Đề xuất tăng mức hỗ trợ xây dựng chợ: Những ý kiến khác nhau

VIỆT QUANG 26/06/2018 10:26

Sở Công Thương đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND (Nghị quyết 125) về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng chợ theo hướng tăng mức hỗ trợ và phân biệt rõ chủ đầu tư và nhà đầu tư. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận nhiều ý kiến về việc này.

Ngành công thương đề xuất HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ xây dựng chợ lên 40% cho phù hợp. Ảnh: VIỆT QUANG
Ngành công thương đề xuất HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ xây dựng chợ lên 40% cho phù hợp. Ảnh: VIỆT QUANG

Hỗ trợ 40%

Quảng Nam hiện có 154 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1 (Hội An và Tam Kỳ), 14 chợ hạng 2, 138 chợ hạng 3; thành thị có 19 chợ, nông thôn có 116 chợ và miền núi có 19 chợ.

Từ năm 2014 đến nay, sau khi HĐND tỉnh có Nghị quyết 125, đã có 10/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tiếp cận cơ chế ưu đãi, đầu tư xây dựng được 15 chợ (10 chợ hạng 3, 5 chợ hạng 2). Các chợ được xây dựng nhờ ưu đãi từ Nghị quyết 125 là điều kiện cơ bản giúp nhiều xã về đích nông thôn mới, tạo khởi sắc cho làng quê.

Thực tế triển khai Nghị quyết 125 cũng đã bộc lộ bất cập. Theo kế hoạch phân bổ vốn từ Nghị quyết 125, chợ Tiên Phong (Tiên Phước) và chợ Nam Giang được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, bàn giao sử dụng vào năm 2016 nhưng phải đến năm 2017 mới hoàn thành. Nguyên nhân là mức vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 125 chỉ đảm bảo 20 - 25% mức đầu tư, UBND xã Tiên Phong và UBND huyện Nam Giang đã không thể huy động vốn chiếm 75 - 80% còn lại để triển khai dự án theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, chính quyền cấp xã, huyện, đặc biệt là miền núi rất khó có thể xoay xở phần vốn đối ứng 75 - 80% để tiếp cận cơ chế hỗ trợ 20 - 25% từ Nghị quyết 125, qua đó đầu tư xây dựng chợ.

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, hỗ trợ xây dựng chợ từ Nghị quyết 125 là hỗ trợ sau đầu tư nên chỉ phù hợp với nhà đầu tư là doanh nghiệp chứ không phù hợp với chủ đầu tư là UBND cấp huyện, cấp xã. Ngành công thương đề xuất với HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 125, gồm phân biệt rõ chủ đầu tư là UBND cấp xã, huyện (Nghị quyết 125 gộp chung hỗ trợ như nhau cho nhà đầu tư và chủ đầu tư) và nâng mức hỗ trợ lên 40% đối với chủ đầu tư và nhà đầu tư. Riêng đối với chủ đầu tư, mức hỗ trợ không quá 4 tỷ đồng đối với chợ hạng 1, không quá 3 tỷ đồng đối với chợ hạng 2, không quá 2 tỷ đồng đối với chợ hạng 3. Còn đối với nhà đầu tư, hỗ trợ không quá 3,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 1, không quá 2,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 2 và không quá 1,5 tỷ đồng đối với chợ hạng 3.

Từ nay đến năm 2020, Quảng Nam có 38 xã sẽ về đích nông thôn mới. Hoàn thiện chợ là tiêu chí bắt buộc tuy nhiên nhiều địa phương cho rằng không dễ tiếp cận các cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 125 để hoàn thiện tiêu chí thứ 7 này.

Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Núi Thành) - địa phương nằm trong danh sách về đích nông thôn mới năm 2018 - chợ Tam Quang hoạt động tạm bợ vào thời điểm này nhưng rất khó đầu tư, kiện toàn lại. Ngoài cái khó là quỹ đất do nằm trong phạm vi quản lý của Khu kinh tế mở Chu Lai, cái khó lớn hơn là nguồn vốn đầu tư. Nếu được thông qua, địa phương có 2 lựa chọn để xây dựng chợ, từ nguồn vốn nông thôn mới hoặc hỗ trợ từ Nghị quyết 125.

Tiếp cận vốn nông thôn mới không nhiều nên địa phương sẽ ưu tiên đầu tư nhà văn hóa, sân vận động và các công trình khác chưa được hỗ trợ xây dựng chứ không đầu tư xây dựng chợ. Vậy nên, sẽ lựa chọn hướng tiếp cận khác là hỗ trợ từ Nghị quyết 125. Cái khó tiếp cận Nghị quyết 125 là chỉ hỗ trợ sau đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực của xã có hạn không thể xoay xở để tự huy động vốn đầu tư chợ xong rồi nhận hỗ trợ.

Ý kiến trái chiều

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách (HĐND tỉnh), mức hỗ trợ theo Nghị quyết 125 khá thấp trong khi đó nhu cầu xây dựng chợ tại 18 huyện, thị xã, thành phố rất lớn.

“Khu phố chợ là cụ thể hóa văn minh đô thị có được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng là 40% không. Ngành công thương không đề cập nên cần đưa phạm vi này vào nội dung sửa đổi. Ngành chưa đánh giá được 15 chợ được xây mới từ nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 125 hoạt động thế nào, hiệu quả đến đâu. Vậy nên cần đánh giá lại đầy đủ rồi mới có cơ sở để HĐND tỉnh cho ý kiến. Nếu được thông qua sửa đổi Nghị quyết 125 thì nguồn kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng chợ cho cả giai đoạn đến năm 2020 là bao nhiêu, cần dự toán cụ thể để có lộ trình rõ ràng” - ông Đặng Tấn Phương nói.

Trái ngược với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc (HĐND tỉnh) cho rằng, có nhất thiết phải đầu tư xây dựng hàng loạt chợ từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách không. Nên chăng thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp cho phù hợp với cơ chế thị trường.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, có quá nhiều nông sản người nông dân đầu tư nhưng đầu ra bấp bênh đáng báo động. Các chợ hoạt động hiệu quả có thể phần nào giải quyết bất cập này, tránh tình trạng tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đầu tư, kiện toàn lại hệ thống chợ là chủ trương nhất quán của tỉnh nên rất cấp thiết. Có điều, cần phải xác định mạch lạc, hình thức đầu tư chợ thế nào cho hiệu quả.  Quy mô đầu tư chợ, cơ cấu hoạt động của chợ, thời gian, địa điểm, nguồn vốn bố trí cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020 là bao nhiêu, phải cân nhắc lại thì HĐND tỉnh mới có cơ sở thông qua...

“Giai đoạn 2014 đến nay, mới chỉ có 2 chợ do nhà đầu tư là doanh nghiệp xây dựng là quá ít, so với 13 chợ được đầu tư từ UBND cấp xã, huyện. Sở Công Thương xem xét lại nhiều nội dung để có thể dự thảo mới sửa đổi một số cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 125 trình HĐND tỉnh xem xét” - ông Võ Hồng nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất tăng mức hỗ trợ xây dựng chợ: Những ý kiến khác nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO