Đêm trước của Cách mạng Tháng Tám

TRẦN ĐĂNG 01/09/2018 03:05

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ - địa danh của một huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 11.3.1945 đã mở ra thời cơ mới cho cách mạng ở khu vực Trung Trung Bộ: tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám trong cả nước. Có thể nói, khởi nghĩa Ba Tơ và việc ra đời của Đội du kích - lực lượng vũ trang đầu tiên của Khu 5 như “đêm trước” của cuộc cách mạng “long trời lở đất” này.

Bảo tàng Ba Tơ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bảo tàng Ba Tơ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Ở “căng an trí”

Từ ngã tư Thạch Trụ, nơi QL 24 tiếp giáp với QL 1 thuộc huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) ngược về hướng tây chừng 30km là gặp thị trấn Ba Tơ. Ngày nay, ô tô chạy chưa đầy 30 phút là tới nơi, nhưng lúc Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), một liên lạc viên của Việt Minh phải chạy bộ gần như suốt đêm từ đồng bằng lên thị trấn này để trao “mật lệnh” từ Trung ương kèm với câu được xem như “thần chú” ngày ấy: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nói vậy để thấy Ba Tơ lúc bấy giờ xa xôi và hiểm trở đến nhường nào!

Thực dân Pháp đã biến nơi rừng thiêng nước độc này làm chỗ “an trí” cho những người tù cộng sản với mong muốn sự khắc nghiệt của vùng đất sẽ tiêu diệt ý chí phản kháng của họ. Nhưng chính nơi đây, chỉ sau 4 năm kể từ khi xuất hiện cụm từ “căng an trí” (1941), những người cộng sản đã làm nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập ngay Đội du kích Ba Tơ - lực lượng vũ trang đầu tiên của Khu 5.

Ở Ba Tơ thời ấy có khu đồn trú do một tên quan tư người Pháp chỉ huy. Tên quan tư đã dành cho những người tù cộng sản tại căng an trí này cơ chế tự làm tự nuôi, với điều kiện mỗi ngày hai lần phải lên đồn để điểm danh. Chính cái cơ chế tương đối “thoáng” như vậy nên Chi bộ Đảng, sau đó là Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập ngay tại “căng an trí” mà thực dân Pháp hoàn toàn không hay biết.

Người Hre ở Ba Tơ dệt thổ cẩm.
Người Hre ở Ba Tơ dệt thổ cẩm.

Từ một hiểm ý là mượn chốn rừng thiêng nước độc để giết dần giết mòn mấy ông cộng sản “đầu sỏ”, thực dân Pháp đã vô tình biến nơi đây thành chỗ “hội quân”, tập hợp toàn những bộ óc thông thái, từng vào sinh ra tử, được tôi luyện trong các nhà tù đế quốc trước đó. Họ đã bàn mưu tính kế cho đại cuộc ngoài những dự lường của chính quyền thực dân ở huyện lỵ này. Có thể kể ra đây một số tù nhân sau này trở thành những vị tướng thao lược của quân đội nhân dân Việt Nam: Thượng tướng Trần Nam Trung - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Trung tướng Trần Quý Hai - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Đôn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phạm Kiệt - người đã ủng hộ tướng Giáp “kéo pháo ra” trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Thiếu tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Quân khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, người đã góp công to lớn trong việc chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ qua chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1953 - 1954…

Cuộc khởi nghĩa và Đội du kích

Đêm mùng 9.3.1945, Nhật hất cẳng Pháp. Mật lệnh “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” lập tức được những người tù ở Ba Tơ biến thành hành động. Chi bộ Đảng tại đây đã có cuộc họp bất thường để cử ra một ủy ban khởi nghĩa và vạch chương trình hành động. Ngay trong chiều 11.3, những người tù đã tổ chức cuộc mít tinh lớn sau đó là chiếm đồn Ba Tơ. Quân khởi nghĩa đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Để bảo vệ thành quả này, Đội du kích Ba Tơ ra đời với “gia tài” gồm 24 khẩu súng cũ kỹ và 28 đội viên cùng lời thề sắt đá “Quyết hy sinh vì Tổ quốc”.

Trung tướng Nguyễn Đôn - một trong 3 thủ lĩnh của Đội du kích Ba Tơ.  Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Trung tướng Nguyễn Đôn - một trong 3 thủ lĩnh của Đội du kích Ba Tơ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa, tôi có dịp tiếp xúc với Trung tướng Nguyễn Đôn - một trong 3 vị chỉ huy cuộc khởi nghĩa, ngay tại thị trấn Ba Tơ. Tôi hỏi ông: “Cuộc khởi nghĩa nổ ra trong bối cảnh Nhật đã đầu hàng quân đồng minh còn Pháp thì bị Nhật “hất cẳng”, điều đó có làm giảm đi vai trò của những người cộng sản trong việc cướp chính quyền từ tay người Pháp không?”. Tướng Đôn thừa nhận rằng chính quyền của Pháp bấy giờ gần như rệu rã, song nếu chúng ta không nhanh chóng chớp thời cơ lúc ấy thì rất khó khăn cho cách mạng một khi chúng củng cố lực lượng trở lại. Đặc biệt, từ cuộc khởi nghĩa này, chúng ta đã thành lập ngay Đội du kích để rồi nhân rộng ra thành một lực lượng quân đội tỏa khắp cả đồng bằng lẫn miền núi để tiến tới khởi nghĩa trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đó là chưa nói đến việc, đội quân du kích với 28 thành viên ban đầu ấy trở thành những chỉ huy nòng cốt ở khắp các mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm sau đó.

Những vị tướng thao lược

Đội du kích Ba Tơ với 28 thành viên ban đầu ấy đã cung cấp cho quân đội những vị tướng thao lược sau này. Người đầu tiên phải kể đến là tướng Nguyễn Chánh. Ông sinh năm 1914 tại xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông không nằm trong 3 vị lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ lúc mới thành lập, song lại là người chỉ huy đội quân này cho đến ngày khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh Quảng Ngãi. Vừa thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ, Nguyễn Chánh về Quảng Ngãi và lên ngay Ba Tơ để chỉ huy đội du kích. Chính ông là người chủ trương đưa quân về xuôi, phát triển nhanh lực lượng vũ trang ở đồng bằng chứ không nên “lập chiến khu và thúc thủ ở vùng rừng” như một số ý kiến lúc bấy giờ. Chính chủ trương này mà lực lượng vũ trang có điều kiện lớn mạnh nhanh chóng, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám sau đó. Ông cũng là người trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm với tư cách Tư lệnh Quân khu 5. Đánh đồn Măng Đen - cứ điểm kiên cố ở bắc Tây Nguyên cùng với việc đánh bại “chiến dịch At-lăng” của quân đội Pháp ở vùng tự do Khu 5 mang dấu ấn rất lớn của tướng Nguyễn Chánh. Rất tiếc là ông mất quá sớm (1957) khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải thốt lên: “Quân đội mất đi một vị tướng tài giỏi, tôi mất đi một người bạn lớn”.

Người thứ 2 là Phạm Kiệt. Ông Kiệt là anh vợ của tướng Chánh, cùng quê Sơn Tịnh. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng trong chiến dịch Điện Biên, tướng Giáp tìm một “đồng minh” ủng hộ mình trong việc “kéo pháo ra” vô cùng khó khăn thì Phạm Kiệt là người trong bộ chỉ huy chiến dịch ủng hộ chủ trương này. Chính việc ủng hộ “kéo pháo ra” ấy đã quyết định rất lớn cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên. Trong hồi ký của mình, tướng Giáp đã dành cho Phạm Kiệt những lời lẽ cung kính được bắt nguồn từ sự “đồng lòng” này.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi có trên 10 vị tướng, trừ Thượng tướng Trần Văn Trà, quê huyện Sơn Tịnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định năm 1975, đa số các tướng còn lại đều là những thành viên đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ. Nói vậy để thấy rằng, Đội du kích Ba Tơ đã trở thành nơi đào tạo và rèn luyện để cung cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam những vị chỉ huy tài năng, góp phần to lớn vào thắng lợi của các cuộc chiến tranh vệ quốc.

“Căng an trí” bây giờ

Từ ngày QL24 được nâng cấp và mở rộng (1994), các tỉnh Tây Nguyên không còn xa xôi cách trở đối với đồng bằng như thuở những người tù cộng sản đi “an trí” tại Ba Tơ năm xưa nữa. Những cánh rừng keo trải dài không dứt từ đèo Đá Chát lên tận Violac - ranh giới giữa Ba Tơ với tỉnh Kon Tum. Chưa có huyện miền núi nào mà mức độ phủ xanh đất trống đồi trọc chiếm tỷ lệ cao như Ba Tơ. Người dân đã trả lại màu xanh cho những cánh rừng một thời “xuống tóc” vì chất độc khai quang và nạn đốt nương làm rẫy. Đây cũng là huyện vùng cao mà người dân tộc thiểu số Hre chiếm số đông đã biết vận dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Ba Tơ cũng là huyện vùng cao duy nhất ở Quảng Ngãi được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2005).

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đêm trước của Cách mạng Tháng Tám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO