Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đã thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước.
Lãnh đạo huyện tặng quà cho gia đình có công cách mạng tại xã Dang (Tây Giang). Ảnh: Đ.HIỆP |
Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ
Theo số liệu từ Phòng LĐ-TB&XH Tây Giang, đến nay toàn huyện đã xét và đề nghị Nhà nước công nhận phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho 9/10 xã, 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 Anh hùng LLVTND (trong đó, có 7 đã mất). Ông Bríu Quân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, để thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng, trước tiên công tác xác nhận, lập thủ tục thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cán bộ phòng luôn thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ quan tâm, giúp đỡ những người tham gia kháng chiến mà con em họ cũng được quan tâm từ việc học hành rồi tạo điều kiện để các em có việc làm ổn định. Hàng năm các ngành chức năng huyện phối hợp với các xã xác lập hồ sơ ưu đãi hơn 1.500 lượt học sinh, sinh viên (con của người có công) đang theo học từ cấp mầm non đến đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Hiện nay, mọi chế độ liên quan đến gia đình chính sách, người có công chúng tôi đều triển khai kịp thời, hạn chế sai sót, thiếu sót, đúng người, đúng đối tượng.
Cũng cần nói thêm, 3 đồn biên phòng (A Nông, A Xan, Ga Ry) đứng chân trên địa bàn và Công an huyện đã nhận phụng dưỡng suốt đời gia đình 2 Anh hùng LLVTND là Cơlâu Nâm và Arất Blư. Dù là huyện nghèo nhưng Tây Giang nhận phụng dưỡng suốt đời 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Điện Nam Trung (Điện Bàn) với mức phụng dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng/mẹ. Hằng tháng, cơ quan, đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi các mẹ ốm đau. Già làng Arất Blư - một trong 2 Anh hùng LLVTND còn sống, bày tỏ niềm vui khi được khen thưởng, được hưởng các chế độ chính sách đãi ngộ, được đi nghỉ dưỡng, chăm sóc... “Bây giờ mình thấy sướng vì có được đồng lương trang trải cuộc sống. Cháu mình được đi học có chế độ hỗ trợ, rồi được Nhà nước cho tiền xây nhà mới...” - già làng Arất Blư nói. Trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Tây Giang có nhiều cơ quan, ban ngành của huyện và 10 xã đã xây dựng phong trào “tặng sổ tiết kiệm” cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, đã trao tặng 50 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho những gia đình chính sách tiêu biểu với tổng số tiền 50 triệu đồng. Đặc biệt, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực đóng góp của xã hội được hơn 30 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa được hơn 1.000 ngôi nhà cho người có công, gia đình chính sách giúp họ ổn định cuộc sống.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Mười lăm năm qua, huyện Tây Giang đã phát động cán bộ và nhân dân tìm kiếm mộ liệt sĩ, đến nay, đã tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hiên (nay huyện Đông Giang) 789 mộ liệt sĩ, tạo điều kiện cho thân nhân đưa 38 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang gia tộc. Thượng tá Võ Bá Lộc - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện cho biết, hiện công tác tiềm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vẫn được đơn vị triển khai. Trong đó, tập trung khu vực địa đạo Axoò, đường Hồ Chí Minh (cũ) và một số vùng chiến sự trọng yếu ở miền tây Quảng Nam. Ngoài ra, đơn vị còn tiến hành công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Đồn T’râm (xã A xan)... Dù công tác này gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn quyết tâm làm, đó cũng là cách tri ân với người đã khuất. Đặc biệt, Huyện đoàn Tây Giang luôn coi trọng công tác giáo dục thanh thiếu niên nêu cao tinh thần tự hào truyền thống kiên cường bất khuất của quê hương và tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Anh Cơ Lâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho biết: “Những năm qua, huyện đoàn đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên “thắp nến tri ân” tại Tượng đài Axòo, Tượng đài Chiến thắng vào các dịp lễ tết, ngày thương binh liệt sĩ... Hàng năm, các chi đoàn trực thuộc và xã đoàn tổ chức quyên góp hỗ trợ các gia đình chính sách khó khăn, giúp các gia đình thương binh, bệnh binh di dời nhà cửa về khu tái định cư, giúp khai hoang lúa nước, xóa đói giảm nghèo...
Điều đáng quý là các anh hùng LLVTND, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công ở Tây Giang luôn phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, đi đầu gương mẫu trong lao động sản xuất, giúp bà con trong cộng đồng vươn lên, vượt khó. Tiêu biểu như Arất Blư, Alăng Đàn, Bhling Đoóp, Cơlâu Pia, Blúp Bê, Pơloong Croóh... Họ không chỉ là tấm gương sáng về lòng dũng cảm sự hy sinh cao cả cho độc lập dân tộc mà còn là những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi. Chính họ là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả nhiều cuộc vận động tại địa phương như xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, tộc họ hiếu học, vận động người dân xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đúng như lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: “Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao nhưng 15 năm qua Tây Giang vẫn cố gắng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Hàng tháng, các cơ quan chức năng chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công”.
ĐÌNH HIỆP