Đêm Sài Gòn nhớ về... Sài Gòn

TRUNG VIỆT 27/12/2020 05:51

Xong việc, mọi người rủ ra góc đường Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực uống bia vỉa hè. Sài Gòn, muốn nhậu chỗ nào cũng có. Cơ quan tôi sát chợ Vườn Chuối (Quận 3), muốn tìm mồi nhậu, dễ òm. Có bữa tầm 10h đêm, hết mồi, Thư nói để đó em, mấy phút là xong. Nó đảo qua chợ, mang về ốc và lòng nướng. Mồi có sáng đêm, theo bạn tôi, là thập loại bá tánh nếu khuya đói thì tìm đến đây.

Vỉa hè Sài Gòn đêm dung chứa đủ kiểu mưu sinh.Ảnh: T.V
Vỉa hè Sài Gòn đêm dung chứa đủ kiểu mưu sinh.Ảnh: T.V

1.Tôi phát hiện rằng, muốn biết Sài Gòn đêm, hãy ra đường mà nhậu, khi thành phố này được biết là không ngủ. Từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải quận 3 hết dẹp vỉa hè rồi gây hiệu ứng domino, vỉa hè trả về lại cho chủ cũ. Tôi thấy xứ mình, quản trị đô thị như hài kịch, hễ có lễ lạc tết nhứt chi đó là tiền hô hậu ủng dẹp quang gánh, đuổi người bán người mua chạy như gà, xong rồi mọi thứ trở lại như xưa, những gương mặt nắng mưa gánh cuộc đời mình và bao người trên đó, lại tìm về kiếm tiền độ nhật. Giải bài toán lòng đường vỉa hè đi liền với mưu sinh ở những đô thị lớn tại Việt Nam, đố ai làm được, khi áo cơm của dân là vấn nạn với nhà đương chức.

Quán này ở Quận 1. Cũng mồi mè, bia bọt phong phú. Lề đường dành cho người đi bộ, không bị lấn vì ở đây bó vỉa rất rộng. Vừa ngồi xuống, tôi nhìn thấy hai người đàn ông lớn tuổi vác theo cây ghi ta đi ngang qua và dừng lại, ngó nghiêng. Lát sau, có hai thanh niên nữa, vác theo một cây nữa. Họ đi quanh các bàn, im lặng. Không xin, không nói. Hóa ra, ai muốn hát, họ đàn; ai muốn họ hát, thì cứ lên tiếng. Bàn tôi, toàn dân miền Trung, hoặc nửa Trung nửa Nam, không... kị rơ, nên thằng Tùng vốn là dân Câu Lâu (Duy Xuyên) lên tiếng: “Hỏi họ biết “Đêm nhớ về Sài Gòn” không?”. Một ông già được mời đến. Ông từ tốn: “Xin lỗi anh chị, tôi không biết bài đó, mong thông cảm”. Tôi đọc trong mắt ông chút nuối tiếc, bởi sẽ không được tiền. “Anh chị có ai hát không?”. Lại lắc đầu. Tùng kêu người thanh niên: “Anh biết không?”. Người này lúc nãy giờ đứng nghe ngóng, bèn gật cái rụp. “Tối nay giọng em hơi rè, mong thông cảm”. Anh cất tiếng...

Những người đàn ông chơi cờ giữa phố khuya. Ảnh: T.V
Những người đàn ông chơi cờ giữa phố khuya. Ảnh: T.V

2. Trước mặt tôi là mặt sau của Tòa án nhân dân thành phố. Người Pháp gọi đây là “Dinh Pháp lý” (Palais de Justice), nơi xử án và thể hiện pháp quyền theo phương châm Tự do - Bình đẳng - Bác ái của Cách mạng Pháp 1789. Đây chỉ là 1 trong 4 dinh thự nằm trong “Tứ giác vàng” của Sài Gòn xưa gồm Dinh Thượng Thơ, Dinh Xã Tây - Tòa Thị chính Sài Gòn, Bảo tàng thành phố và Tòa án thành phố, tất cả án ngự trên diện tích 13ha quanh các đường Nguyễn Du – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực. Những biệt thự, công sở lộng lẫy, uy nghi và rực rỡ có từ thời Pháp, mang đậm ký ức Sài Gòn…

“Đêm nhớ về Sài Gòn” là bài hát nổi tiếng của Trầm Tử Thiêng, một nhạc sĩ tài danh dân Quảng Nam… Tôi ngó đám bạn, chúng im lặng. Toàn người trẻ cả. Họ rời quê vào đây mưu sinh và có lẽ đời họ đóng đinh tha hương xứ này. Nhưng họ vẫn quay quắt nhớ Sài Gòn. Bài hát quá hay đã đành, nhưng sao họ lại nhớ? Cuộc sống, suy cho cùng là ước mơ, khi đủ đầy vẫn cố tìm những mảnh vỡ trong chính mình dù có khi chẳng phải. Đó không hẳn là tham lam, nhưng một khi đã nhớ chỗ ngồi ta đang ngồi, nghĩa là những đứt đoạn mất mát đã lên ngôi, bao năm trốn biệt, giờ mới ló mặt. Âm nhạc sẽ vỗ về cơn đau, lấp kín những mảnh hở, tưới tắm khô cằn.

Một đứa trả tiền cho người thanh niên. Im lặng kéo dài. “Tết ni tụi bây về không?”. Tôi hỏi rồi nhìn Tân. Nó lắc đầu: “Chưa biết anh, năm ni về mấy lần rồi, cứ mưa lụt là… cháy túi”. Những tiếng cười nghe có kim chích. Những ngày bão lụt tơi bời, bao đứa con xa ruột như lửa đốt ngóng về đất mẹ, mới thấy chốn sinh ra dẫu chỉ là cục đất trong lời kể, cũng thành đá gan gà nung chín tâm can.

Một thanh niên mặc đồ đen, trên áo có nhiều vạch trắng, vàng, đội mũ như kiểu bá tước thời nước Anh xưa, đến gập người chào. Chẳng ai nói năng chi, họ đi. Tùng nói đó là  người làm nghề ảo thuật, đi sau lưng anh ta là đứa trẻ đen nhẻm tay cầm hai cây như tre, đầu quấn giẻ và đốt lửa, tung quay. Vé số, đậu phụng, xoài non, thuốc lá, lần lượt rảo qua. Toàn giọng miền Trung và miền Tây. Bàn bên kia, tiếng ai đó cất lên: “Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa mịt mờ, đường phố cũ…”. Tôi buột miệng: “Đúng là không thiếu thứ chi…”. Lại chỉ là im lặng.

3. Quận 1 là trung tâm. Dân Sài Gòn chính hiệu, nếu ở quận khác, khi tới quận 1 có việc, đều nói là lên Sài Gòn. Đó là nơi đô hội rực rỡ, là chốn về của bao ước mơ, là đổ vỡ và hy vọng chen chân, là ganh tỵ và thèm muốn. Di sản kiến trúc đỉnh cao, chỉ còn sót lại chủ yếu ở đây, in dấu một thời vàng son của hòn ngọc Viễn Đông xưa. Một lần tôi vào Dinh Thượng Thư khi đang ồn ào việc giữ hay phá, nhìn cánh cổng sắt làm thời Pháp với những đường nét tinh xảo, còn nguyên. Chạm tay vào đó, nỗi sợ mất mát ùn về, may mà sau đó, trước áp lực dữ dội của dư luận, chính quyền đành xếp hạng bảo tồn cho nó, một việc mà lẽ ra, chỉ cần nghe là gật liền. Giữ đâu có khó. Có tình yêu với văn hóa và sự trân trọng máu thịt nó hay không thôi, chẳng cần phải họp hành bàn bạc tốn tiền bạc, thời gian.

Nghĩ vậy, nên ngó lại đám bạn và những người sống bằng nghề đứng chầu ở bàn nhậu để mưu sinh, nghĩ tới những chân trời không đổ vỡ. Tuổi trẻ và vỉa hè. Có tuổi trẻ nào “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” mà không lấy vỉa hè để làm điểm tựa khai quật chính mình và tha nhân, kiếm tìm ở vỉa hè những câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời, thế sự. Sống bám lấy vỉa hè, sẽ thấy hết hỉ nộ ái ố ở ly bia mà người ngồi uống trong một phút lơ đễnh, sẽ lộ hết mình, từ đó sẽ quán chiếu được họ như một góc vỉa hè ở đời sống.

Bỗng chốc ao ước được ngồi đóng đinh ở đây, nhìn thiên hạ diễu qua. Dinh thự lộng lẫy, một tấc đất vỉa hè cũng dát vàng, nhưng nếu bên kia là cửa kính sáng choang, thơm phức áo xống dập dìu giới thượng lưu ra vào những nhà  hàng, cửa hiệu  ở đường Đồng Khởi mà người ít tiền hoặc yếu vía đố dám vào; thì bên này, dân nhậu ba miền cứ tưng bừng vào hội, thoải mái, tự do mà lịch sự, từ tốn gật gù cùng những phận người chờ đêm xuống là kiếm từng đồng để mưu sinh. Mảng miếng đó tưởng chừng đối lập nhau, nhưng diệu kỳ quyện vào nhau, lung linh đến lạ. Thứ chi cũng chịu hết, chơi hết, chấp nhận hết, đó là Sài Gòn.

Mưa bão, nắng hạn quần đảo miền Trung, miền Tây. Giọng người vùng đó có khắp nơi tại Sài Gòn, nhiều khi đi đường, nghe í ới kêu nhau, mà nghĩ đến những chia lìa trong nước mắt. Mùa màng thất bát, nhà cửa tan nát, muốn không chết đói, túng quẫn thì phải ra đi. Đi đâu? Sài Gòn, Bình Dương, Tây Nguyên, Đồng Nai... Hiếm ai đi ngược ra Bắc. Sài Gòn là đất hứa để cuối năm gói ghém mấy đồng bạc về lo cái tết, quyển vở, tấm áo cho gia đình. Áp lực ngày càng nặng ở người vùng gian khó, tỷ lệ thuận với người vỉa hè, chạy xe ôm, bốc vác, làm mướn ở Sài Gòn. Ly rượu trên tay bỗng nặng trịch. Ánh đèn vàng  góc vườn tòa án tạt xuống mảng tường vàng rồi dội ngược ra đường, tạo thành quầng sáng nhờ nhờ như đèn sắp hết dầu. Đứng lên và đi. Tiếng ghi ta não nùng “… đêm đêm mộng thấy đường đi đường về” như rớt theo chân. Đường không bao giờ vắng người. Ai mộng cứ mộng, ai tỉnh cứ tỉnh. Hình như phải chờ đến hàng trăm năm, một không gian văn hóa mà ở đó, hễ lọt vào là bị phân thân cảm xúc, mới được thiết lập. Một khi có được điều đó, thì không gian đó như trời định, đố ai phá được.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm Sài Gòn nhớ về... Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO