Đêm phương nam nằm nghe đất lở

Bút ký của TRUNG VIỆT 19/06/2017 09:15

1. Đúng 4h30 chiều, là đi từ Sài Gòn. Lái xe  nói chừng 9 giờ đêm là tới xã Mỹ Hội Đông huyện Chợ Mới (An Giang), ngay chỗ lở sông mấy chục cái nhà trong thoáng chốc lún mất giữa nước xoáy mà tivi mới vừa đưa rần rần. Tôi nhắc:  “Mi canh me, răng tới đó kiếm lẩu rắn nện một trận”. Thằng ngồi bên cạnh là dân Vĩnh Long cười to: “Khó à, mà kệ cứ coi, chứ lâu nay em chưa nhậu rắn”.

Nhiều ngôi nhà ở Mỹ Hội Đông (An Giang), chỉ còn cách miệng vực hơn 2m.
Nhiều ngôi nhà ở Mỹ Hội Đông (An Giang), chỉ còn cách miệng vực hơn 2m.

Lái xe e hèm: “Ghé nhà em ở Bình Chánh lấy rượu đã đi”. Vợ nó cũng là người cùng cơ quan, nghe chồng đi cùng tôi và thằng kia vốn được phong là “độc cô cầu bại” bia rượu, cười toe toét: “Cú này ba anh đi, nhứt định nát tan…”. Chuyện xoay quanh mồi nhậu. Chuột rắn ếch nhái. Càng ngày càng hiếm. Bữa về, ghé lại nhà ông già nó ở Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), cách chân cầu Hàm Luông một cây số, nó hỏi đại ca ưng nhậu chi? Mi kiếm con cá lóc nướng, hoặc cá chi cũng được, miễn là cá đồng. Tìm không ra đâu đại ca ơi, giờ chỉ có cá nuôi. Y rứa, mồi đem ra là con cá to đùng, nhưng thịt lạt nhách, lại chấm với nước mắm ngọt như chè, tôi ngao ngán.

Nhà bà Nguyễn Thị Phương (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre), bị triều cường đánh tan tành.
Nhà bà Nguyễn Thị Phương (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre), bị triều cường đánh tan tành.

Cạn kiệt hết rồi. Đó là nói mênh mông châu thổ sản vật sông nước đã dần biến mất bởi nhiều nguyên do. Bây giờ tiếp tục mất, là đất. Lở ầm ầm, người ta tính gần 900km ven biển đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm hiến cho thủy thần 500ha đất. Đêm đó tới khách sạn tại Chợ Mới, sát bên là quán nhậu. Cũng tôm cua cá mực như ngoài mình chứ không rắn chuột chi hết, lại hẹn qua Long Xuyên kiếm chuột làm mồi, chỉ có ông chủ quán là vui, kể chuyện lở đất như phim, cũng ngó thấy qua mạng thôi, nhưng bình một câu: “Ăn nó, nó ăn mình!”. Cay đắng. Sáng sớm, tới chỗ sông lở. Phải đi luồn trong xóm vì người ta canh hai đầu, mình thì làm biếng vô ủy ban xin phép trước. Tang thương. 16 ngôi nhà chìm mất. 92 căn còn lại, có nhà 4 tấm, vườn không nhà trống, bởi nó lở sát vách, không ai được bén mảng. Kẻ khóc, người rên. Họ túm tụm ở nhờ, ở đậu, chùa, trường học. Toàn những gia đình mấy đời sống yên, làm ăn khá giả, giờ chống mắt ngó sông, ngó nhà cái còn cái mất. Tôi ra đứng đó, trước mắt là sông Vàm Nao, lục bình lững lờ trôi, một thứ bình thản hiểm độc, bởi những dòng xoáy chết người đang cào nát ruột đất ven bờ. Sông này nằm ở thắt nút gặp nhau giữa sông Tiền và sông Hậu.
2. Ông Tô Văn Ngạc, nhà có hai cái, giờ thành kẻ “lưu vong”, nói: “Chưa từng thấy lở dữ  bao giờ, nay kinh quá, nó làm cái “hì”, vậy là đi sạch”. Hôm qua, bạn ở Chợ Mới kể, nơi xưa ở đây từng lưu truyền chuyện rằng, thuở ông Đạo Hòa Hảo còn sống, ông câu được một con chèo, loại thủy quái như cá sấu, cái cần câu giờ còn giữ ở chùa lớn. Một bữa nó sổng chuồng, ông hô đệ tử bắt, nhưng đúng giờ nước lớn tràn vô, nó phóng xuống lặn mất tiêu. Ông chua chát, rằng họa sẽ có từ đây, miệng con chèo ở ngay đoạn sông lở này, mình nó là cả huyện Chợ Mới, hễ nó ngáp hay rùng mình vặn thân, là lở trất máu hết. Ba mươi năm trước, ngay khúc Vàm Nao qua xã An Trung của Chợ Mới đã lở, có người chết…

Chị Nguyễn Thị Liễu ngồi như xác không hồn trong căn nhà vốn là tiệm nấu đồ ăn, giờ bỏ hoang, chị ra chợ thuê chỗ bán cháo lòng: “Phút chốc, giờ không có cục đất chọi chim, nhà đây mà không về được, làm ăn thì cà giựt, mẹ em buồn quá về Sa Đéc ở với chị rồi”. Tay trắng hết. Dân buôn bán mà vào tái định cư thì chỉ có húp nước lạnh. Chủ tịch xã Mỹ Hội Đông là ông Trần Thanh Phong nghe tôi nói là dân Quảng Nam, tôi lạ chi ba cái đồ lở đất trôi nhà do thủy điện chồng chất, ông chồm người tới: “Họ làm vậy, có đền không?”. “Vậy, anh coi báo nghe đài lâu nay, có nghe thủy điện nào đền không? Không có. Vậy giờ chỗ anh lở tè le hột me đó, một phần là do hút cát vô tội vạ, có chủ sà lan nào đền chưa?”. Ông lắc đầu, rồi bá vai, buồn lo lắm anh ơi, không biết bây giờ sinh kế của dân ra sao, cứ lở hoài, chắc chết.

Hôm sau tôi về  Đồng Tháp, chỗ xã Bình Thành huyện Thanh Bình, nơi quốc lộ 30 chạy lên biên giới, 230 hộ dân đang trong tình trạng cảnh báo phải ra đi, vì nó lở sát nhà rồi. Có điều, chẳng ai muốn đi. Dân sống cập sông làm giăng lưới, cập lộ  thì mua bán, giờ ra đi, sống bằng chi? Không ai trả lời họ. Họ nói: Cứ liều ở thôi, bao giờ đi thì đi, nhiều nhà ngủ không khóa cửa, phòng nó lở là tuôn chạy! Cái liều của họ chính là áo cơm. Có người cũng sợ, bán ghe, bán lưới mà đi, sợ bởi vì hết chỗ nứt rồi, nó rúc vô tới phòng ngủ. Ông Trần Văn Thum bán ghe, sau bao nhiêu năm chở thuê  dọc sông Tiền, giọng cay đắng: “Hết rồi, giờ chỉ còn cái nhà này làm 2011, cả đời  tôi ráng làm cái nhà cho con, bỏ nhà ra đi, lòng dạ tan nát, nhưng không đi thì chết”.

Giờ càng nhận ra cay đắng, rằng mất đất là hết. Mà mất đất là mất dân. Ở nước mình, có thói rất khốn nạn, là có chết người thì mới nhảy chồm chồm lên tính. Câu chuyện lở đất, mất nguồn thủy sinh, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, nói điếc  tai rồi, nhưng trong nam ngoài bắc làm ngơ, rồi nói rút kinh nghiệm. Tôi vào UBND xã Bình Thành huyện Thanh Bình, hỏi sao khu tái định quá chậm, xã cho hay là nguồn cát đang bị chính phủ ra lệnh siết. Thế nhưng mấy ngày sau báo đưa dân An Giang kéo ra sông Tiền chặn xáng cạp hút cát lậu, mà sà lan to bự chà bá chứ phải “một chiếc thuyền nan bé tẻo teo” đâu. Nó nhởn nhơ trước mắt chính quyền, sao không thấy, y như ở mình đào đãi vàng, hút trộm cát, phá rừng vậy?
3. Câu chuyện sinh kế của dân mất đất, dồn đuổi đến bật máu. Mà đâu phải không ai cảnh báo, nói từ hơn 10 năm trước, khi những kênh rạch, sông ngòi ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vang tiếng kêu cứu. Chính họ, những cư dân miệt đông miệt tây, đều cay đắng thừa nhận rằng, đã hết rồi những tự hào về miền Tây sông nước. Giờ mà về miền Tây, nghe câu hát “bên lở bên bồi”, xót xa bội phần. Chỉ có lở. Mất đất. Những dòng người ra đi, những bữa cơm bất định, những toan lo phập phù. Có nhiều người nói rằng, chắc phải lên Sài Gòn kiếm sống. Sài Gòn là cứu cánh, nhưng Sài Gòn giờ kinh hoàng lắm. Kẹt xe, khói bụi, thực phẩm độc, cướp giựt, giá cả đắt đỏ, bệnh tật… Nhưng còn chỗ nào nữa mà đi. Tôi ngồi cạnh xe nước mía của bà Tám Hương ở chợ Mỹ Hội Đông, nghe tiếng than, là cô sẽ đi lên đó làm mướn.

Tôi nhìn bà già đã qua 60 tuổi, một đời gắn liền với nghề làm lưới, giờ người ta thương tình bán rẻ lại cho xe này, nhưng mùa mưa đã đến sụt sùi, bán ế lắm, sao đủ nuôi hai đứa con ăn học. Ra đi... Ra đi... Tôi lội về vùng rừng ngập mặn ở xã Bảo Thạnh huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre  hạ nguồn sông Tiền, giữa nhầy nhụa bùn, những xác bần mắm ngổn ngang vì triều cường đánh bật gốc, cạnh đó là hai ngôi nhà kiên cố bị nện tan tành như pháo dội chỉ sau một đêm, không giấu được thê thiết trong lòng. Những dòng người ra đi từ xa xưa, gồng mình lên lấn biến, đắp lộ, vắt nước ra ruộng, lấy mắm bần đước mà giành chỗ ở với cá sấu, hùm beo, hình thành nên cả vùng phù sa màu mỡ, phóng khoáng, để bây giờ cháu con đang nơm nớp lo sợ, đắng cay nhìn từng thớ đất cha ông như máu thịt bị xẻ, rơi tõm xuống sông trong đêm vắng, giữa ngày nhộn mà bất lực. Khóc cũng không giải quyết được điều gì. Có một vở cải lương,  rằng sông lở cho người sợ, nhưng giờ có sợ cũng vô ích, vì đất lở hết rồi… Ra đi vì cơm áo. Những cô gái quờ quạng tìm tương lai xứ người, thương cha yếu mẹ già mà trôi nổi tấm thân. Những đứa trẻ thất học, vì cha mẹ phải xa xứ mưu sinh. Những cánh đồng đầy nước không người cấy cày. Bức tranh đó đã dựng lên lâu rồi, và sẽ còn treo mãi đó trong nỗi xót xa.

Đêm ngủ ở Bến Tre xào xạc dừa, cách đó không xa, vùng biển Mỏ Cày Bắc cũng đang báo động lở đất, lại nhớ rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An đã và đang bị tấn công, nghĩ chuyện Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng mà giải pháp cứu nó đang nằm đây đó. Cứu là phải cứu. Nhưng câu chuyện lớn hơn, là lở cát Cửa Đại phá nhà mất đất, ai dám nói nó sẽ không lấn dần lên phố, mò tới tận Chùa Cầu? Lúc đó, sẽ phải thốt lên rằng, sau này con cháu mình sẽ nói, chuyện rằng ngày xưa ở đây đẹp lắm, sầm uất lắm. Làm sao để ngăn nó lại. Hình như cái gì ở nước mình cũng thiếu tầm? Không đúng, thiếu tâm thôi, bởi cái chi cũng thấy trước, nhưng không chịu lắng nghe, như cảnh báo hậu quả của thủy điện tràn lan vùng thượng nguồn Thu Bồn. Trở mình trên võng, thằng bạn thấy vậy nói đại ca ơi nhậu tiếp đi, rồi mai tính. Rồi mai tính, mà tính chi đây?

Bút ký của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm phương nam nằm nghe đất lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO