Đêm nay 9.6, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 khai mạc bằng những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Từ khắp vùng miền, người dân đang háo hức chờ đợi...
TRƯỚC GIỜ “G”
Một cung đường của sắc màu, của gió và nắng đã thành hình, khi Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI sắp sửa chạm ngõ ở vùng quê biển Tam Thanh. Trước giờ khai mạc, không chỉ là những háo hức đầy rộn rã của người dân, chính quyền địa phương đang nỗ lực góp sức tổ chức chu toàn cho ngày khai hội.
Đường về xã biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). |
Sắc màu bên bờ biển
Không khó để hình dung những hân hoan của người dân xứ biển, khi từng ngày, từng giờ sống chung với không khí rộn ràng chờ giờ khai hội. Quảng trường biển Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), ngay từ những ngày tháng 5, đã thấy sự xuất hiện của đơn vị thi công chỉnh trang, sửa chữa các hạng mục điện nước, lát gạch sân điều hành, bãi đỗ xe. Cùng với đó, một khán đài lớn và sân khấu đã sẵn sàng cho ngày khai mạc. Dọc các tuyến đường dẫn về phía biển, băng rôn, biểu ngữ chào mừng ngày khai mạc như một “chỉ dẫn” cho người dân và du khách khi lần đầu tiên Tam Kỳ góp mặt với vai trò là một trong 2 địa bàn trọng điểm của festival di sản lần này. Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển các khu cụm công nghiệp, thương mại và dịch vụ TP.Tam Kỳ cho biết, với nhiệm vụ hoàn chỉnh các hạng mục công trình hạ tầng khu du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, đơn vị đã dốc sức đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để sẵn sàng những điều kiện tốt nhất phục vụ cho đêm khai mạc. Đối với khu vực quảng trường chính, nơi diễn ra lễ khai mạc vào tối nay 9.6, những phần việc tu sửa, chỉnh trang đã hoàn thành từ nhiều ngày trước đó để đơn vị tổ chức lắp dựng sân khấu, khán đài và trang thiết bị phục vụ.
Không chỉ là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính như khai mạc festival; triển lãm Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam; Festival diều quốc tế; Liên hoan hô hát bài chòi các tỉnh miền Trung và trình diễn các di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh, trong đợt này tại Tam Thanh còn diễn ra khá nhiều hoạt động bên lề mang chủ đề “Tam Thanh - cảm xúc mùa hè” do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức. Chuỗi sự kiện khép kín trong những ngày diễn ra festival như mang đến một “cung đường” của những hoạt động xuyên suốt, chiêu đãi du khách thưởng lãm bằng mọi giác quan. Đây cũng là cơ hội để người dân xứ biển bước vào một “đời sống” du lịch thực sự, với lượng du khách được kỳ vọng đông hơn nhiều lần so với tất cả những sự kiện đã từng được tổ chức ở nơi này.
Bên bờ sóng, sân khấu chính đã thành hình. Một không gian sân khấu kết hợp giữa biểu diễn và trình chiếu đa chiều với các khối tạo hình độc đáo, hứa hẹn những màn trình diễn đậm chất nghệ thuật cho đêm khai mạc.
Chuẩn bị chu tất
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, để sẵn sàng cho sự kiện này, địa phương đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các địa điểm phục vụ festival như làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, nơi trình diễn 111 chiếc thuyền thúng đầy sắc màu, đài quan sát biển… Đoạn đường từ cầu Kỳ Trung đến bãi tắm Hạ Thanh, với chiều rộng trước đây chỉ 5,5m đã được mở rộng thành 9,5m. Những mong chờ của người dân làng biển được thể hiện bằng nghĩa cử đẹp, khi các hộ dân ven đoạn đường này đồng thuận hiến đất chỉnh trang, mở rộng tuyến đường cho kịp tiến độ. Qua đó nới rộng cánh cửa bước ra phía biển Tam Thanh và góp phần giải quyết nguy cơ ách tắc giao thông khi diễn ra lễ khai mạc festival và các sự kiện khác.
Quãng thời gian trước ngày khai hội, ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ hiện diện gần như mỗi ngày tại các địa điểm diễn ra sự kiện ở Tam Thanh, để giám sát và bảo đảm cho mọi tình huống phát sinh. “Trước đó, chúng tôi đã tổ chức hàng loạt buổi gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân địa phương về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền thành phố cũng đã có nhiều buổi gặp gỡ nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa ứng xử, đón tiếp du khách, để có thể xây dựng nên những hình ảnh thân thiện, gần gũi và mến khách nhất cho Tam Kỳ trong festival lần này. Đó cũng là chủ trương của thành phố, khi xác định lấy người dân làm chủ thể trong các hoạt động du lịch” - ông Ảnh cho hay.
Được kỳ vọng sẽ đón lượng du khách kỷ lục trong những ngày diễn ra sự kiện, tất cả khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn Tam Kỳ được yêu cầu niêm yết giá, không “chặt chém” du khách. Ngành y tế kiểm tra thường xuyên đối với các nhà hàng, quán ăn nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự đã được triển khai từ trước, với sự tham gia của lực lượng Công an thành phố và các xã, phường. “Hiện tại toàn thành phố có khoảng 1.100 phòng khách sạn, nhà nghỉ, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Một số khách sạn lớn như Mường Thanh, ven sông Bàn Thạch, Lê Dung… đã được đặt kín chỗ. Trong công tác hướng dẫn du khách khi đến tham quan tại Tam Kỳ, thành phố tăng cường lực lượng tình nguyện viên gồm 50 đoàn viên và khoảng 10 giáo viên ngoại ngữ của các trường; đồng thời tổ chức điểm thông tin du lịch tại Quảng trường biển Tam Thanh, phát tờ rơi chỉ dẫn địa điểm, thời gian tổ chức các hoạt động. Các tình huống phát sinh cũng được dự lường và đề ra phương án ứng phó để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho festival” - ông Ảnh nói.
CHẠM GIẤC MƠ DU LỊCH
Chưa bao giờ, giấc mơ du lịch gần với người dân miền biển Tam Thanh như những ngày này. Vùng cát, mới chỉ vừa ngấp nghé làm du lịch bằng “đặc sản” làng bích họa, nay đứng trước cơ hội không thể tốt hơn khi festival di sản, một thương hiệu du lịch nổi danh của xứ Quảng, khai mạc cùng hàng loạt hoạt động sẽ diễn ra, tại nơi này.
Tam Thanh vẫy gọi. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Từ ngày đón du khách
Thời gian diễn ra lễ khai mạc festival ở Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) chỉ còn tính bằng giờ, trên đầu ngón tay. Nhưng từ nhiều ngày trước, đã thấp thoáng những tin vui khi lượng khách đổ về Tam Kỳ và tranh thủ ghé thăm làng bích họa, thưởng ngoạn vẻ đẹp của biển Tam Thanh ngày một nhiều hơn. Chúng tôi hòa vào dòng người đang đổ về phía biển, háo hức chờ ngày khai hội ở Quảng trường biển Tam Thanh. Trong khi chờ chương trình khai mạc, du khách có thể tạo cho mình một cuộc dạo chơi đầy thú vị. Vì bên lề những hoạt động chính của tỉnh được tổ chức trong khuôn khổ festival, TP.Tam Kỳ cũng có một chương trình riêng lấp kín những khoảng trống giữa các sự kiện. Chủ thể của những hoạt động với tên gọi chung “Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè” do Tam Kỳ tổ chức, không ai khác, chính là người dân bản địa.
Làng cộng đồng Tam Thanh, một trong những điểm nhấn của du lịch vùng đông Tam Kỳ, thích nghi khá nhanh với chuyện đón khách thập phương và sống cùng du lịch. Từ ngày mang thêm cái tên “làng bích họa”, thôn Trung Thanh đã tấp nập người tới lui tham quan. Hàng quán, dịch vụ giữ xe, hay giản đơn là vài ba chiếc ghế bán nước giải khát… cũng đủ để làng biển này rộn ràng hơn với “nghề du lịch”. Người dân Tam Thanh sống nhờ du lịch từ những dịch vụ rất bình dân, nhưng những đổi thay thì rõ rệt hẳn. Chị Trần Thị Kim - người dân thôn Trung Thanh - chia sẻ, cuộc sống ở nơi này đã có quá nhiều đổi khác, từ ngày có du khách. Vui hơn, ồn ã hơn, mà cũng nhờ thế mà những người như chị có thêm thu nhập đáng kể, thay cho quãng thời gian dài chỉ sống với những bấp bênh của nghề biển. “Những ngày này, lượng người đổ về làng càng đông. Họ tới tham quan, chụp ảnh, dạo biển, nhờ đó mà buôn bán, giữ xe… cũng đông đúc hơn nhiều so với bình thường. Nhờ festival mà đường sá, làng quê rực rỡ hơn, dân nơi này cũng vì thế mà có cơ hội cải thiện hơn cuộc sống” - chị Kim nói.
Nhiều người dân Tam Thanh nay đã tin rằng, từ bây giờ họ có thể sống dựa vào du lịch. Vì thế, trong ngày hội lớn chưa từng diễn ra ở nơi này, họ không chỉ sẵn sàng tâm thế đón khách, mà còn đóng góp rất lặng thầm theo cách riêng của họ. Nhiều người trong số họ hiểu rằng, khi du khách đến, chính mình và gia đình cùng cộng đồng sẽ được hưởng lợi, từ nguồn thu dịch vụ du lịch. Và nay, nơi này đang thực sự sống trong bầu không khí của lễ hội, của cơn lốc du khách đang ùn ùn đổ về…
Chuyển nghề
Từ khi những thông tin về festival sẽ được tổ chức ở nơi này, đến lúc tận thấy xe cộ, máy móc ầm ào vận chuyển thiết bị, lắp đặt…, những xóm chài ven biển Tam Thanh hòa theo sự háo hức chờ đợi lễ hội. Đó cũng là chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện, từ bữa cơm, bên tách cà phê, cho đến những cuộc lai rai của ngư dân miền biển cuối chiều. Ai cũng chờ, vì nơi này sẽ có một đêm khai mạc lễ hội hoành tráng, quy mô, sẽ “đẹp và đông chưa từng thấy” - như cách nói dân dã của người dân miệt biển…
Chúng tôi gặp ông Trần Minh Đăng - chủ một homestay ở thôn Hạ Thanh 1 - khi ông đang sửa soạn phòng ốc chuẩn bị đón khách. Là một trong số 24 gia đình ở Tam Thanh đăng ký dịch vụ homestay cho du khách trong đợt festival, điều ông Đăng mong muốn không hẳn là doanh thu. Bởi, trong lần đầu tiên “chuyển nghề” làm du lịch, ông chỉ hy vọng đây sẽ là dấu mốc cho những đổi khác của ngày sau nữa, để không chỉ gia đình ông, mà cả làng này sẽ sống được nhờ du lịch. Cũng như lời của ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh rằng, không chỉ chính quyền, mà tất cả người dân đều mong chờ khoảnh khắc này, khoảnh khắc quê hương bước vào cuộc chơi mới, vận hội mới. Đã có nhiều tổ hợp tác được cấp giấy phép kinh doanh homestay, cho thuê xe đạp, chèo thuyền phục vụ du khách từ thôn Hạ Thanh 2 đến làng bích họa Tam Thanh. Nhiều người dân tình nguyện tham gia công tác cứu hộ trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. “Người dân đã chuẩn bị tâm thế đón chờ lễ hội bằng văn hóa hiếu khách, hồn hậu của người vùng biển, bằng sự chuẩn bị trong điều kiện tốt nhất có thể, để lần đầu đón đông đảo du khách đặt chân đến Tam Thanh. Chúng tôi tin, với vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của vùng biển, vùng sông nước nơi này, bằng trái tim của người dân luôn rộng mở, Tam Thanh sẽ là một địa chỉ hấp dẫn trên trong bản đồ du lịch Quảng Nam thời gian đến” - ông Bình nói.
Chúng tôi đi qua làng bích họa Trung Thanh, ngang qua những con thuyền thúng rực sắc màu nằm dài trên bờ cát. Sắc màu ấy khoác thêm một vẻ ngoài mới lạ cho miệt biển. Sắc màu của “con đường thuyền thúng” độc nhất Việt Nam, của một vùng đất đầy tiềm năng đang được đánh thức. Đó cũng là sắc màu riêng của du lịch, như kỳ vọng của chính quyền thành phố, trong lần đầu tiên góp mặt với vai trò là một trong hai địa bàn trọng điểm của festival.
Đêm nay, cùng du khách, Tam Thanh thực sự bước vào ngày hội…
ĐÊM ĐẶC BIỆT BÊN BỜ BIỂN
Được hứa hẹn là đêm khai mạc festival ấn tượng nhất từ trước đến nay, chương trình nghệ thuật kết hợp giữa ánh sáng và các loại hình ca múa nhạc, nghệ thuật tạo hình, sắp đặt… sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho người dự khán.
Lập rào chắn ngay cửa ngõ dẫn vào Quảng trường biển Tam Thanh. |
Đêm của hiệu ứng ánh sáng và âm thanh
Cuộc hội ngộ của nhiều di sản, sẽ được hình tượng hóa trên một sân khấu lung linh, huyền ảo. Lần này, như hứa hẹn của vị tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Quang Vinh, sự sôi động của một vùng đất đang phát triển sẽ được chuyển tải lên sân khấu. Không chỉ mang tính quảng bá hình ảnh Quảng Nam, thậm chí là cả Việt Nam với bè bạn năm châu, chương trình khai mạc Festival Di sản Quảng Nam cũng sẽ làm nổi bật ý nghĩa của việc kết nối các di sản quốc tế tại Quảng Nam, nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch cho tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. “Tổng thể chương trình sẽ được kết nối hài hòa, có tính tương tác giữa văn hóa di sản Việt Nam với văn hóa di sản quốc tế. Tất cả phần trình diễn dưới các hình thức khác nhau đều đề cao tính giải trí để có thể tiếp cận công chúng một cách tốt nhất nhằm truyền đi những thông điệp có ý nghĩa tới người xem” - nhạc sĩ Quang Vinh chia sẻ. Chương trình nghệ thuật sẽ không sử dụng các hình thức sân khấu phổ thông, mà khai thác triệt để tính tự nhiên kết hợp nghệ thuật sắp đặt cùng với phong cách sôi động. Cùng với hiệu ứng ánh sáng, trình chiếu 3D Mapping tương tác giữa thực và ảo sẽ tạo cảm giác mới lạ cho người xem. Đến với đêm khai mạc, người xem được hòa mình trong không gian của một ngày hội trình diễn những điều kỳ diệu của các loại hình di sản Việt Nam và quốc tế.
Để tạo cảm xúc mạnh, ê kíp thực hiện chương trình nghệ thuật cho đêm khai mạc xây dựng sân khấu về phía biển, để người xem hướng mắt nhìn ra mênh mông sóng nước cùng những cánh buồm trắng nhấp nhô. Và âm thanh. Những âm thanh hoang sơ, huyền ảo được cất lên từ các lớp chiêng, cồng với cao độ khác nhau được sắp xếp có tính hệ thống như một giai điệu đối thoại tượng trưng cho tiếng của Núi, của Rừng, tiếng của Đất và Trời. Những âm thanh đó sẽ được nghệ nhân, nghệ sĩ dẫn từ các góc cùng hướng dần về sân khấu. Tiếp sau cồng chiêng là lớp các nhạc cụ được chế tác từ những vật dụng thô sơ trong đời sống hàng ngày bằng chất liệu tre, nứa, gỗ, gốm, kim loại… Tất cả như một quần thể đa sắc biểu trưng cho cộng đồng dân tộc, cộng hưởng sắc tố của các di sản Việt Nam hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh âm thanh và màu sắc sinh động. Cùng với công nghệ trình chiếu đa chiều trên toàn bề mặt sân khấu, một lễ hội ánh sáng với hành trình của Quảng Nam cùng những đặc sắc về văn hóa, được bóc tách dần.
Chương trình nghệ thuật được mở màn như vậy. Không dài dòng diễn giải bằng lời.
Kết nối di sản
Tiếp nối chương trình là các tổ khúc biểu hiện cho các nhóm di sản được phân chia theo ranh giới địa lý của dải đất hình chữ S. Từ miền Bắc, nhóm di sản đồng bằng Bắc Bộ khắc họa một số nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống sinh hoạt của người dân đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể như hát Xoan ghẹo, Quan họ, Ca trù, hát Hầu đồng với chủ đề Giao duyên. Những bộ trang phục nguyên bản dân tộc kết hợp phong cách biểu diễn với các nhạc cụ đặc sắc của từng vùng miền sẽ được nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu thuộc một số tỉnh phía Bắc, kết hợp khối nghệ sĩ chuyên nghiệp trung ương thực hiện. Tiếp sau những ca khúc “Giao duyên” của xứ Kinh Bắc, sân khấu chợt bừng lên bởi phần trình diễn nghệ thuật ánh sáng Mapping của Công ty Index (Thái Lan). Trong khoảng 10 phút, khán giả sẽ đi qua quá trình hình thành và phát triển của Quảng Nam bằng sự biến tấu trên nền ánh sáng nghệ thuật. Khi âm thanh xuống nốt trầm nhất, “Đồng vọng” hiện lên những sinh hoạt dân gian quen thuộc của người miền Trung. Nhóm di sản khu vực miền Trung - Quảng Nam sẽ giới thiệu những loại hình di sản tiêu biểu của khu vực Nam Trung Bộ… cùng những nét văn hóa, phong tục tập quán đến những di tích, danh thắng nổi tiếng trải dọc các tỉnh ven biển miền Trung. Múa cung đình Huế, hát Bả trạo, bài Chòi, chơi bài Chòi, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu, người Chăm… sẽ được tái hiện trên không gian sân khấu hiện đại này. Lúc này, sân khấu kết nối trở lại với không gian đặc tả về Quảng Nam để lần lượt giới thiệu nét văn hóa di sản đặc sắc xứ Quảng.
“Vũ khúc Đại dương” sẽ tiếp nối sân khấu bởi nhóm văn hóa di sản Biển - Thiên nhiên. Múa diễn tả không gian biển đảo Việt Nam là tiết mục chủ đạo. Với ngôn ngữ múa hiện đại kết hợp công nghệ ánh sáng, Mapping trên sân khấu, hiệu ứng cùng các khối tạo hình và khối cánh buồm nhằm chuyển đổi không gian và cảm xúc cho người xem. Thông qua đó giới thiệu cảnh quan những vùng biển đảo nổi tiếng của Việt Nam, đó cũng chính là những di sản hùng vĩ nhất do Mẹ Thiên nhiên ban tặng. Sau “Vũ khúc đại dương”, “Bản hợp xướng của thiên nhiên” sẽ gửi đến khán giả phần trình diễn thể hiện sự kết nối giữa các di sản Việt Nam và quốc tế thông qua các hình thức nghệ thuật liên khúc ca múa nhạc, hoạt cảnh sắp đặt. Với tính chất lạc quan, vui nhộn, phần trình diễn gửi đi thông điệp cần chung tay gìn giữ, xây dựng hành trình kết nối di sản giữa các quốc gia để tạo sự gắn kết, tôn vinh những giá trị văn hóa bản sắc của mỗi dân tộc, tạo cơ hội phát triển du lịch cho mỗi nước trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.
Chương trình nghệ thuật khép lại bằng việc phô bày những đặc sắc của địa phương với chủ đề “Quảng Nam - Khúc giao hòa”. Đây là phần trình diễn liên kết những nét đặc sắc các loại hình văn hóa di sản Quảng Nam, thắp lên ngọn lửa tinh thần, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ và khai thác phù hợp những giá trị truyền thống đa dạng vốn có của mỗi loại hình di sản. Thông qua đó quảng bá hình ảnh Quảng Nam, Việt Nam tới đông đảo bạn bè thế giới, nhằm khai thác tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển du lịch, tạo sự kết nối thân thiện giữa các nền văn hóa trong nước và quốc tế…
Ngày hội lớn bắt đầu, như thế…
PHƯƠNG GIANG - LÊ QUÂN