Đem chuyện trăm năm giở lại bàn

VÂN TRÌNH 29/01/2019 05:02

Theo Khải Định chính yếu sơ tập, năm Kỷ Mùi (1919), khi phê tờ trình của bộ Học, vua Khải Định nhấn mạnh: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt”. Như vậy, sau 844 năm tồn tại với 185 khoa thi, nền khoa cử Nho học Việt Nam chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình.

Quang cảnh trường thi Nam Định năm 1912.
Quang cảnh trường thi Nam Định năm 1912.

Những người Quảng tiên phong

Kể từ khoa thi đầu tiên ở nước ta được tổ chức vào tháng 2 năm Thái Ninh thứ 4 (tháng 3.1075) đời vua Lý Nhân Tông, trải qua nhiều triều đại, khoa cử Nho học đã đào tạo được nhiều bậc khoa bảng, ngoài sự nghiệp văn chương còn có công giúp nước. Nhờ khoa cử sớm hoàn bị, nước Việt Nam xưa được coi là một nước văn hiến.

Thế nhưng, đến đầu thế kỷ 20, khoa cử Nho học đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi mà những con người của “cửa Khổng sân Trình”, văn nghiệp gắn liền với Tứ thư - Ngũ kinh, sự nghiệp gắn với lối thi cử tầm chương trích cú lại quyết “gánh trách nhiệm bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học”. Đó là “bộ ba Duy Tân đất Quảng”: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng. Trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ Huỳnh kể lại, tháng hai năm Ất Tỵ (1905), Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng quyết định cùng nhau thực hiện chuyến Nam du - đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ - để quan sát dân tình sĩ khí và cổ xúy cho tân học. Khi đi ngang qua Bình Định, lúc này, ở đây đang có kỳ khảo hạch mỗi tháng do quan tỉnh tổ chức, đề khảo hạch gồm có một bài thi và một bài phú. Đề bài thi là “Chí thành thông thánh”, đòi hỏi thí sinh trình bày tấm lòng mình đối với cái đạo “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Còn đề bài phú là “Lương ngọc danh sơn” yêu cầu bình luận về một chủ đề vốn đã được cổ văn đề cập: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh”. Đề bài thi và bài phú của kỳ khảo hạch rất dễ lôi cuốn người đi thi vào việc tầm chương trích cú, theo những công thức giáo điều có sẵn của cựu học.

Bộ ba rủ nhau nạp quyển vào trường thi với cái tên chung là Đào Mộng Giác (anh chàng họ Đào đã tỉnh mộng), lợi dụng cuộc khảo hạch để “phát biểu tư tưởng bài xích khoa cử cùng lối cựu học hủ lậu”. Ba cụ nhận định rằng, “cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã trở thành đồ bỏ mà sĩ phu nước ta còn chui đầu vào trong như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”. Bài thi “Chí thành thông thánh” do Phan Châu Trinh thực hiện, còn bài phú “Lương ngọc danh sơn” do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đảm nhận.

Bộ ba tha thiết kêu gọi nho sĩ đương thời mạnh dạn bỏ hẳn lối học cũ để theo tân học ngõ hầu ích nước lợi nhà: “Rằng nên:/ Đau lòng, nhức óc: theo nghĩa, quên danh/ Trên từ quan lại, dưới đến thư sinh/ Ném bút đứng dậy! Treo mũ đi nhanh/ Còn chút hơi tàn, quyết đập chõ, dìm thuyền còn có lúc/ Vui chi sống nhục, dù xé gan, nát óc vẫn là vinh”. Bài phú cùng với bài thi của “Bộ ba Duy Tân đất Quảng” đã làm chấn động mạnh giới sĩ tử và quan trường lúc bấy giờ. Sinh thời, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng nhận định: “Một tiếng sét rầm vang cả trong nước, học giới ta trong hai mươi năm nay, lấy văn tự cổ động để mở mang phong khí, thì bài thi, bài phú đó cũng là một bài có ảnh hưởng trong lúc đầu tiên”.

Đừng để mang tiếng “hủ Âu”

Từ sau năm 1919, mặc dù khoa cử Nho học đã bị bãi bỏ, chương trình cải cách đã được áp dụng, thế nhưng thiên hạ lại rơi vào một thái cực khác: hủ Âu. Trên báo Tiếng Dân số 1114 ra ngày 28.9.1937, sau khi nhắc lại lời của Phan Châu Trinh trong bức thư gửi cho anh em, đồng chí rằng “ngày trước học Hán thì mang tiếng “hủ Nho”, mà ngày nay học Tây lại mang tiếng “hủ Âu””, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng phân tích: “Ngày trước học Hán văn, chăm chú vào khoa danh lợi lộc, cốt làm sao cho đạt được cái mục đích thi đỗ làm quan; thì ngày nay cốt sao cho giựt được tấm bằng để kiếm việc làm, mà việc làm ấy không ngoài phạm vi thân gia. Ngày trước học Hán văn, đọc sách làm văn, theo lối từ chương, không cần biết đến thực dụng học văn của thánh hiền là thế nào, nên mài miệt theo mậu thuyết Tống Nho mà hết ngày. Ngày nay học Âu, cũng không cần khảo sát đến chế độ, học thuật, lý thuyết thực tế của Âu Tây, mà chỉ lọt một ít lối văn tiểu thuyết để lòe đời. Ngày trước học Hán học, nói liêm sỉ, nói nhân nghĩa, toàn là lời  suông trên mặt giấy mà đến khi nhúng tay vào việc, thì lắm kẻ trổ ra ngón tham gian tàn bạo trái với sự học mà đành lòng làm được. Ngày nay Âu học, tiếng chân lý, nhân đạo, cũng công tâm công lợi, thường thấy phô bày nơi tập chương trình, bài diễn văn, mà rốt cuộc không mấy ai giữ y lời hứa”.

Lời cảnh báo của cụ Huỳnh hơn 80 năm trước ngày nay vẫn mang tính thời sự khi tàn dư của lối học và lối thi cử kiểu “hủ Âu” vẫn còn phổ biến. Điều đáng lo ngại là xu thế vị bằng cấp đang trở nên ngày càng phổ biến; đi học chỉ cốt để lấy bằng, và tệ hơn là học ít, thậm chí không học mà vẫn có bằng.

Nên chăng, nhân nhìn lại sự kiện 100 năm kết thúc nền khoa cử Nho học, giáo dục nước nhà cần “làm mới” chính mình, phải thay đổi để chuyển một nền giáo dục lấy trang bị kiến thức chuyên môn làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục chỉ dạy những kiến thức chuyên môn căn bản ở mức tối thiểu. Dành nhiều thời gian dạy người học về phương pháp, kỹ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị… và dạy làm người với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời và có trách nhiệm cao với gia đình, xã hội và Tổ quốc.

VÂN TRÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO