nghị cân nhắc, tránh phát sinh thêm một tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề không cần thiết.

Đại biểu nhận định, Hội đồng Y khoa quốc gia không thể đủ khả năng, điều kiện đánh giá hết năng lực các bác sĩ trên toàn quốc; bên cạnh đó, các bác sĩ ra trường đều phải thực hiện chế độ tập sự 9 tháng và phải tham gia 18 tháng thực hành hành nghề thì mới được cấp giấy phép hành nghề. Vì vậy, nên nghiên cứu quy định nội dung này cho chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất sáp nhập thanh tra tổng cục, cục vào thanh tra bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO