Đem xưởng về nhà

CHÂU NỮ 13/02/2018 16:03

Tết dường như ấm áp, và trở nên tươm tất hơn nhờ những đôi bàn tay tảo tần, chịu thương chịu khó, tranh thủ làm “công nhân” ngay tại nhà mình trong những lúc nông nhàn...

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, các em nhỏ ở làng biển Bình Minh - Thăng Bình nhận giày về may gia công.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, các em nhỏ ở làng biển Bình Minh - Thăng Bình nhận giày về may gia công.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thường thì từ 7 giờ sáng, cơ sở đan mây tre Hồng Anh của chị Trần Thị Hồng Anh ở thôn An Thái, xã Bình An, huyện Thăng Bình đã trở nên rộn rã, nhộn nhịp. Nào là người đến giao hàng, rồi nhận hàng về nhà làm; nào là người ngồi đan ghế mây tại xưởng; cạnh đó là người làm khung mành mây.

Mười bốn năm trước, cơ sở đan mây tre Hồng Anh nhộn nhịp lắm, có tới 80 người, “giờ thì đỡ nhiều rồi”, chỉ còn vài chục người. Là mấy “công nhân” lớn tuổi nói vậy. “Ít người làm hơn là bởi mấy đứa trẻ trẻ vô nhà máy ở Tam Kỳ làm công nhân, còn mình có tuổi, không biết xin việc ở đâu, nên nhận hàng về nhà làm” - bà Nguyễn Thị Tuyết (60 tuổi) vừa giao mấy chiếc ghế mây mới đan vừa vui vẻ trò chuyện. Làm “công nhân” ở nhà cũng lắm chuyện vui. Có người  miệng ầu ơ ru cháu, tay đan thoăn thoắt. Có gia đình chỉ mỗi một người học nghề, rồi về hướng dẫn cho cả nhà cùng làm. Nên có gia đình, mở “xưởng” sản xuất tại nhà và cả nhà đều làm “công nhân” lúc nông nhàn. Mỗi khi có mẫu hàng mới về, tất thảy tập trung ở nhà chị Trần Thị Hồng Anh để học. Sau khi thành thục, họ nhận hàng về nhà làm. Chị Nguyễn Thị Thủy là người trẻ nhất trong số những “công nhân” của chị Trần Thị Hồng Anh, năm nay cũng đã 41 tuổi và gắn bó với nghề đan mây tre được hơn 10 năm. Chị Thủy bị câm điếc bẩm sinh nhưng học nghề rất nhanh và sản phẩm do chị làm ra thì đẹp khó ai sánh bằng. Vào mùa vụ, có khi chị Thủy ra đồng cả ngày, chỉ tranh thủ đan vào sáng sớm hoặc tối. Thu nhập từ nghề đan mây tre không nhiều, khoảng 2 triệu đồng mỗi người một tháng nhưng chừng đó cũng đủ để niềm vui trong mỗi gia đình đầy lên. “Chớ làm nông, những khi rảnh rỗi thì biết làm cái chi để có thêm chừng nớ tiền” - lời bà Sáu (63 tuổi), người hơn 10 năm đan mây tre ở cơ sở của chị Hồng Anh.

“Công nhân” đan mây tre  cho cơ sở Hồng Anh (Thăng Bình).  Ảnh: C.N
“Công nhân” đan mây tre cho cơ sở Hồng Anh (Thăng Bình). Ảnh: C.N

Trong khi “công nhân” cơ sở đan mây tre của chị Hồng Anh chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi thì “công nhân” ở cơ sở may gia công của anh Trương Văn Thọ ở thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn hầu hết là phụ nữ trẻ, vừa có gia đình và có con nhỏ. Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, anh Trương Văn Thọ nhận may gia công áo quần cho một tổ hợp ở TP.Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với chừng ấy năm, cơ sở anh giải quyết việc làm cho một số phụ nữ tại địa phương. Chị Lê Thị Bích Hường từng làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh, đến khi lập gia đình, có 2 con nhỏ, chồng bị bệnh nên chị về quê, vừa làm ruộng, chăn nuôi và tranh thủ may gia công. Vài ba triệu thu nhập thêm từ may gia công mỗi tháng đã giúp gia đình chị Hường rất nhiều trong những lúc khó khăn.

Trong khi đó, đan lưới nuôi trai lấy ngọc dưới hình thức gia công tại nhà cũng được nhiều người lựa chọn. Bởi đây là công việc nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được sau khi học nghề chừng một tuần lại không tốn tiền đầu tư trang thiết bị. Ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc..., nhiều hộ nhận đan lưới cho Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu Sadavi (Đà Nẵng), Công ty Sasaki Shoko (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc)... Cũng như hàng trăm người dân ở xã Đại Hòa (Đại Lộc), chị Võ Thị Tám (thôn Bộ Nam) nhận gia công lưới cho Công ty Sadavi gần 20 năm nay vào những lúc nông nhàn. Mỗi ngày chị kiếm thêm được khoảng 100 nghìn đồng. “Nhờ vậy mà mình sắm sửa được cái này cái kia, lo tiền học rồi chữa bệnh cho con...”.

Khó có thể thống kê hết ở Quảng Nam có bao nhiêu gia đình, cơ sở nhận gia công cho các công ty, xí nghiệp. Chỉ biết, những cơ sở này đã tạo việc làm cho nhiều người, trong đó có những người có thể gọi là yếu thế trong xã hội: Là những bà mẹ có con nhỏ, không thể làm cả ngày ở nhà máy; là những người có tuổi, cũng khó xin được việc làm; là những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật... Làm “công nhân” ngay tại nhà theo kiểu một “chân” ruộng, một “chân” nhà máy như thế này xem ra khá tiện lợi đối với bao nhiêu người và cũng tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho rất nhiều gia đình!

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đem xưởng về nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO