Đèn gió giữa biển khơi

LÊ VĂN CHƯƠNG 05/08/2017 09:02

Trong quá khứ, ngư dân Quảng Nam khi ra khơi làm nghề lưới chuồn hoặc câu mực thì thuyền nào cũng phải mang theo những chiếc đèn gió để soi sáng trên biển. Đèn gió được thắp bằng dầu, cắm sau lái thuyền, ánh lửa đỏ quạch và un khói đen sì. Trên biển đêm, đèn gió giống như ánh mắt của người dân chài thao thức chờ giây phút hò dô kéo lưới.

Ngư dân Quảng Nam kéo lưới vây rút trên biển đêm. Ảnh: L.V.C
Ngư dân Quảng Nam kéo lưới vây rút trên biển đêm. Ảnh: L.V.C

Trong ngôi nhà ở làng chài xã Tam Giang huyện Núi Thành, lão ngư dân Lương Văn Tiền (SN 1949) ngồi ngắm bầu trời xanh qua ô cửa. Nhắc đến chuyện đèn gió, mắt ông Tiền chợt hiện ra cái nhìn xa xăm theo dòng ký ức. Ông Tiền là ngư dân mấy chục năm lăn lộn trên biển theo nghề lưới chuồn và câu mực xà. Mấy chục năm trước, nhắc đến thuyền trưởng Tiền thì ở xã Tam Giang ai cũng kiêng nể vì kinh nghiệm đi biển, đánh bắt xa bờ rất thành công.

Như cuốn phim quay chậm, ông Tiền kể, thời trước bà con ngư dân sử dụng đèn thắp bằng dầu hỏa để tạo nguồn sáng trên thuyền. Ngư dân gọi là đèn gió, vì đèn không có bóng che, ánh lửa luôn chao đảo với gió biển. Lúc gió nhẹ thì ngọn lửa chông chênh khi ngư dân cởi trần kéo lưới. Lúc trời gió mạnh và mưa đổ thì ngọn lửa vít xuống, ngả nghiêng soi bóng các ngư dân trên con thuyền chòng chành, nước bắn tung lên khoang và ánh lửa có lúc mờ, lúc tỏ dưới ánh chớp và tiếng sấm rền vang trên mặt biển tím sẫm.

Ngư dân Lương Văn Tiền với ký ức đèn gió.
Ngư dân Lương Văn Tiền với ký ức đèn gió.

Đèn gió bây giờ chỉ còn nghe qua lời kể, không còn chiếc nào để chụp ảnh đăng báo. Theo các ngư dân, chiếc đèn này trông giống như chiếc bình tưới cây nhưng nhỏ hơn. Bụng bình chứa được khoảng 2 lít dầu. Ngư dân lấy bấc của bếp dầu đan thành một chiếc tim để nhét vào miệng bình làm bấc đèn. Để đèn khỏi tắt thì tim đèn gió phải to gần bằng cổ tay.

Đèn gió được ngư dân Quảng Nam sử dụng từ những năm sau giải phóng trên thuyền làm nghề đánh lưới chuồn. Đèn gió thay cho đèn tín hiệu và treo gần lái để tàu bè hành trình trên biển nhìn thấy, tránh khỏi va chạm. Từ năm 1990 đến năm 1995, đèn gió được gắn trên tàu và các thúng câu mực. Sau này thì ngư dân chuyển qua sử dụng bóng điện nhỏ gắn vào bình ắc quy 12 vôn rồi tiếp đến mấy năm nữa thì tàu cá mới chính thức gắn máy phát điện.

Lão ngư Lương Văn Tiền cho biết, mỗi đêm xuống thúng đi câu, ngư dân mang theo chiếc đèn chứa đầy dầu và còn mang theo một chiếc can nhỏ đựng khoảng nửa lít dầu để dự phòng. Hàng đêm ngồi trên thuyền mẹ, ông Tiền liên tục quan sát mặt biển để chăm sóc những chiếc thúng như bầy con. Nếu thúng bị tắt đèn gió thì phải nổ máy cho tàu chạy bổ đi tìm. Vì giữa đêm đen, đèn gió tắt quá lâu thì có thể trên thúng đó gặp chuyện chẳng lành, có thể thúng bị xiêu đi quá xa, ngư dân bị lật thúng hoặc ngủ quên.

Biển cả rất hiếm khi lặng gió, hết gió bấc lại đến mùa gió nồm, gió nam thổi xao xác. Đèn gió trên biển vì vậy ít khi nào đứng lặng im như tờ như đèn dầu trong đất liền. Ngư dân cứ nhìn vào ánh lửa ngả nghiêng trên ngọn đèn gió mà dự đoán, biển đang chuyển mùa, trời sắp có dông, áp thấp nhiệt đới đang hình thành hay biển sắp nổi cơn thịnh nộ của bão... Nhiều người trong đất liền lầm tưởng rằng, bão sắp tới thì biển nổi cơn thịnh nộ, nhưng thực tế thì ngược lại. Ông Tiền cho biết, cái thời mà thiết bị dự báo thời tiết còn hạn chế, các ngư dân ngắm ngọn đèn gió để đoán chuyện dữ trên biển. Đó là khi nào trời lặng như tấm gương, cảm giác nóng nực như dưới ánh mặt trời, soi đèn xuống nước mà thấy có bọt ùng ục như nước nổ, cá heo xuất hiện thật nhiều, đó là lúc sắp gặp nguy hiểm, biển đổ bão lớn. Phương án tốt nhất là cho thuyền chạy ngược vào bờ.

Thời còn sử dụng đèn gió, thuyền ngư dân lắp máy nhỏ và lúc đánh lưới thì cho máy nổ chậm tiết kiệm dầu. Ban đầu là máy Yanmar 5 phát ra tiếng nổ ngắt quãng, sau đó là máy Efi 10 xì dầu mỡ đen sì, có ngư dân sử dụng máy Kobuta có nhịp nổ cũng giật cục. Trên thuyền lúc đó chỉ có chiếc la bàn US nhỏ xíu bằng bàn tay. Những đêm trời thổi gió xào xạc, ông thuyền trưởng lấy chiếc la bàn gí sát vào đèn gió để xem phương hướng. Khi bình minh lên của một ngày mới, mặt ông thuyền trưởng dính đầy bồ hóng như diễn viên tuồng chèo vẽ mặt để hóa thân vào vai diễn trên sân khấu. Còn trên tấm lưng trần của các ngư dân là những vết đen của khói đèn gió cả đêm un trên thuyền, thúng.

Cuộc đời ngư dân gắn vui buồn với ngọn đèn gió. Nhiều ngư dân ở xã Tam Quang kể lại, mỗi khi có thuyền nhỏ bị chết máy hoặc thúng câu bị xiêu theo gió và lạc thuyền mẹ, các ngư dân trên thuyền nổ máy chạy khắp nơi để tìm. Trong đêm đen, ngư dân căng mắt ra quan sát khắp mặt biển để hy vọng tìm thấy ánh lửa đỏ lập lòe. Có khi ngư dân chỉ nhìn thoáng thấy ánh lửa đó trên mặt biển nên chỉ tay về phía đó la to. Nhưng ánh lửa đó vụt biến đi như một bóng ma. Sau này ngư dân mới nghiệm ra, vì quá mong mỏi tìm người thân trên biển, nên ngọn đèn gió hiện ra trong tâm trí như ảo ảnh, còn ngọn đèn thật thì nằm ở phương xa xôi khác... Thế đấy, dù lúc bình yên hay hoạn nạn, ngọn đèn gió vẫn cháy trong tâm trí của các ngư dân bám biển một thời...

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đèn gió giữa biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO