Đề xuất sửa đổi cơ chế

LÊ DIỄM 14/08/2018 04:00

Xuất phát từ những rào cản trong thực hiện cơ chế đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án đề xuất sửa đổi một số nội dung của cơ chế.

Theo quy định tại Quyết định 3577 được UBND tỉnh ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết 12, lao động đi làm được đóng BHXH tại doanh nghiệp phải đạt tỷ lệ từ 80% trở lên sau khi hoàn thành khóa học thì cơ sở đào tạo được thanh toán 100% kinh phí đào tạo. Nhưng thực tế, trung bình năm 2017, tỷ lệ đóng BHXH đạt 45,09% so với tổng lao động hoàn thành khóa học; trong đó, các huyện miền núi và vùng dân tộc thiểu số đạt 40,64%, các huyện đồng bằng đạt 50,63%, gây khó khăn trong việc thanh quyết toán kinh phí đào tạo. Các địa phương đạt kết quả rất thấp so với chỉ tiêu đào tạo được giao, tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí đã được bố trí thấp. Dựa trên kiến nghị của các địa phương và cơ sở đào tạo, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị tỉnh nên điều chỉnh hạ tỷ lệ tham gia BHXH của lao động sau đào tạo được tiếp nhận vào làm việc tại doanh nghiệp. Cụ thể: đối với lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số là 50%, lao động vùng đồng bằng là 60%.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị tỉnh hạ chỉ tiêu được giao tại nghị quyết từ 10 nghìn người xuống còn 8 nghìn người được đào tạo trong giai đoạn 2018 - 2020 (gồm 2 nghìn lao động ngành du lịch và 6 nghìn lao động các ngành khác). Căn cứ điều chỉnh dựa trên thực tế tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2016 - 2017, dù họ đăng ký nhiều nhưng không tuyển dụng như đăng ký. Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Nhiều lao động tại các huyện miền núi phía Bắc của tỉnh (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang) mong muốn sau học nghề vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng vì thuận lợi trong việc đi lại, lưu trú và có mức thu nhập khá. Vì thế các đơn vị kiến nghị nên bổ sung thêm khi lao động đi làm việc trong doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng được hưởng cơ chế. Đồng thời cần bổ sung thêm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài địa bàn tỉnh tham gia đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch. Bổ sung đối tượng lao động là người Kinh thuộc hộ nghèo sống ở các xã khó khăn, xã bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và người khuyết tật vào đối tượng được hưởng thêm chính sách về hỗ trợ tiền ăn, tiền ở trong thời gian học nghề và 2 năm đầu làm việc tại doanh nghiệp như người dân tộc thiểu số. Lý do những người này được xếp thuộc diện cùng hưởng một mức hỗ trợ với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các chính sách của Trung ương”.

Dự thảo đề án sửa đổi cơ chế còn đề xuất hỗ trợ thêm một số chính sách cho lao động: hỗ trợ chi phí ban đầu, hỗ trợ tiền giữ trẻ cho lao động có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi với mức 300 nghìn đồng/trẻ/tháng (thời gian hỗ trợ 24 tháng); đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người kinh thuộc hộ nghèo sống ở các xã khó khăn, bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn khi bắt đầu vào làm việc tại doanh nghiệp, hỗ trợ 0,5 lần mức lương cơ sở.

Dự thảo đề án sửa đổi cơ chế theo Nghị quyết 12 đã được Sở LĐ-TB&XH gửi xin ý kiến đóng góp của các sở ngành, địa phương và trình UBND tỉnh xem xét.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất sửa đổi cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO