Mưa lớn trên diện rộng, đề phòng lũ lụt
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đến 7 giờ sáng nay 18.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 240km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74km/h), giật cấp 9, cấp 10. Đến 7 giờ sáng mai 19.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ kinh Đông, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Định từ sáng nay 18.9, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh từ Nghệ An - Khánh Hòa từ chiều nay 18.9 sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
|
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến hôm qua 17.9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 27.420 phương tiện với 135.015 người biết diễn biễn của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể, ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa có 31 phương tiện với 387 người, khu vực khác và neo đậu tại các bến có 27.389 phương tiện với 134.628 người.
UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương đối phó bão số 8
Chiều 17.9, UBND tỉnh có công điện khẩn về công tác ứng phó bão số 8 sắp đổ bộ vào đất liền. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thường xuyên theo dõi, thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để phòng tránh; hướng dẫn các phương tiện đã vào trú ẩn ven bờ hoặc khu neo đậu, tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, tránh va đập… Công điện cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên thông báo diễn biến của bão cho nhân dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư sinh sống ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà ở, trụ sở làm việc và kho tàng, thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu. Ngoài ra, các đơn vị hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa, thực hiện điều tiết xả lũ linh hoạt và theo quy trình vận hành được phê duyệt…
Tích cực kêu gọi tàu thuyền vào bờ
Chiều 17.9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, ngay sau khi nhận được tin bão số 8 xuất hiện trên Biển Đông, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng, đài tìm kiếm cứu nạn phát liên tục nhiều bản tin, bắn pháo hiệu thông báo bão cho phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, tìm nơi trú ẩn an toàn. Đến 16 giờ ngày 17.9, trên biển còn 234 tàu cá với 3.787 lao động, trong đó có 100 tàu cá xa bờ với 2.760 lao động. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phân công người thống kê, kiểm đếm phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển kêu gọi số tàu thuyền hoạt động gần bờ vào nơi trú ẩn an toàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 khu vực neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 2.500 đến 3.300 phương tiện, tuy nhiên sức chứa ở các âu thuyền rất hạn chế nên việc sắp xếp phương tiện neo đậu khi có bão gặp nhiều khó khăn. Đồn Biên phòng Cửa Đại đã hướng dẫn bố trí sắp xếp cho trên 80 tàu, ca nô du lịch tại khu vực Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại và Cảng Du lịch. Các đồn biên phòng đanh tích cực phối hợp cùng địa phương bố trí, sắp xếp neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.
* Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay tại khu vực miền núi còn khoảng 600ha lúa hè thu chưa thu hoạch, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My. Còn tại khu vực đồng bằng, các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình vẫn còn ít nhất 50ha lúa gieo sạ trễ vụ chưa tiến hành gặt. Theo ông Muộn, nếu bão số 8 trực tiếp đổ bộ vào địa phận Quảng Nam thì chắc chắn sẽ xuất hiện lũ lớn trên diện rộng. Có khả năng số diện tích lúa hè thu vừa nêu bị ngã đổ, ngập úng, hư hỏng. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đang tích cực vận động nông dân khẩn trương thu hoạch các ruộng lúa đã chín từ 80% trở lên nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
NHÓM PV, CTV