Đề xuất tăng thuế VAT: Người dân và doanh nghiệp lo lắng

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/09/2017 13:58

Bộ Tài chính muốn tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, vì cho rằng loại thuế này đang thấp hơn các nước khác và ngân sách chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều không muốn tăng loại thuế này.

Xăng dầu tăng giá liên tục trong thời gian gần đây dấy thêm lo ngại của người dân về thuế VAT.Ảnh: N.Q.V
Xăng dầu tăng giá liên tục trong thời gian gần đây dấy thêm lo ngại của người dân về thuế VAT.Ảnh: N.Q.V

Người dân bị ảnh hưởng

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã khiến cho ngư dân trên địa bàn tỉnh lo lắng. “Giá xăng dầu tăng lên, chi phí vận chuyển các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Mỗi chuyến biển xa bờ của chúng tôi cần lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nước đá và các vật dụng khác. Trung bình chuyến biển gồm 15 thành viên kéo dài trong 15 ngày ở ngư trường Hoàng Sa trong thời gian qua tốn kém xấp xỉ 100 triệu đồng. Xăng dầu tăng lên, mỗi chuyến biển phải tốn kém thêm 20 triệu đồng, rất khó khăn” - ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90170 theo nghề lưới vây nói. Khi nghe tin, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế VAT với thuế suất mới là 12%, anh Thảo và các “bạn biển” thêm lo ngại. “Sản xuất nghề cá ngày một khó khăn thêm. Chúng tôi liên tục phải chạy lòng vòng tìm kiếm ngư trường mới nên chi phí tăng cao. Thuế tăng thì đầu vào của mỗi chuyến biển sẽ tăng thêm chi phí rất nhiều. Nếu vậy, sản xuất của chúng tôi sẽ chồng chất khó khăn” - anh Thảo cho biết.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính. “Nếu tăng thuế, giá cả các mặt hàng trên thị trường sẽ đồng loạt tăng theo. Cuộc sống của gia đình chúng tôi đã khó nhọc sẽ càng thêm cơ cực. Từ gạo, muối, nước mắm cho đến con cá, bó rau, tất tần tật mặt hàng đều sẽ nhích giá vì có mặt hàng nào đến được với người tiêu dùng mà không phải qua các công đoạn sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển, lưu thông” - chị Huỳnh Thị Hạnh (khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thanh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ. Theo chị Hạnh, hai vợ chồng có tổng mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để nuôi 2 con ăn học, trong đó có một sinh viên học đại học ở TP.Hồ Chí Minh, gia đình phải chắt bóp từng đồng chi phí. Vì thế, gia đình rất lo khi giá cả tăng lên. Bà Nguyễn Thị Thu Ái (khối phố Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) bộc bạch: “Gia đình chúng tôi buôn bán nhỏ, chỉ đắp đổi qua ngày. Chúng tôi phải chắt chiu từng đồng mà phải chi thêm khoản tiền nộp thuế VAT thì rất khó. Người dân phải đóng nhiều khoản thuế, chỉ mong các ngành, các cấp giảm thuế chứ đừng tăng thuế VAT”.

Doanh nghiệp cũng lên tiếng

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thế Vĩnh, Giám đốc Công ty CP Phòng khám đa khoa Hồng Phúc (TP.Tam Kỳ) nêu ý kiến, theo quy luật, thuế VAT áp cho người tiêu dùng. Khi đề xuất của Bộ Tài chính có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ phải mua hàng hóa với giá đắt đỏ hơn. Phần thiệt thuộc về người dân và doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại gián tiếp. Trong điều kiện cần phải tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu, người dân sẽ hạn chế chăm lo cho sức khỏe, mật độ, tần suất khám bệnh sẽ giảm bớt. Vì thế, hoạt động của công ty cũng bị ảnh hưởng không ít. “Theo tôi, nên nhìn thẳng vào thực tế là đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm ăn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường vì không đủ sức cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn. Người dân trong lúc thu nhập khó có cơ hội tăng lên sẽ luôn chịu áp lực chi tiêu, đắn đo, cân nhắc khi phải tốn từng đồng. Vì thế, tăng thuế VAT sẽ dồn sức ép lớn lên người dân và doanh nghiệp” - BS. Phạm Thế Vĩnh nói.

Theo BS. Vĩnh, Nhà nước cần tạo môi trường, chính sách thông thoáng, giảm các khoản thuế phải nộp để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt, sẽ đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới tiến bộ, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng chất lượng sống cho người dân. “Tăng thuế VAT là thiếu thuyết phục. Hệ lụy không khó hình dung là lợi bất cập hại, các hoạt động chi tiêu, mua sắm, khám chữa bệnh bị giảm thiểu” - BS. Vĩnh nói thêm. Còn ông Nguyễn Phúc Hưng - Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục Thuế Quảng Nam) cho rằng, VAT là thuế gián thu, áp trực tiếp vào hàng hóa, đương nhiên sẽ khiến cho giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, dẫn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi. Ông Hưng nêu ý kiến, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách tuy nhiên cần cân nhắc nếu chưa có cơ chế hỗ trợ người nghèo, chính sách an sinh xã hội liên quan thỏa đáng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất tăng thuế VAT: Người dân và doanh nghiệp lo lắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO