“Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” - một chương trình nghệ thuật sẽ tái hiện những giá trị của tinh hoa văn hóa Chăm, dự kiến ra mắt người xem vào đêm 24.3. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Kể lịch sử bằng nghệ thuật
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Ban Quản lý Mỹ Sơn) cho biết, thời gian qua trong khi câu chuyện bảo tồn được cân đo đong đếm để hiện trạng đền tháp được giữ lại nguyên bản nhất, thì những dấu ấn phi vật thể của Mỹ Sơn vẫn còn khá nhạt. Với trăn trở ấy, đội ngũ làm văn hóa tại Mỹ Sơn quyết tâm khơi lại những tinh hoa của vùng đất tại đây, bằng nghệ thuật.
Hẳn quãng nghỉ của thời đoạn dịch bệnh đủ để những nghệ sĩ tại đây trình làng tác phẩm đậm chất Mỹ Sơn nhất. Một chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời nhằm tái hiện giá trị của tinh hoa văn hóa Chăm được chuẩn bị công phu.
“Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” sẽ có ba chương, với chương 1: Thung lũng - câu chuyện thời gian; chương 2: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại; chương 3: Ánh sáng giao hòa. Những người thực hiện chương trình hy vọng sẽ tái hiện phần nào lịch sử cội nguồn một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng nhất của Vương quốc cổ Chămpa, vượt qua khoảng cách không gian và thời gian để tìm mối giao hòa giữa xưa và nay, nét độc đáo của khu đền tháp, nhắc nhở hậu thế bảo tồn và phát huy giá trị hiện còn...
Khán giả sẽ được nhìn thấy những cô gái Chăm di chuyển cùng điệu múa cổ tạo thành một dòng chảy. Đây là biểu tượng cho mạch nguồn xuyên suốt từ lúc khởi thủy của vương triều Chămpa cho đến nay. Câu chuyện được hiện rõ theo từng tầng, nhắc nhở hậu thế bảo tồn và phát huy những giá trị hiện còn.
“Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” truyền tải thông điệp đến khán giả bằng nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật. Sự phối hợp giữa ngôn ngữ múa cùng với kỹ xảo ánh sáng cũng như hiệu ứng sân khấu sẽ tạo nên màn trình diễn chân thực và ấn tượng nhất.
“Chúng tôi mong người xem cảm nhận vẻ đẹp độc đáo của mỗi đền tháp, cũng chính là minh chứng trường tồn với thời gian và sự phát triển văn hóa của từng thời kỳ đã đi qua nơi miền tháp cổ” - ông Phan Hộ nói.
Trải nghiệm văn hóa Chăm
Với sự tham gia của hơn 200 diễn viên, nghệ sĩ, “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” dự kiến sẽ là sản phẩm du lịch đưa vào phục vụ thường xuyên vào đêm 16 âm lịch hằng tháng.
Ngoài sản phẩm này, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, du khách còn được trải nghiệm và thưởng thức các loại hình văn hóa dân gian hiện tại của 2 dân tộc Chăm - Việt, như trích đoạn các lễ hội của người Chăm, thưởng thức, giao lưu và tập hát dân ca Chăm và các loại hình trình diễn khác.
Ngoài ra, các trò chơi dân gian của người lớn, trẻ em, trình diễn nghề truyền thống của người Chăm từ việc chuốt gốm, dệt thổ cẩm, làm hoa tai Chăm... sẽ được tổ chức để du khách trải nghiệm.
Hơn thế nữa, những khoảnh khắc đẹp với các bộ trang phục truyền thống của người Chăm... cũng được Ban Quản lý Mỹ Sơn sắp xếp phục vụ để thêm điểm nhấn cho chương trình tham quan tại khu đền tháp này.
Hẳn không thể thiếu dấu ấn về nền ẩm thực độc đáo của người Chăm, ngay tại nơi lưu giữ văn minh nghìn năm Chămpa. Những món ngon của vùng Thu Bồn sẽ được bày biện bên cạnh các sắc thái ẩm thực của người Chăm, do chính tay người Chăm trổ bày.
Những hoạt động này, như lời người quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn, đều chỉ mong bất cứ ai khi đặt chân đến Mỹ Sơn, sẽ hiểu nhiều hơn về những giá trị văn hóa lâu đời mà nơi này đang nắm giữ.
Trở lại với câu chuyện “Đêm Mỹ Sơn huyện thoại”, nhiều người băn khoăn về tác động của ánh sáng, bước dịch chuyển của 200 diễn viên ngay ở khu đền tháp, việc tập trung đông người liệu có gây ảnh hưởng đến di tích?
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Mỹ Sơn cho biết, đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, được xây dựng, chuẩn bị khá công phu, trước mắt giới thiệu sản phẩm đến với du khách, phục vụ Năm du lịch quốc gia 2022, sau đó sẽ tính toán các bước tiếp theo.
“Chúng tôi đã tính toán kỹ để chương trình sẽ không làm ảnh hưởng, tác động đến di tích. Sân khấu sẽ là các tuyến đường dẫn vào các khu tháp, ở phía nền sân chứ không đụng vào bất cứ khu tháp nào. Đại biểu khách mời tham gia đêm biểu diễn ra mắt sẽ được bố trí phía khu vực cây xanh bên ngoài. Với Mỹ Sơn, việc bảo tồn nguyên trạng khu đền tháp vẫn được đặt lên hàng đầu” - ông Phan Hộ nói.
*
* *
Cùng với các nhóm tháp, Mỹ Sơn sở hữu khu vực ngoại vi khá lý tưởng để câu chuyện du lịch văn hóa phát triển mạnh hơn. Hẳn để níu bước chân du khách ở lại với Mỹ Sơn, không chỉ là sự tịch lặng và chiêm nghiệm trước những biến thiên lịch sử trong từng mảng tường tháp.
Cần nhiều hơn sản phẩm đậm chất văn hóa, đủ sức để khơi gợi lại những chỉ dấu nghìn năm mà vùng đất sở hữu. Và hãy rộng lòng để đón nhận một sản phẩm văn hóa mới, như “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”...