Hôm qua 25.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình tham gia phát biểu thảo luận, góp ý vào nội dung của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đó, tại Điều 13 của dự thảo luật, ông Bình đề nghị bổ sung quy định “Trong trường hợp hòa giải viên, đối thoại viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đương nhiên mất tư cách hòa giải viên, đối thoại viên”. Và cho rằng, trách nhiệm, nghĩa vụ của hòa giải viên rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án. Do đó đề nghị bổ sung một điều luật sau Điều 4 có thể là Điều 5 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm của hòa giải viên, đưa Điểm d và Điểm đ của Khoản 2 Điều 14 vào Điều 5 này.
ĐBQH Phan Thái Bình cũng kiến nghị cần nghiên cứu sửa lại Điều 35, 36 theo hướng quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại của tòa án sẽ có hiệu lực sau 3 ngày kể từ khi có quyết định và quyền kiến nghị của viện kiểm sát nhân dân cũng nằm trong thời hạn 3 ngày này. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tăng cường trách nhiệm, vai trò của viện kiểm sát nhân dân; đồng thời tránh tình huống viện kiểm sát kiến nghị trong khi quyết định này đã được thi hành, tạo ra hậu quả pháp lý khó giải quyết.
Thảo luận, góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, qua thảo luận, các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.
Việc miễn thuế này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Qua đó góp phần động viên nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững...