Đêm lặng ở làng biển Đông An

T.CÔNG 19/10/2023 21:55

(QNO) - Đêm nay 19/10. Thôn Đông An (xã Tam Giang, Núi Thành) chìm trong vắng lặng. Không khí trĩu nặng bao trùm lấy ngôi làng biển, nơi có đến 2 người chết và 3 người vẫn đang mất tích trong vụ tàu câu mực QNa-90129 TS gặp nạn ở vùng biển Trường Sa. Phảng phất mùi khói hương trên con đường bê tông dẫn vào làng chài.

Cả thôn Đông An vắng lặng trước ngày ngư dân gặp nạn được đưa về.
Cả thôn Đông An vắng lặng trước ngày ngư dân gặp nạn được đưa về. Ảnh: T.C

Chẳng còn mấy hy vọng...

Lác đác vài bóng người qua lại. Đêm tịch mịch. Một vài người đàn bà lặng lẽ đi vào nhà của ngư dân Đặng Thống Tới, một trong 12 người vẫn đang mất tích sau vụ chìm tàu. Anh Đặng Thế Công, con trai ông Tới mắt vẫn còn sưng, ngồi lặng lẽ bên hiên nhà. Anh Công cho hay hai ngày qua, cả nhà bần thần, anh đã phải đưa người mẹ đi truyền nước vì sức khỏe suy giảm. Không dám để nhiều người gặp mẹ, sợ mẹ quá xúc động lại lên cơn đau tim, anh phải túc trực, chạy qua chạy lại giữa nhà mình và nhà cha mẹ.

Anh Đặng Thế Công phải tạm nghỉ việc, ở nhà chăm sóc cho mẹ sau khi hay tin cha gặp nạn. Ảnh: T.C
Anh Đặng Thế Công phải tạm nghỉ việc, ở nhà chăm sóc cho mẹ sau khi hay tin cha gặp nạn. Ảnh: T.C

“Gia cảnh khó khăn, cha tôi đã 62 tuổi vẫn phải mưu sinh bằng nghề biển. Rồi chuyện chẳng lành xảy ra. Ông đã phải gắng gượng mưu sinh lúc tuổi đã già, vì còn mẹ. Anh em chúng tôi cũng đều đã ra riêng, hoàn cảnh chẳng khá giả gì mấy, khi nghe tin cha bị mất tích, mọi thứ cứ lụi dần. Chẳng còn mấy hy vọng nữa...” - anh Công nói.

Anh Công đã xin tạm nghỉ làm việc ở công ty từ hôm hay tin cha gặp nạn. “Ngày mai tôi phải chạy lên xin nghỉ thêm, bây giờ chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc. Cả gia đình bấn loạn. Khi nào người ta thông báo dừng tìm kiếm, cứu nạn mà chưa tìm thấy cha, thì phải ở nhà lo hậu sự. Cha mất, mẹ một mình, cũng không biết bà sẽ sống sao với nỗi mất mát và bệnh đau tim thường trực” - anh lo lắng.

Bi kịch ập đến quá bất ngờ. Phần đông cả làng làm nghề biển. Ngư dân Đặng Thống Tới đã có hàng chục năm đi biển. Trong một chuyến đi như thế, em út của ông Tới “rớt biển”, may mắn được ông cứu sống. Người em trai đã bỏ hẳn nghề sau đó, lên bờ. Năm 2006, trong cơn bão Chan chu, em trai ngư dân Đặng Thống Tới gặp nạn. Năm đó, cả làng có 21 người chết trên biển.

Ngư dân được lực lượng chức năng tiếp cận, hỗ trợ y tế và tìm cách đưa về bờ sau vụ tai nạn
Ngư dân được lực lượng chức năng tiếp cận, hỗ trợ y tế và tìm cách đưa về bờ sau vụ tai nạn

Mười bảy năm, thảm nạn lặp lại với ngôi làng nhỏ. “Lần chú mất, tôi còn nhỏ, có lẽ chưa hiểu hết nỗi mất mát của gia đình. Nhưng bây giờ, khi biết cha mình mất tích ngoài kia, chưa tìm được, tôi mới thấu hết được nỗi đau. Xót cho cha, thương cho mẹ. Cả nhà đã trông đợi vào một phép màu, nhưng đã ba ngày trôi qua, chắc chẳng còn chi để chờ đợi nữa”, anh Công tựa hẳn vào cột nhà trước hiên, nhìn vào khoảng mênh mông tối trước mặt.

Anh Công nói, người ta vừa đến thông báo mai tàu sẽ đưa ngư dân về bờ. Nhưng anh chẳng tha thiết gì, vì cha mình chưa tìm thấy. Đến đó, nhìn gia đình họ đoàn viên, trong khi ba mình còn nằm lại giữa lòng biển lạnh, anh không thể cầm được lòng...

"Rồng lấy nước"

Mùi khói nhang phủ khắp nhà của chị Đinh Thị Bích Thủy, vợ ngư dân Đỗ Văn Hải. Anh Hải đã chết, xác đang được đưa về cùng với những ngư dân trên tàu Kiểm ngư. Người nhà chỉ vừa kịp đi xem ngày an táng cho anh, khi biết tin trưa mai tàu sẽ về đến bờ.

Người thân ngư dân Đỗ Văn Hải túc trực ở anh để lo hậu sự. Ảnh: T.C
Người thân ngư dân Đỗ Văn Hải túc trực ở nhà anh để lo hậu sự. Ảnh: T.C

Căn nhà của anh chị mới vừa xong vào tháng 8 âm lịch năm ngoái. Ở chưa được bao lâu, vì mải miết với những chuyến biển, anh mất, khoản nợ vay mượn để làm nhà còn đó, vợ anh chỉ ở nhà nội trợ lại chồng chất âu lo về số phận của ba đứa con. Chị Thủy cũng kể về hai lần tàu gặp nạn ngoài biển, nhưng những lần đó anh đều lành lặn trở về. Bây giờ, mọi thứ như vỡ vụn.

“Tôi đâu có ngờ chuyến này là chuyến cuối cùng của anh, sau 20 năm làm nghề biển. Hai ngày nay tôi điếng người, ngồi không vững, không thể suy nghĩ được gì. Cứ mệt quá chợp mắt được lúc lại mơ thấy cảnh tàu chìm, thấy anh chết. Quá mệt, không thể chịu đựng nổi”, chị Thủy không ngăn được dòng nước mắt tràn ra trên gương mặt đã hốc hác đi nhiều sau khi hay tin dữ.

Chị Thủy nói “không thể chịu đựng nổi” hay tin dữ về chồng mình. Ảnh: T.C
Chị Thủy nói “không thể chịu đựng nổi” khi hay tin dữ về chồng mình. Ảnh: T.C

Ông Đỗ Thanh Tịnh, 66 tuổi, anh trai ruột của Đỗ Văn Hải túc trực ở nhà anh Hải để lo hậu sự cho anh. Cũng là ngư dân, ông Tịnh nói mười mấy năm ông đi biển, đã nghe kể về lốc xoáy, là “rồng lấy nước”, kinh khủng lắm. Nhưng đó là nghe cha ông lớp trước kể lại, chứ không nghĩ chính em trai ruột của mình chết vì lốc xoáy nhấn chìm tàu. Tất cả người trong gia đình đêm nay đều đã tập trung ở nhà anh Hải. Ngày mai, họ sẽ cùng nhau ra bến tàu, đưa thi thể anh về nhà.

[VIDEO] - Chị Đinh Thị Bích Thủy chia sẻ về gia đình mình sau khi hay tin chồng mất vì gặp nạn trên biển: 

Trên chuyến tàu QNa-90129 TS, anh trai ruột của anh Hải là Đỗ Văn Trung may mắn thoát nạn. Nhưng đứa cháu rể Đinh Văn Phương còn mất tích. Chị Lê Thị Chí, vợ anh Trung nói, bây giờ cảm xúc lẫn lộn.

“Ngày mai ra đón tàu, mừng vì chồng mình trở về, nhưng đau vì em Hải mất, rồi cháu còn mất tích ngoài kia. Cả gia đình bần thần, đủ thứ tâm trạng. Biết làm sao được, người sống thì vẫn phải sống, phải lo lắng cho những người đã mất” - chị Chí nói.

Theo thông tin từ Chi đội Kiểm ngư số 3 (đóng tại xã Tam Giang), dự kiến khoảng 13 giờ trưa mai 20/10, tàu Kiểm ngư sẽ đưa 78 ngư dân và 2 thi thể của ngư dân về đến Tam Giang. UBND huyện Núi Thành cũng đã lên kế hoạch đón ngư dân gặp nạn trên biển trở về đất liền. Địa phương này sẽ đảm bảo phương tiện gồm xe ô tô và 2 xe cứu thương để người thân, gia đình đưa thi thể ngư dân bị tử vong do tai nạn về gia đình; đưa đón các ngư dân bị thương tích do tai nạn trên biển, đảm bảo công tác hậu cần như y tế, ăn uống cho ngư dân và người thân.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm lặng ở làng biển Đông An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO