Chiều 23.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan, địa phương và chủ đầu tư về thủ tục pháp lý và bàn việc cho phép tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 3. Điều đáng nói, việc thỏa thuận, bồi thường – hỗ trợ (BT-HT) còn nhiều tranh cãi giữa các bên liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn phát biểu chỉ đạo vào chiều 23.10. Ảnh: T.H |
Chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 3 là Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 báo cáo: thủy điện Sông Tranh 3 có công suất 62MW trên dòng chính sông Tranh thuộc xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) và xã Phước Gia (Hiệp Đức). Hồ chứa nằm trên địa bàn 3 huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức và Tiên Phước. Đến nay dự án đã thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục tuyến áp lực (đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, cống dẫn dòng) phục vụ tích nước hồ chứa. Về công tác BT-HT, giải phóng mặt bằng, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 khẳng định, UBND xã Tiên Lãnh, UBND xã Trà Sơn, UBND xã Trà Đốc (Bắc Trà My) đã có văn bản xác nhận hoàn thành công tác BT-HT, giải phóng mặt bằng và di dời mồ mả trong khu vực lòng hồ thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 3.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay của chính quyền địa phương trong vùng dự án chính là công tác BT-HT. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Nhuần, chủ đầu tư Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về phê duyệt tổng thể các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án trước đây, chưa áp giá phương án BT-HT cho từng hộ được chính quyền các cấp phê duyệt. Thời điểm năm 2008, kiểm đếm có 56 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Trải qua 10 năm thực hiện, chủ đầu tư đã tự thỏa thuận BT-HT với các hộ dân, không thông qua chính quyền địa phương, thậm chí không có phương án phê duyệt cụ thể cho từng hộ dân. Gần 1 năm qua, chủ đầu tư còn vướng giải tỏa mặt bằng hộ ông Trương Văn Vui (xã Phước Gia, Hiệp Đức), nhưng thời điểm hiện tại hộ này đã đồng ý nhận tiền BT và một trường hợp khác đã bàn giao mặt bằng. “Đến nay chính quyền địa phương vẫn không biết 54 hộ còn lại ở xã Trà Đốc và Trà Sơn có nhận tiền BT-HT hay chưa vì chủ đầu tư tự thỏa thuận BT với hộ dân. Chỉ khi gần đây có 2 hộ xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư mới có văn bản gửi UBND huyện can thiệp”– ông Nhuần cho biết. Đơn vị làm công tác BT-HT là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bắc Trà My nhưng vẫn không lưu trữ hồ sơ liên quan việc giải tỏa BT-HT, giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện Sông Tranh 3.
Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt BT-HT tổng thể năm 2008 cho 56 hộ dân bị ảnh hưởng dự án thủy điện Sông Tranh 3 với tổng giá trị là 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2010 vì lý do khách quan, dự án bị dừng thi công, nên việc thực hiện chi trả BT cho 56 hộ dân ở Bắc Trà My bị ảnh hưởng triển khai từ năm 2017. |
Trước việc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 kiến nghị Sở Công Thương, UBND tỉnh xem xét cho phép công ty được tích nước hồ chứa, lãnh đạo chính quyền huyện Bắc Trà My cho rằng, cần có thêm thời gian để huyện làm việc với chủ đầu tư, mời tất cả hộ dân bị ảnh hưởng đến làm việc và yêu cầu họ xác nhận đã nhận tiền BT-HT, bàn giao mặt bằng để hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, khiếu kiện nếu sau này tích nước hồ chứa. Đồng thời kiểm tra, rà soát lại còn trường hợp hộ dân nào có mồ mả trong lòng hồ hay không. Khi các hộ dân bị ảnh hưởng có cam kết cụ thể, địa phương sẽ có văn bản gửi về UBND tỉnh, Sở Công Thương thống nhất đề nghị cho tích nước. Trong khi đó, không đồng tình với ý kiến của UBND huyện Bắc Trà My, ông Lê Huy Tiệp – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 cho rằng, nói chủ đầu tư không thông qua chính quyền địa phương trong thỏa thuận BT-HT là không đúng thực tế. Doanh nghiệp có văn bản gửi UBND tỉnh, UBND huyện xin chủ trương và được chấp thuận để công ty tự thỏa thuận BT-HT với người dân. Thời điểm chi trả BT đều có cán bộ địa chính xã Trà Đốc tham gia. “Nếu họp lại các hộ dân để giải quyết thì không biết đến bao giờ công ty mới tích nước hồ chứa được” – ông Tiệp phân trần.
Theo ông Nguyễn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, công tác BT tại địa bàn hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, nếu công ty tích nước cần thông tin cho địa phương, người dân biết để không xảy ra khiếu nại về trường hợp mồ mả, tài sản còn nằm dưới lòng hồ. Chủ đầu tư cần bổ sung hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du; thay thế hệ thống cảnh báo đã hư hỏng, không phát huy tác dụng; xây dựng bản đồ ngập vùng hạ du.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn lưu ý, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền 3 huyện (Bắc Trà My, Hiệp Đức và Tiên Phước) xử lý dứt điểm công tác BT-HT, giải phóng mặt bằng; hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan để trình cơ quan chức năng, UBND tỉnh xem xét quyết định cho phép tích nước hồ chứa.
TRẦN HỮU