Đêm học hè ở gươl làng

XUÂN KHÁNH 20/07/2015 09:43

Sau bữa cơm tối, trẻ em ở xã Lăng (huyện Tây Giang) đến gươl làng để học hè. Lớp học do Ban chỉ đạo hoạt động hè xã Lăng phối hợp với sinh viên (SV) địa phương thực hiện.

Blướch Thị Bloó (thôn Blừa) dạy các em nhỏ học ở gươl thôn A Rớh. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Blướch Thị Bloó (thôn Blừa) dạy các em nhỏ học ở gươl thôn A Rớh. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Tiếng ê a ở gươl làng

Tầm khoảng 18 giờ 30 hàng ngày, ở các thôn bản trên địa bàn xã Lăng, học sinh tiểu học, trung học đồng loạt kéo đến gươl của thôn mình để học hè. Lớp học nhanh chóng được ổn định, dưới sự hướng dẫn của các anh chị SV, những kiến thức cũ được ôn lại trước khi sang bài mới. Không có bàn ghế, sàn gươl vừa là chỗ ngồi vừa là bàn học. Ánh sáng yếu ớt của lớp học từ bóng đèn chữ U loại nhỏ. Trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng học sinh vẫn miệt mài hăng say với cái chữ, con số. Bên góc gươl, đóm lửa bập bùng xua tan cái lạnh của núi.

Xã Lăng có 7 thôn, tất cả đều triển khai lớp học này. Ở mỗi gươl, luôn có khoảng 20 - 40 học sinh theo học, do 2 - 3 SV trực tiếp đứng lớp. Những SV này đều là người xã Lăng đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

Đến với lớp học ở gươl thôn A Rớh, từ bên ngoài chúng tôi đã nghe tiếng học sinh thảo luận bài học, khi bằng tiếng Cơ Tu, lúc bằng tiếng Kinh. Alăng Thị Luyến (7 tuổi) cho hay: “Con đang học thêm chương trình lớp 2. Hồi trong năm, con có học rồi, nhưng quên hết. Giờ được các cô, chú dạy thêm, con mới nhớ lại và còn biết thêm nhiều cái nữa”. Clâu Thị Tức (7 tuổi) cho chúng tôi biết, rằng đây là năm thứ 2 em theo học lớp này. Từ khi theo học lớp hè, mỗi đêm của Tức và các bạn không còn lông bông với những trò nghịch dại nữa. Em còn kể, một số bạn có hoàn cảnh khó khăn, tuy dành nhiều thời gian cho công việc phụ giúp gia đình nhưng vẫn kiên trì đến lớp. Ở lớp học này, ngoài những bài học bám sát chương trình mà các em đã hoặc sắp học, những phút văn nghệ hay trò chơi còn giúp các em thêm phần hứng thú, gắn bó nhau hơn.

Trong khi các em ê a với cái chữ, con số, phía bên ngoài nhà gươl, vài phụ huynh đến theo dõi chuyện học của con em mình. Bhling Thị Pú (ở thôn Pơ Ninh) nói: “Gia đình khó khăn nên việc cho con học cái chữ cũng rất khó khăn. May mà nhờ có cán bộ, SV mở lớp này nên con mình được học nhiều cái hay, bổ ích. Mong rằng từ lớp học này, cháu nó sẽ nắm vững kiến thức hơn và thêm hứng thú với việc học”.

Cái tâm của người trẻ

Người khởi xướng mô hình lớp học hè ở gươl làng này là Phó Chủ tịch UBND xã Lăng - Nguyễn Bá Hiển, cán bộ được bố trí về công tác theo Dự án 600 của Chính phủ. Khi còn là SV Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Nguyễn Bá Hiển lên Tây Giang làm đề tài nghiên cứu khoa học. Cùng ăn, cùng ở, cùng sống với đồng bào, anh hiểu và trăn trở với những thiếu thốn trong tiếp cận kiến thức của trẻ em vùng cao. Hè năm 2014, anh tham mưu về tổ chức lớp học hè ban đêm ở gươl làng, lãnh đạo xã đồng ý ngay. Chủ trương được thông qua, anh nhanh chóng liên lạc với SV địa phương, trao đổi và được mọi người hưởng ứng. Tiếp đến, tìm nguồn hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập. “Cũng may, có một câu lạc bộ ở Duy Xuyên tài trợ Tủ sách cho em nên mọi việc cũng tương đối ổn. Bắt đầu từ năm 2014, mỗi năm câu lạc bộ này tài trợ 1.200 đầu sách giáo khoa, sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 9, kèm theo đó là một số dụng cụ học tập. Năm 2015 này, câu lạc bộ còn trao 40 suất quà cho học sinh khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn”- anh Hiển cho hay.

Một lớp hè ở gươl làng.
Một lớp hè ở gươl làng.

Theo lời vị Phó Chủ tịch UBND xã thế hệ 8X này, khung giờ học chính hàng đêm của các lớp từ 18 giờ 45 đến 20 giờ 15. Những đêm thôn có cuộc họp, thời gian sẽ được điều chỉnh, tuyệt đối không bỏ buổi học. Lớp học này còn được các thôn hỗ trợ tiền điện, tiền thay mới, sửa chữa bóng đèn, dây điện. Và để tránh tình trạng “quấy rối” lớp học, công an viên của xã cũng nhiệt tình tham gia “bảo vệ” lớp học. Anh Nguyễn Bá Hiển chia sẻ, qua 2 mùa hè thực hiện, mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt, học sinh ở các thôn được củng cố nền tảng kiến thức, thích thú với việc học. Và để khuyến khích học sinh, khi kết thúc lớp học hè sẽ có tổng kết, khen thưởng học sinh xuất sắc.

Khởi xướng là một người trẻ, cùng nhau thực hiện cũng là những người trẻ, khoảng 25 con người ấy đều có chung niềm tâm huyết với gần 340 trẻ em (từ lớp 1 đến lớp 9) ở xã Lăng. Blướch Thị Bloó (ở thôn Blừa), SV năm cuối Trường Đại học Quảng Nam tâm sự: “Đây là mùa hè thứ hai mình tham gia dạy lớp hè ở gươl làng. Tuy đã lên vài kế hoạch cho mùa hè ở dưới Tam Kỳ, nhưng mình tạm gác lại để về xã giúp các em nhỏ củng cố và nâng cao kiến thức. Bọn mình là người đi trước, việc nâng đỡ cho thế hệ sau là điều tất nhiên, nên rất tâm huyết và nhiệt tình tham gia”.

Chia sẻ của Blướch Thị Bloó cũng là suy nghĩ của SV Clâu Thị Đlớp (ở thôn A Ró) hay SV Alăng Thị Mến (ở thôn Nal) và nhiều bạn trẻ đang miệt mài với các lớp hè ở gươl làng. Với mô hình thiết thực này, năm 2014 xã Lăng đã được UBND huyện Tây Giang tuyên dương khen thưởng. “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao cách làm này ở xã Lăng, đồng thời mong muốn mô hình này được nhân rộng ra toàn huyện. Có như vậy, lớp trẻ sau này mới thật sự nắm vững kiến thức để góp phần xây dựng quê hương vùng cao” - ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm học hè ở gươl làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO