Có thể sẽ mất 5 năm, 10 năm, để thấy lại màu xanh yên bình nơi làng Ong, thấy lại nhịp sống bình lặng nơi rẻo cao Phước Lộc (Phước Sơn) sau trận sạt lở kinh hoàng cuối năm 2020. Nhưng vết thương nào cũng sẽ lành.
Phóng viên đầu tiên tiếp cận hiện trường
Nửa đêm, sương lạnh buốt. Tôi lần lại chỗ bếp, loay hoay tìm cách nhóm lửa nhưng củi ướt, đốt mãi không cháy. Nghe tiếng động, Hồ Văn Đoàn trở dậy. Anh chỉ tay về phía góc cột, nơi có một ít vụn gỗ thông tươi. “Anh lấy cái dăm gỗ thông mà đốt, có dầu, dễ cháy lắm”, Đoàn nói. Quả nhiên lửa xòe lên đượm, than đỏ, loay hoay một hồi bếp lửa cũng cháy.
Tôi không thể chợp mắt được nữa. Anh Nguyễn Dương, đồng nghiệp đi cùng, chừng như cũng không chịu nổi cái lạnh của vùng cao, đi lại chỗ bếp tôi ngồi châm thuốc hút. Đêm ấy, là đêm cuối cùng của năm 2020.
Hai chúng tôi là hai phóng viên đầu tiên vào lại “làng Ong”, thôn 6 xã Phước Lộc (Phước Sơn). Đã quá hai tháng, kể từ ngày trận lũ quét khổng lồ đổ ập xuống ngôi làng nhỏ này, xóa sổ hàng chục căn nhà, 3 trong số 11 người bị lũ cuốn vẫn chưa được tìm thấy.
Đường vào vẫn bị cô lập, bất chấp những nỗ lực khơi thông suốt hai tháng liền của cơ quan chức năng. Chúng tôi đi cùng Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Lưu Huyền Thoại băng bộ qua con đường rừng sình lầy, đi đến khi chỉ còn thấy cái bóng trắng nhờ nhờ từ bao tải đựng vài thứ đồ đạc của một anh dân quân, trời tối sầm mới đến được làng.
Gọi là làng, nhưng chỉ sót lại 2 dãy nhà tạm quây bằng bạt cho những người sống sót. Chỗ đó, từng là đồi ma, nơi chôn cất những người chết. Bao đời nay, người dân địa phương không bao giờ bén mảng đến khu đồi ma đó, trừ lần này. Họ không còn lựa chọn. Sau trận lũ, không còn chỗ nào an toàn nữa, ngoài nơi này.
Bữa cơm tối chóng vánh, chúng tôi qua nơi ở của Hồ Văn Cây và Hồ Văn Đoàn, hai gia đình còn ở lại khu lán trại để hỏi chuyện. Đã cố gắng hết sức để không nhắc đến chuyện vừa xảy ra, nhưng mọi thứ cứ bật ra, trong tiếng khóc của vợ Cây, vợ Đoàn. Những người đàn bà đã quá đớn đau sau thảm họa.
Sau trận lũ, không chỉ mất đi nhà cửa, tài sản cả đời tích cóp, hai đứa con và mẹ của Hồ Thị Vy - vợ Cây bị lũ vùi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy người mẹ. Chúng tôi ngắt quãng câu chuyện, rồi chào, lui ra khỏi căn lều. Nghe nhói trong lồng ngực!
Niềm hy vọng
Tôi có mặt ở Phước Sơn hai ngày sau khi thảm họa lở núi xảy ra. Suốt gần một tháng trời theo chân lực lượng chức năng và cả người dân trong những chuyến thông đường, gùi hàng vượt núi vào tiếp tế cho bà con vùng cô lập, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như những gì đã xảy ra ở Phước Sơn.
Quá nhiều nước mắt, của những chứng nhân tôi đã gặp. Vậy mà, trong đêm cuối năm ở làng Ong, những gì tôi đã thấy, đã nghe, còn ám ảnh hơn tất thảy. Tiếng cuốc kêu thăm thẳm dưới màn mưa lạnh, vắng lặng đến rợn người ở trong căn lán giữa đồi ma.
Trời tờ mờ sáng, tôi mang máy ảnh đi ra nơi làng cũ. Một khung cảnh hoang tàn khủng khiếp hiện ra trước mắt mà lúc đặt chân vào đến làng tôi chưa kịp nhìn thấy vì trời quá tối. Cả một ngôi làng từng trù phú, yên bình nhất nhì ở vùng cao này hoàn toàn mất dấu. Chỉ còn ngổn ngang đất đá, vết nứt toác dài thăm thẳm ngược lên phía thượng nguồn, làng bị xé đôi.
Thật khó để khắc họa hết những gì đang diễn ra chỉ bằng chiếc máy ảnh và chữ nghĩa. Nhưng cũng chính từ trong đêm ấy, tôi thấy và nghe được sự tận tụy của ông Lưu Huyền Thoại và anh em cán bộ xã, biết được sẻ chia và chăm lo của chính quyền lẫn cộng đồng với làng Ong.
Trong túp lều tạm, rất nhiều gạo, nhu yếu phẩm, thức ăn khô được đưa về cho bà con. Có rất nhiều điều để kể, từ sau những tang thương. Cách đồng bào chở che lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, những câu chuyện như cổ tích về đoàn người vượt mưa lũ để cõng gạo, cõng thực phẩm chi viện cho vùng bị cô lập. Từ trong khốn khó, vẫn lấp lánh những câu chuyện của niềm tin.
Tôi và anh bạn đồng nghiệp rời làng Ong, cán bộ xã vẫn còn ở lại. Một cơn nắng hiếm hoi sau những ngày dài triền miên sụt sùi mưa núi, cũng là ngày đầu tiên của năm mới, như thắp lên hy vọng, sưởi ấm lại những mặt người, cho chuyến đi cuối cùng khép lại một năm quá đặc biệt với chúng tôi, những người làm báo…