Vượt qua trận ốm thập tử nhất sinh, tôi ăn uống khỏe cộng với sức trẻ nên thể lực nhanh chóng hồi phục. Một hôm thằng Đại - liên lạc Tiểu đoàn bộ, bảo tôi lên gặp các thủ trưởng có việc. Khi tôi ló mặt tới đã thấy Tiểu đoàn trưởng Phạm Thanh Nghị, Tiểu đoàn phó Hoàng Ngọc Dũng và Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Quang Vinh đã ngồi trò chuyện ở chiếc bàn trà làm bằng tre đập giập kê dưới gốc me cổ thụ sát bờ sông Mê Kông. Các thủ trưởng hỏi tôi về tình hình sức khỏe sau trận ốm nặng, về gia đình ở quê nhà xa ngái. “Ở Ốs Kariel, đơn vị C5 đang tập trung xây dựng doanh trại. Dưới ấy đang cần cậu…”. Tiểu đoàn trưởng bảo. Tôi nói: “Báo cáo! Em cũng rất nóng lòng được về lại Kós Sampear nhưng chưa có ghe xuồng…”. Tiểu đoàn trưởng cười: “Bởi vậy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn mới gọi cậu lên trao đổi. Chờ đợi biết đến bao giờ mới có xuồng ghe? Tớ tính thế này: “Bê” trinh sát cắt cử một người cùng đi với cậu về Ốs Kariel. Từ đó, cậu sang Kós Sampear… Cậu thấy thế nào?”. “Dạ, báo cáo thủ trưởng! Vậy thì hay quá! Mà chừng nào đi, thưa thủ trưởng?”. Tôi nói. “Ngay trong ngày hôm nay! Thôi, cậu về mà lo chuẩn bị…”.
Chỉ một loáng tôi đã nhét mọi thứ vào ba lô.
Khoảng chín giờ sáng, tôi lên đường cùng với thằng Thương, lính 82. Từ phum X’re Kaxan, hai đứa cứ men theo bờ sông Mê Kông ngược về phía đông. Trên bản đồ, Ốs Kariel cách X’re Kaxan độ bảy chục cây số, không có rừng rậm, chỉ toàn rừng thưa. Tôi nhẩm tính, chưa đến bốn giờ chiều, cả hai sẽ có mặt tại doanh trại C5. Càng xa phum X’re Kaxan, đường sá càng khó đi. Khi qua hết những phum sóc hoang, những khoảng rừng thưa được thay thế bằng những cánh rừng rậm nối tiếp nhau trải dài bất tận. Thằng Thương tỏ ra căng thẳng, vẻ mặt đầy lo lắng. Tôi bảo hắn: “Tao đi trước, mày đi sau. Nhớ chúc đầu súng AK xuống, đừng giơ ngang, lỡ mày làm cướp cò, nổ đoàng một phát là tao đi đời!”. Hơn mười hai giờ trưa. Thằng Thương hỏi: “Mình đi được nửa chặng đường chưa, anh Phiên?”. “Cỡ đó! Chịu khó tăng tốc thêm sẽ sớm tới nơi cần tới”. Tôi cười nói khi cả hai vượt qua được bên kia suối, ngồi nghỉ. Ở chiến trường K. cũng đã gần một năm, lại là lính trinh sát nhưng thằng Thương thường xuyên đi “xây dựng trạm xá Đoàn 5503”, thành ra…
Xốc ba lô lên vai, tôi nói: “Đi thôi! Nghỉ giải lao lâu quá rồi!”. Cả hai sải bước. Đúng như tôi dự đoán, ở trong rừng ngày tàn rất nhanh. Nhiều con suối bất ngờ hiện ra. Cũng may, tất cả đều cạn và hẹp, cởi quần dài lội qua được. “Ước còn bao xa nữa là tới Ốs Kariel, anh Phiên?”. Thằng Thương lại hỏi. “Độ mươi cây số nữa! Bởi bơi qua con suối rộng cách chỗ này khoảng mấy trăm mét là hết rừng rậm đến rừng thưa. Hai đứa mình tìm nơi ngủ qua đêm trong rừng, sáng mai hẵng về”. “Anh bảo ngủ lại trong rừng? Sao không đi tiếp?”. Thằng Thương hốt hoảng. “Mày cũng như tao, đâu có biết mật khẩu, ám hiệu liên lạc với C5? Về trong đêm tối để rồi chết hả?”. Thằng Thương điếng người. Mải miết đi, cuối cùng cả hai cũng thoát khỏi những cánh rừng thâm u.
Như có phép lạ, đất trời bỗng sáng hẳn ra.
“Rừng ma là rừng thế nào, anh Phiên?”. Thằng Thương tò mò hỏi. Tôi cười: “Lát nữa mày sẽ biết ngay thôi! Chừ, mày với tao ăn uống nghỉ ngơi một tí rồi đến rừng ma”. “Ăn uống? Mình đâu có mang theo thứ gì!”. Hắn ngạc nhiên. Tôi lấy gói gạo sấy trong ba lô ra xé miệng bao đổ nước vào. Trong khi chờ đợi gói gạo sấy biến thành cơm, tôi lấy mấy phong lương khô mà anh Mười đưa cho để hai đứa cùng ăn. Thằng Thương cứ ngỡ phải ngủ đói, không ngờ vẫn có cái lót bụng. Hắn tươi tỉnh mặt mày, cười nói nhiều hơn. Trời đã nhá nhem. Tôi dẫn thằng Thương đến cánh rừng ma. Xương người trắng hếu vung vãi rải rác khắp nơi. Thằng Thương im lặng bám sát theo tôi. Khi bắt gặp những cái đầu lâu trắng ởn nằm lăn lóc trên nền đất, hắn túm ba lô tôi và run giọng nói: “Anh Phiên ơi! Em sợ…”. Tôi bảo: “Sợ hay không cũng thế thôi! Chỉ có nơi này ngủ qua đêm mới đảm bảo an toàn…”.
Gần bụi cây gai có hai cái hố nông choèn cách nhau chừng vài ba mét. Tôi dừng lại bảo với thằng Thương: “Mình ngủ ở đây! Mỗi đứa một cái hố…”. Hắn co rúm người lại: “Eo ôi! Em sợ…”. “Nằm chung một hố, lỡ có chuyện gì xảy ra, cả hai chết chùm à?”. Hắn van vỉ: “Thì chết chùm còn hơn là nằm chết một mình ở cái hố ấy…”. Tôi dạo qua dạo lại, cuối cùng cũng tìm được một cái hố nông choèn rộng hơn mét rưỡi cạnh gốc cây khộp ba người ôm không xuể. “Cái hố chôn tập thể này, mày với tao ngủ qua đêm thoải mái”. Tôi nói. Thằng Thương rùng mình im lặng. Đặt ba lô và khẩu AK dựa vào gốc cây khộp, tôi làm những công việc cần thiết: Nhặt lượm những khúc xương người vương vãi ở dưới hố lên để trên bờ đất, hốt lá khô cho xuống làm nệm. Tôi đem tấm ni lông đi mưa trải trên lớp lá khô, sau đó trải thêm chiếc chăn mỏng. Xong. Lấy ba lô làm gối, lấy võng làm tấm đắp, tôi nằm dưới hố chôn tập thể ngửa mặt nhìn bầu trời đêm nhợt nhạt vì mảnh trăng non đầu tháng đã chếch dần sang phía tây. Thằng Thương bắt chước tôi, làm theo ngay.
“Tại sao anh chọn rừng ma để ngủ qua đêm?”. Thằng Thương hỏi. Tôi bảo với hắn rằng, người Kh’mer rất sợ rừng ma. Đó là nơi cư ngụ của những kẻ đã khuất. Họ rất kiêng kỵ. Ngay bọn lính áo đen giết người như ngóe cũng chẳng dám lảng vảng ở rừng ma vì sợ. “Đấy là nguyên do mày với tao có mặt ở đây”. Tôi nói. “Rừng ma này, em thấy xương cẳng tay cẳng chân thì nhiều, còn xương sọ lại chẳng có bao nhiêu?”. Hắn thắc mắc. “Có lẽ do người ta gom nhặt về làm tấm bản đồ Campuchia bằng đầu lâu ở Nhà chứng tích tội ác diệt chủng của Pol Pot - Ieng Xary tại thị xã Stung Treng. Mà thôi, ngủ đi!”. Tôi nói. Hắn im lặng. Tôi cũng im lặng. Có tiếng sột soạt. Rồi có tiếng kêu lẹt rẹt. Chịu, đoán không ra. Thằng Thương ngẩng đầu khỏi miệng hố, dòm. Chợt hắn thụt xuống, ôm chặt lấy tôi: “Anh ơi! Sọ người…”. “Ở rừng ma thì phải có sọ người là lẽ đương nhiên!”. “Không, sọ người cựa quậy lăn đi…”. Tôi nghĩ hắn trông gà hóa cuốc, nào ngờ… Dưới ánh trăng mờ, tôi trườn người lên miệng hố căng mắt ngó mấy cái sọ người trắng ởn. Và tôi thấy ớn lạnh sống lưng. Rút khẩu K59 giắt ở bụng cầm tay, tôi lặng lẽ quan sát. Mấy cái sọ người trông thật kinh dị. Cái nhe hai hàm răng trắng hếu. Cái mở quai hàm toác hoác y hệt hang sâu. Chúng cứ động đậy, lăn qua lăn lại trên mặt đất và phát ra tiếng kêu lẹt rẹt…
Tái mét mặt mày nhưng thằng Thương vẫn nhoài người lên ngó. Nằm áp sát vào lưng tôi, hắn thì thầm: “Anh Phiên ơi! Nhìn kìa… Những ống xương đùi gãy vỡ cũng chuyển động. Không phải một vài ống mà có đến năm, sáu ống xương cứ lúc lắc ở vạt đất trống gần mấy cái đầu lâu”. “Đâu? À, tao thấy rồi!”. Tôi nói. “Rừng ma chắc chắn có ma, người Kh’mer kiêng sợ là phải!”. Hắn lại thì thầm bên tai tôi. “Mày bò tới đó xem sao? Có gì tao yểm trợ…”. “Eo ôi! Em sợ…”. Hắn vội thụt đầu xuống hố, ôm chặt lấy tôi. Đảo mắt nhìn khắp nơi, tôi thấy một nhánh cây khô dài độ ba mét ở cách chỗ tôi nằm hơn tầm tay với. Tôi rướn người tới lượm nhánh cây khô. Thằng Thương lại ló đầu lên khỏi miệng hố. Đợi mấy cái sọ người tự xoay tròn dịch chuyển gần, tôi cầm nhánh cây khô làm sào chọc mạnh. Dưới ánh trăng mờ, từ trong cái sọ người có hai con chuột phóng ra. “A! Đầu lâu tự lăn là do có “ông Tý” ở bên trong lúc lắc…”. Thằng Thương khẽ kêu lên. “Thấy chưa, rừng ma đâu có ma mà sợ!”. Tôi phở phào nói cứng. Hắn làm thinh. “Mày đứng dậy lượm mấy cái xương đùi gãy vỡ xem có con gì trong đó?”. “Eo ôi! Em sợ…”. Hắn nói. Rồi hắn lại thụt đầu xuống hố khiến tôi không nhịn được cười. Biết được nguyên do mấy cái sọ người tự lăn trên mặt đất, tôi hết ớn lạnh sống lưng, đứng dậy lượm một ống xương đùi gãy vỡ lên coi: Rắn mối chui trong đó! Quay về nằm trong cái hố chôn tập thể nông choèn, tôi bảo với thằng Thương: “Ém tấm đắp hai bên cho kỹ, đề phòng bò cạp rúc vào chích đốt. Rừng thưa Campuchia có loài bò cạp cổ to như ngón tay cái. Nó mà đớp một phát là thôi rồi nồi xôi nghen mày!”.
Bủa vây rừng ma là bóng đêm mịt mùng khi mảnh trăng non đầu tháng lặn xuống phía tây. Sợ - nhưng thằng Thương vẫn tò mò ngẩng lên dòm ngó chung quanh. Hắn nói trong hơi thở gấp: “Anh Phiên ơi! Lửa ma trơi lập lòe khắp nơi…”. Tôi ngóc dậy xem. Những đốm sáng xanh lè nhỏ to nhấp nháy. Lúc nãy còn ánh trăng mờ, không thấy, bây giờ đêm tối như bưng mới trông rõ những đốm sáng xanh lè ma mị. Tôi bảo với thằng Thương: “Ngủ đi, mai dậy sớm. Cuốc bộ cả ngày, tao mỏi rã rời chân tay…”. Kéo võng trùm đầu, tôi nằm im. Thằng Thương cũng thế. Không thể chợp mắt ngay được, tôi nằm nghe chuyển động của rừng ma. Từ rừng rậm phía xa vang vọng lại những thanh âm với nhiều cung bậc khác nhau của bao loài chim thú ăn đêm. Tiếng hú dài ghê rợn. Tiếng gõ nhịp “kon kon” trầm buồn. Tiếng khắc khoải của chim từ quy gọi bạn. Tiếng “trót trót… chon!” của loài vượn bạc má cứ thả vào không gian đầy ai oán… Rừng thưa hoang vắng cũng không hề tĩnh lặng. Chim cú kêu rời rạc. Chim đớp muỗi vỗ cánh bay phần phật khi gần khi xa. Và những cái sọ người tự lăn, những ống xương đùi gãy vỡ tự xê dịch cứ rột rẹt hoài. Rồi bước chân thú ăn cỏ gõ xuống nền đất thình thịch khi gần khi xa… Ở rừng ma chỉ còn có một mình tôi thức với bóng đêm, bởi thằng Thương nằm bên cạnh đã ngủ say. Đây là bãi hành quyết bao người vô tội dưới thời Kh’mer Đỏ. Mớ đầu lâu trắng ởn trước khi rửa nát là những cái đầu người bê bết máu me, mắt mở to ngơ ngác, không hiểu vì sao mình bị sát hại. Sự tưởng tượng làm tôi kinh hãi. Nhắm mắt lại, tôi cố dỗ dành giấc ngủ. Và rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay…
Bầy kên kên dễ đến cả trăm con tranh giành nhau đậu trên ngọn cây làm tôi và thằng Thương thức giấc. Một ngày mới lại bắt đầu. Sương giăng bảng lảng đã bị ánh nắng ban mai xua tan. Tôi và thằng Thương lồm cồm ngồi dậy thu dọn mọi thứ cho vào ba lô. Nhặt lượm mớ xương xẩu mà chiều tối hôm qua đã hốt lên bỏ xuống hố chôn tập thể nông choèn y nguyên như cũ, xong, tôi bảo với thằng Thương: “Đi thôi!”. “Anh Phiên ơi! Có con mang hay con hoẵng gì đó ở bụi cây kia kìa. Hình như nó bị thú ăn thịt vồ trọng thương…”. Hắn nói. Tôi nhìn bụi cây. Một con hoẵng bị gãy chân. “Đòm một phát, vác về C5 cải thiện bữa trưa đi anh!”. “Đừng! Nó là con mồi của bầy kên kên đang đậu trên cây. Không nên tước đoạt miếng ăn của chúng”. Rừng ma đã tràn ngập nắng. Tôi và thằng Thương khoác ba lô, quàng súng lên vai. Cả hai sải bước về Ốs Kariel.
NGUYỄN TAM MỸ