(QNO) - Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An vừa đề xuất thiết lập khu bảo tồn cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ hai trong khu sinh quyển.
Theo quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An ban hành tháng 5.2015 và số liệu cập nhật năm 2019, các phân vùng chức năng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được phân định rõ ràng, đảm bảo trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững.
Trong đó, vùng lõi có diện tích 11.560ha, dân số 2.241 người, thực hiện chủ yếu chức năng bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới thông qua hoạt động của khu bảo tồn và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Vùng đệm có diện tích 20.350ha, dân số 61.381 người, tập trung các hệ sinh thái quan trọng và có tương tác mật thiết với vùng lõi. Vùng đệm có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa - đại đương. Vùng chuyển tiếp có diện tích 1.565ha, dân số 30.957 người, là phân vùng thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế một cách bền vững vừa nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh và quốc gia.
Hiện xã Cẩm Thanh nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. ThS. Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói: “Cùng với việc lập quy hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên và xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp khu sinh quyển giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2035, Hội An tiếp tục duy trì công tác tuần tra kiểm soát tại khu bảo tồn nguồn giống thủy sản dựa vào cộng đồng tại Cẩm Thanh, làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ hai của khu sinh quyển vào năm 2024. UNESCO chỉ công nhận vùng lõi của khu sinh quyển khi ở đó có một khu bảo tồn, cấp nào quản lý cũng được”.
Theo nhiều công trình nghiên cứu, giữa Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn - Cẩm Thanh có mối quan hệ về mặt sinh thái, quần thể, nhiều bãi đẻ của các loài cá, tôm... Cùng với sự phát triển của rừng dừa Bảy Mẫu, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh là môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản vùng cửa sông ven biển sinh sản và phát triển; đồng thời đây cũng là nơi ngăn gió, trú bão an toàn cho tàu thuyền. Bằng sự tái tạo của tự nhiên, sự quan tâm phục hồi của cư dân địa phương, từ vài cây dừa, theo thời gian đã phát triển thành rừng dừa trù phú, tươi mát, trong lành của vùng sông nước. Rừng dừa Cẩm Thanh trước đây chỉ có diện tích chừng 7 mẫu, nên gọi là rừng dừa Bảy Mẫu, đến nay rộng hơn 84ha, chủ yếu được người dân chăm chút và trồng thêm khá nhiều.
Cùng với dự án “Sử dụng bền vững vùng đất ngập nước dừa nước Cẩm Thanh”, từ năm 2015 đến 2017, Quảng Nam cũng đã đầu tư 28 tỷ đồng trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh, bổ sung dự án với kinh phí hơn 25,5 tỷ đồng, điều chỉnh mật độ trồng mới rừng dừa nước.
Nhờ triển khai nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển rừng dừa nước nên đến nay các hoạt động vì sinh kế cộng đồng tại xã Cẩm Thanh đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hoạt động bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ đắc lực cho sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ chế đối tác hỗ trợ bằng cách gắn kết 4 nhà: doanh nghiệp, nông - ngư dân, quản lý và khoa học đang phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói: “Khi thiết lập khu bảo tồn cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ hai trong khu sinh quyển, Cẩm Thanh sẽ được quản lý và phát triển bền vững như Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - vùng lõi thứ nhất”.