Đem nghề về làng

TRUNG LỘ 11/06/2014 10:47

Cách đây 6 năm, 14 người dân ở Thăng Bình khăn gói ra Bắc học nghề để cải thiện kinh tế gia đình. Những người dân này đã đem nghề mới về làng và tạo dựng cơ sở sản xuất đạt hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Phơi bánh tráng đa nem.
Phơi bánh tráng đa nem.

Xa quê tìm nghề

Trước đây, gia đình chị Đặng Thị Hương (tổ 9, thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống kinh tế khó khăn. Cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ sống nhờ vào 2 sào ruộng lúa và một sào đất màu. Sau nông vụ, vợ chồng chị Hương không biết làm nghề gì thêm để tăng thu nhập. Đang loay hoay tìm việc thì chị được tin huyện Thăng Bình có chủ trương vận động các đối tượng chưa có nghề trong xã đi học tập nghề ở Hà Tây (cũ). Lúc đầu, chị Hương và nhiều người cùng xóm rủ nhau đăng ký đi, nhưng đến ngày lên đường “chốt” lại chỉ còn 14 người. Ra đến Hà Tây, chị được chứng kiến cách làm ăn hiệu quả của nhiều gia đình với những nghề truyền thống như chế biến bún phở khô, làm bún tươi, tráng bánh tráng đa nem.... Cân nhắc, chị quyết định theo học nghề làm bánh đa nem. Theo chị Hương, nghề làm bánh tráng đa nem phù hợp ở địa phương bởi nguyên liệu gạo, chất đốt, nhân lực... và sản phẩm chưa thấy bán ở thị trường miền Trung. Những ngày đầu xin học nghề, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng đa nem ở Hà Tây ngần ngại, chưa nhiệt tình chỉ bảo. Thế nhưng chị vừa giúp việc, vừa cần mẫn theo học nghề, chủ cơ sở cảm kích sự chất phác, hiền lành của chị nên đã động viên người nhà chỉ bảo bí quyết nghề làm bánh. Sau hơn nửa tháng học nghề, chị Hương thành thạo cách chế biến bánh tráng đa nem, sản phẩm được xem là đặc sản của xứ Hà Tây. Về quê, chị Hương bàn với chồng gom góp hết số tiền dạnh dụm bấy lâu, cộng thêm vay mượn để lập ra cơ sở chế biến bánh tráng đa nem. Ngày đầu bắt tay vào sản xuất chị gặp không ít khó khăn. “Có những lần bánh tráng ra bị vữa, không thể thành bánh, buộc phải bỏ đi mất hàng chục ký gạo. Nhưng làm nhiều lần thì tôi rút kinh nghiệm, cuối cùng cũng thành công. Những ngày đầu chỉ sản xuất 20 - 30kg gạo, đến nay cơ sở của tôi sản xuất đến 100 - 150kg, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh” - chị Hương tâm sự.

Cùng khăn gói ra tận Hà Tây học nghề, anh Đàm Văn Phước (cùng xóm với chị Hương) chọn học nghề làm bún phở khô. Anh Phước chia sẻ: “Nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Muốn có sợi bún ngon thì điều quan trọng phải chọn được gạo ngon. Bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Nhờ đầu tư trang thiết bị nên quy trình sản xuất bún khép kín, các công đoạn như xay gạo, vắt bột, khuấy bột… đều do máy móc đảm nhiệm nhưng tay nghề và kỹ thuật của người vào máy cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún”. Hiện mỗi ngày gia đình anh Phước chế biến được 50kg bún phở khô, sản phẩm được lái buôn từ các địa phương trong tỉnh tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, gia đình cũng tận dụng những phụ phẩm từ chế biến bún như nước gạo, vụn bánh… làm thức ăn chăn nuôi heo, vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường vừa góp phần tăng thu nhập. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh Phước thu lãi gần 50 triệu đồng từ nghề làm bún và chăn nuôi.

Nhân rộng nghề mới

Những năm đầu làm nghề bánh đa nem, cơ sở sản xuất của chị Hương chủ yếu làm theo phương pháp thủ công. Tất cả công việc từ ngâm gạo, xay bột rồi tráng bánh đều được làm bằng tay nên năng suất không cao. Hơn nữa, không có lò sấy bánh, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết nên rất bấp bênh. Trong lúc khó khăn, cơ sở sản xuất của chị Hương được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương đầu tư lắp đặt dây chuyền tráng bánh đa năng, sau đó được hỗ trợ lắp đặt lò sấy bánh tráng tương đối hiện đại. Việc đưa máy móc vào sản xuất không chỉ tăng sản lượng mà chất lượng bánh cũng được đảm bảo. Việc tiêu thụ sản phẩm ngày một hiệu quả hơn. Chị Hương cho biết: “Hiện nay cơ sở sản xuất bánh tráng của tôi tạo được việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng”.   

Hiện 14 người dân khăn gói xa quê học nghề năm xưa đều trở về mở cơ sở sản xuất và làm ăn có hiệu quả cao. Từ những nghề mới du nhập về làng, trong những năm gần đây, huyện Thăng Bình đã nhân rộng các mô hình nghề trình diễn làm bánh đa nem, bún phở khô cho nhiều hộ dân khác. Mới đây, từ nguồn khuyến công địa phương, huyện đã hỗ trợ 60 triệu đồng cho 4 hộ dân ở xã Bình Trị và Bình Lãnh đầu tư làm nghề bún phở khô để giải quyết việc làm và tăng thu nhập gia đình. Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết: “Sản phẩm bánh tráng đa nem, bún phở khô đang tiêu thụ mạnh trên thị trường. Các cơ sở sản xuất trên không đủ cung cấp nên nhu cầu tiêu thụ còn nhiều. Vốn đầu tư mở rộng ngành nghề không lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao nên huyện Thăng Bình sẽ nhân rộng các nghề này đến các địa phương khác trong huyện”.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đem nghề về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO