Đèo hoa

HỨA  VĂN ĐÔNG 31/01/2017 13:48

(Xuân Đinh Dậu) - Loài hoa ấy nở trôi ra biển, cá ăn hóa rồng. Chuyện được kể bởi một thiền sư Trung Quốc và gây tò mò suốt mấy trăm năm sau, như điểm xuyết thêm cho con đèo hùng vĩ được mệnh danh là chiếc khóa sắt che chở núi sông…

Ai đọc “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán, khi đến đoạn nhắc chuyện đèo hoa ngãi hẳn không khỏi tò mò. Ngãi lãnh (đèo hoa ngãi) trong ghi chép của vị thiền sư Trung Quốc khá huyền hoặc: “Sách Dư ký bảo rằng: “Khoảng tháng hai, tháng ba, hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng”, tức hoa ngãi ở núi này vậy. Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn”.

Một góc Hải Vân quan hoang phế. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Một góc Hải Vân quan hoang phế. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chỉ vài dòng ấy thôi, đủ khiến nhiều người cất công đi tìm loài hoa huyền bí trên đèo Hải Vân và bắt gặp chuyện về loài giao ngư sinh con bằng bào thai, tìm ăn hoa lạ từ rừng trôi ra để biến thành quái vật đầu rồng, phảng phất câu chuyện về loài thủy quái Makara trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Người khác thì tìm gặp các bậc cao niên ở đèo Hải Vân để nghe kể về truyền thuyết loài cá lạ ở vịnh ngọc… Nhưng thiền sư Thích Đại Sán không chỉ “nghe kể” từ sách Dư ký. Lâu nay, những trích dẫn về hoa ngãi trong “Hải ngoại kỷ sự” phần lớn chỉ dừng lại ở đoạn văn vừa chép, khiến sự tình càng thêm mơ hồ. Thực ra, thiền sư còn nhắc đến hoa ngãi không dưới 2 lần nữa, nhất là đoạn mô tả tỉ mỉ chuyến vượt đèo.

Ấy là quãng tháng 11.1695, thiền sư Thích Đại Sán quay trở ra Thuận Hóa. Từ biệt chúa Nguyễn Phúc Chu chừng 5 tháng trước đó, nhưng hành trình trở về Quảng Đông (Trung Quốc) bất thành vì trời trở gió, ông lại nhuốm bệnh nằm tại Hội An… Khi đoàn người đến lưng chừng đèo, đã quá trưa. Đường đá gập ghềnh rất khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Càng lên cao, hai hàng cây cao vút chừng vài mươi trượng. Quay nhìn xuống biển, thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Và mùi hương huyền bí đây rồi. “Hai bên đường phưởng phất có mùi thơm hoa ngãi, nhưng không tìm thấy. Trái rừng lỏng nhỏng, hoa núi toét toe, trên hoa sinh hoa trong lá kết trái; chẳng phải nhìn tận mắt, chẳng sao tưởng tượng cho hết được” - thiền sư viết.

Hoa rừng khoe sắc ở Hải Vân. Ảnh tư liệu
Hoa rừng khoe sắc ở Hải Vân. Ảnh tư liệu

Nhân chép lại việc đi đường đoạn từ Hội An ra Thuận Hóa, thiền sư Thích Đại Sán còn cảm tác 18 bài thơ. Ở bài thứ 9, ông lại nhắc đến hoa: “Qua ngang khe bốn bận/ Vượt đỉnh núi một vòng/ Hoa rụng nghe hơi ngãi/ Mây sâu chẳng thấy rồng/ Con trăn bò uốn khúc/ Bầy chuột leo cây tòng/ Trên núi nhà ai ở/ Suốt ngày khói kín phong” (bản dịch của Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, 1963).

Chép lại chuyện khó nhọc vượt đèo Hải Vân không chỉ vì cuốn sách được mệnh danh là “sử liệu nước Đại Việt thế kỷ 17” kể về một loài hoa nửa hư nửa thực, mà chính vị thiền sư Trung Hoa này đã dự phần vào công cuộc sửa sang đường qua đèo. Chính ông đã viết một bài “khuyến quyến đắp đường đèo Ải Vân”, dài 34 câu, lời văn tha thiết.

Nhưng kể từ khi con đường thiên lý rộng mở, đã có khách bộ hành nào nhìn thấy loài hoa huyền bí ấy từng một lần nở trên Ngãi lãnh, và bao nhiêu cá đủ cơ duyên ăn hoa ấy để hóa rồng bay lên?

Nhà thơ Lê Minh Quốc đã dành những dòng đầu tiên trong cuốn “Người Quảng Nam” để viết về đèo Hải Vân. Với mạch cảm xúc dạt dào, tác giả dẫn nhiều vần thơ của tiền nhân viết khi qua đèo, thơ của vua Lê Thánh Tôn, của các cụ Trần Bích San, Nguyễn Thông và cả cụ Khương Hữu Dụng sau này. Nhưng không có hoa ngãi, và cũng chẳng thấy cá hóa rồng. Có chăng chỉ là “bầy rồng” trong cách hình dung về núi trong thơ của cụ Nguyễn Thông ở thế kỷ 19: “Núi non quanh co như bầy rồng/ Chạy từ tây sang ngăn bể đông”. Hơn 3 thế kỷ trước, sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An cũng chỉ dành vỏn vẹn 2 câu viết về cửa ải Hải Vân. Hải Vân khi ấy được hình dung thật kỳ vĩ, sừng sững như một bức tường thành bằng đá, trên thì lấn lướt mây xanh, dưới là biển cả. Đúng như tên sách “ghi chép những điều thiết yếu về châu Ô”, đã không có chỗ cho những chi tiết mang tính huyền thoại.

PGS-TS. Đinh Thị Phương Anh bật cười thú vị khi tôi dọ hỏi về loài hoa kỳ bí. Chuyên gia nghiên cứu đa dạng sinh học của Đại học Đà Nẵng này bảo rằng cần phân biệt truyền thuyết với thực tiễn. Từng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp bộ về đa dạng sinh học khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân hồi năm 2005, TS. Phương Anh cho hay nhiều loài hoa rừng rất thơm trên đèo Hải Vân, nhưng “hoa ngãi” có thể là tên do địa phương đặt lấy mà bà không biết. “Như đào chuông mà chúng ta vừa phát hiện cả quần thể trên núi Bà Nà, cũng là tên do người dân địa phương đặt đấy. Còn tên khoa học thì khác. Tên địa phương và tên khoa học khác nhau nhiều lắm. Chúng tôi là người thực tiễn, phải có mẫu để đối chiếu” - TS. Phương Anh nói.

Như hoa đào chuông nở thắm ở đỉnh Bà Nà, như lũ hoa lan Bạch Mã từng khoe sắc trong bút ký “Ngọn núi ảo ảnh” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đèo hoa ngãi Hải Vân cũng cất giấu một loài hoa quý, từ mấy trăm năm trước. Bao giờ loài hoa ấy mới hiển lộ giữa nhân gian?

Ý định đi tìm manh mối của loài hoa lạ từ một chuyên gia thực vật học xem như bất thành, nhất là khi bà Đinh Thị Phương Anh còn than phiền rằng vùng rừng núi Nam Hải Vân đang cạn kiệt, chỉ là thảm thực vật thứ sinh đang phục hồi. Từng thực hiện các đề tài nghiên cứu về loài thực vật thân gỗ có lá chuyển màu đỏ tại khu thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa hay đa dạng sinh học các hệ sinh thái Thừa Thiên Huế, chuyên gia này am hiểu sâu rộng về các loài cây-cỏ-có-thực trong vùng, nhưng như bà thổ lộ, chuyện “hoa ngãi” có thể đã rẽ sang địa hạt văn hóa.

Đành trả lại loài hoa huyền thoại kia về những trang sách cũ. Kẻ lữ hành, khi ngang qua Hải Vân, hãy tự chọn cho mình một loài thảo mộc riêng để lưu vào ký ức. Vạt lau trắng phất phơ nơi triền núi. Những cụm dây leo xanh ngắt như tấm áo khổng lồ phủ mềm mại lên cụm đồi. Một gốc cổ thụ kiêu hãnh bên hốc đá cheo leo… Và khi những xe khách lao nhanh qua hầm và thưa hẳn những chuyến “phượt” theo cung đường ngoằn ngoèo, thì cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú trên con đèo hiểm trở ít nghe nhắc đến nữa. Cũng như đèo Ngang vậy thôi, hầm đường bộ đã xuyên qua núi, còn mấy người men theo lối cũ nơi “Hoành sơn nhất đái” để xem cỏ cây chen đá lá chen hoa?

Nhưng đèo hoa ngãi đang sắp réo gọi bước chân người lữ thứ. Tôi nhìn thấy viễn cảnh này khi Hải Vân quan được cả hai phía Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế vừa ngồi lại bàn chuyện cùng lập hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia. Tin vui này vừa loan đi hồi tháng 11.2016, chẵn 190 năm kể từ ngày vua Minh Mạng cho dựng Hải Vân quan với dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ở phía cửa trông về phương nam. Bởi lâu nay, đèo Hải Vân “chia đôi” theo đường phân thủy, chuyện tôn tạo di tích cũng có phần bỏ bê. Từ giữa thế kỷ 16, Dương Văn An từng gọi đèo Hải Vân là cái đai ôm ấp yết hầu của xứ Thuận Quảng và chắc như khóa sắt che chở núi sông. Trên chiếc đai ấy, sau này đính thêm viên ngọc Hải Vân quan. Qua bao nhiêu bụi bặm, giờ đây viên ngọc ấy sẽ được mài giũa trở lại. Và biết đâu, loài hoa xưa cũng  được nhắc đến…

HỨA  VĂN ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đèo hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO