Đếm bước chân mình…

ALĂNG NGƯỚC 21/06/2016 08:46

Tôi trở ra từ rừng, mồ hôi đổ khắp người, như tắm. Hành trình đó cứ lặp lại với tôi - một phóng viên trẻ, phụ trách mảng dân tộc và miền núi ngay từ khi mới bước chân vào nghề.

Đến với núi rừng, với bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số trên dọc dãy Trường Sơn là một hành trình dài. Những đôi chân của gió, tôi ví đồng bào miền núi như thế khi mỗi ngày vượt hàng chục cây số đường rừng. Trong mỗi chuyến đi của tôi, bao giờ cũng là một chiều dài trở về với cuộc sống của đồng bào trên vùng núi, với con sông tuổi thơ hay khói bếp lam chiều, mùi thơm tỏa ra dịu ngọt từ ống cơm lam, thịt khô nướng. Đó là hành trình tôi đến với Aur, giữa trập trùng mây núi A Vương, nơi gần 80% cuộc sống của người dân chủ yếu “tự cung, tự cấp”.

Hành trình vượt rừng đến với các bản làng vùng cao.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hành trình vượt rừng đến với các bản làng vùng cao.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Con đường đến Aur, gió cứ vi vu trên thung lũng đồi thông đầy nắng. Tiếng chim líu lo trên suốt dọc đường. Tôi đi về phía núi, phía những con đường mòn xa tít tắp, mà có lúc tôi nghĩ mình không thể đặt bàn chân tới làng. Hơn 6 tiếng đồng hồ đi bộ, càng khiến Aur kỳ bí đến chừng nào. Và, cách mà họ ra tiếp đón khách, trò chuyện với “người mình” (với cùng người Cơ Tu) thật thân tình, rất riêng - một làng Cơ Tu nguyên bản, chưa bị pha tạp nhiều. Đêm ở Aur chỉ đồng vọng tiếng kêu của ếch, côn trùng và bàn chân đi ngang gươl làng góp từng nải chuối, trái thơm cho khách. Trong câu chuyện của chúng tôi về làng, với người làng là những điệu lý miên man của cụ già, là những nụ cười hiền của thiếu nữ bên khung cửa, là ẩm thực truyền thống rất độc đáo, hấp dẫn… Chỉ chưa đầy 24 giờ lưu lại, nhưng sao tôi yêu mảnh đất, con người nơi đây đến kỳ lạ. Về xuôi, hình ảnh đầu tiên tôi nhớ là những nụ cười đôn hậu của người làng Aur, thật ấm áp, lạ thường. Một cuộc hứa hẹn trong tôi ngày trở lại.

Tác giả cùng các em nhỏ ở nóc Kon Bin (xã Trà Linh, Nam Trà My).
Tác giả cùng các em nhỏ ở nóc Kon Bin (xã Trà Linh, Nam Trà My).

Là phóng viên miền núi, tôi tự hào mỗi khi đặt chân khai phá vùng đất mới. Ngày tôi bước chân qua cổng làng của nóc Măng Lùng (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cũng là lúc tôi biết cuộc sống của đồng bào Xê Đăng còn nhiều gian khó. Sau hàng giờ cuốc bộ đường rừng, vừa chạm đến cổng làng, tôi muốn có ngay một chiếc võng để ngả lưng đánh một giấc ngon lành. Nhưng thật khó, làng của người Xê Đăng khá rụt rè với khách. Chính cô giáo Trần Nữ Hàn Cơ, người đồng hành với chúng tôi từ Tắk Pỏ đến làng, cũng là giáo viên có nhiều năm giảng dạy tại Măng Lùng nói rằng, ở vùng này họ rất “kín tiếng”. Tôi lại nhớ đến cảm giác của gần 10 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất của đồng bào Ve, tại xã biên giới Đắc Pre (huyện Nam Giang). Nhưng người Đắc Pre bây giờ đã thật khác, hồ hởi đón khách dù chỉ lát sắn, nồi canh rau rừng trong nhà. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, đã dần “kéo” con người đến gần nhau hơn, mọi khoảng cách, hủ tục xưa đã dần xua tan.

Cuối tháng 9.2015, trong lúc chơi thể thao không may tôi bị gãy chân. Vậy là gần hết một tuần ở bệnh viện và cả 2 tháng sau đó ở nhà chống nạng. Bàn chân muốn đi lắm nhưng đành chịu. Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy mình cô đơn nhất. Nỗi nhớ rừng, nhớ bản làng vùng cao cứ đau đáu đến lạ lùng. Những ngày ở nhà, tôi mới thấy những chuyến đi quý giá đến chừng nào. Tôi trở nên thèm khát cảm giác được “xách ba lô lên và đi”, để được tận hưởng sống với dân làng, với núi rừng hoang sơ. Chân đã bớt đau, tôi lại đi. Những cuộc đi với núi, với rừng, với đồng bào vùng cao lại thắp lửa trong tôi để tiếp tục hành trình trở về.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đếm bước chân mình…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO