Đèo Le qua những trang sử bằng đá

TRẦN VŨ 16/04/2023 06:01

Thị trấn Trung Phước (Nông Sơn) đã được gọi tên, lần giở sử xưa để biết nút thắt giao thông Đèo Le đã được tiền nhân khai mở, thông thương...

Bia công đức xây dựng Đèo Le và cột mốc đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.
Bia công đức xây dựng Đèo Le và cột mốc đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.

Đèo Le thuộc địa phận hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn, là một trong số ít con đèo còn lưu dấu lịch sử thời khai mở. Ai đã từng tham quan Bảo tàng Quảng Nam có lẽ cũng đều tò mò về nội dung chữ Hán khắc trên bia công đức xây dựng đèo Le và phiến đá cột mốc đèo Le đang được trưng bày tại đây.

Tư liệu về vùng đất

Theo tìm hiểu từ tư liệu và những người trực tiếp khảo sát những tấm bia nói trên, bia được sưu tầm tại thôn 1, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn (nay thuộc huyện Nông Sơn). Trước đây vùng này bốn bề là rừng rậm núi cao chưa có đường bộ, mọi sự giao lưu với bên ngoài đều đi bằng đường thủy theo sông Thu Bồn.

Dần về sau, nhu cầu đi lại càng nhiều, người dân phải cắt rừng, vượt núi để đi. Lâu dần thành lối mòn, nhưng đường rất khó đi, phải len lỏi vượt qua rừng rậm núi cao hiểm trở cả buổi đường mà chưa xuống được vùng đông. Người có công rất lớn mở con đường Đèo Le tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế là ông Nguyễn Đình Hiến khi ông về hưu ở tại quê nhà.

Nguyễn Đình Hiến tự Dực Phu, hiệu Ấn Nam, thụy Mạnh Khả, sinh ngày 29/3/1872 trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Lộc Đông (xã Quế Lộc, Nông Sơn bây giờ).

Năm 1900 ông đỗ cử nhân, năm 1901 đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội, sau đó được triều đình bổ giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo, sau đó được bổ giữ nhiều chức vụ quan trọng khác ở các địa phương và trong triều đình Huế.

Năm 1928 ông được thăng làm Hiệp tá Đại học sĩ và xin về hưu cũng trong năm này, đến năm 1931 thì ông về sống ở quê nhà Lộc Đông. Ông mất ngày 17/3/1947, hưởng thọ 75 tuổi.

Lịch sử, công tích mở đường Đèo Le được cụ Nguyễn Đình Hiến cẩn soạn trên những tấm bia đá. Bia được khắc 4 tấm, có cả nhà bia, nhưng khi chuẩn bị khánh thành, dựng bia trên đỉnh đèo thì Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra nên không dựng được mà phải khiêng đi cất giấu. Sau này người dân địa phương tìm những tấm bia này về để bên đường nhưng chưa có kế hoạch lưu giữ và bảo quản, qua nhiều lần cày ủi làm đường bị thất lạc một tấm.

Bia được đục đẽo từ một khối đá sa thạch, hình chữ nhật, các cạnh vuông, không trang trí hoa văn, mặt bia được mài phẳng, có chữ Hán khắc chìm, đường viền (diềm) hình chữ nhật, lưng bia còn những vết đục đẽo lồi lõm khá thẩm mỹ, hai đầu bia có chốt nhô ra rộng 18cm, dày 5cm, cao 4cm (có thể để khớp với nhà bia, giữ cho bia được vững vàng). Riêng cột mốc được làm từ khối đá sa thạch hình hộp chữ nhật, các cạnh vuông, chữ Hán được khắc chìm ở bốn mặt.

Bia mang số hiệu 7366/Đ.283 (cao 90cm, rộng 60cm, dày 11 - 13cm) do ông Trần Đình Khởi ở thôn 1, xã Quế Lộc, Quế Sơn mượn người chuyển từ Đèo Le về. Ông Khởi kỳ công tìm hiểu, chép lại chữ Hán ra giấy, đồng thời phiên âm, dịch nghĩa.

Theo dịch nghĩa của ông Khởi thì, con đường Đèo Le - Quế Sơn lúc bấy giờ thật hiểm trở, chung quanh đều là núi cao tạo nên tường thành. Về phía đông có bốn tổng Trung Châu, tiếp về phía tây là tổng Trung Lộc miền cao, thông với đường sông Thu Bồn và giáp miền Thượng.

Trước đây, người qua lại tổng Trung Lộc đều than thở đường hiểm núi cao, đá chởm, đất bùn. Mùa đông năm Bính Tý (1936), Tổng đốc Ngô Đình Khôi đi kinh lý miền Thượng du gặp Phó bảng Nguyễn Đình Hiến.

Hai ông bèn bàn chuyện thương đồng với quan công sứ để mở đường thông lên miền Thượng. Theo kết quả đi khám các con lộ miền trên của công sứ, đường cần mở phải có bề ngang ba thước tây, tuyến đường từ đông sang tây dài bảy ngàn thước tây, băng qua rừng rậm núi cao, hố sâu...

Góp sức dân để làm đường

Công trình được xem là để khai sáng này quá lớn, bèn thành lập ban vận động lạc quyên gồm ông Lâm Xuân Quế (tú tài) ở xã Phước Bình, Nguyễn Đình Dương (hàm cửu phẩm) ở xã Lộc Đông.

Ban lạc quyên đi vận động nhân dân trong tổng được 4.600 đồng lẻ, cùng trích số bạc tư ích ở các tổng và thu bạc hội chợ rồi giao cho quan lục lộ cùng tri huyện Nguyễn Trọng Thuần đốc thúc tiến hành. Mùa hạ năm Đinh Sửu (1937) khởi công khai phá rừng rậm, nào là bắn đá, đào lấp hố sâu, bắc cầu xây cống vất vả kéo dài đến mùa hạ năm Kỷ Mẹo (1939).

Bản dập bia công đức xây dựng Đèo Le.
Bản dập bia công đức xây dựng Đèo Le.

Suốt ngần ấy năm dầm mưa dãi nắng, con đường Đèo Le mới được hoàn thành. Ngày khánh thành (nay là địa điểm tại cây số 26) có tổng đốc và công sứ đến dự. Tất cả đều chúc mừng nhân dân tổng Trung Lộc từ nay đã có đường, xe thông từ đông sang tây, các thành phần sĩ -nông - công - thương có cơ hội phát triển thuận lợi. Công đức các quan tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm cần phải ghi tạc bia truyền...

Từ nay thiên hạ qua lại đều hoan hỷ sự thông suốt qua Đèo Le tiện bề sinh hoạt các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở miền núi... Từ nay tiếp tục đến miền Thượng du, dạy cho dân mở rộng chính trị, dạy nghề nghiệp, mở rộng quản lý tài nguyên.

Trước hết làm chắc, sau sẽ nối tiếp, sẽ làm những đường mới thay cho các đường cũ, nhất là miền Thượng. Để khỏi phụ lòng người hảo tâm xin khắc ghi công đức và ghi tạc danh sách lạc quyên ở các bia hai bên.

Ngõ hầu không mất điều lành nên khắc bia ghi là vậy. Bia được lập năm Bảo Đại thứ 14. Do Hiệp tá đại học sĩ hưu trí hiệu Ấn Nam Nguyễn Đình Hiến cẩn soạn. Phái viên đi lạc quyên: tú tài Lâm Xuân Quế, cửu phẩm Ngô Đình Dương, hiệp cùng sở tại chánh tổng Hồ Ngọc Thành, phó tổng Phan Khôi.

Người dân xung quanh khu vực Đèo Le đã tìm thấy một số bia ghi nhận sự đóng góp về tiền của để làm cung đường hiểm trở này. Bao gồm bia mang số hiệu 7367/Đ.284 do ông Hồ Ngọc Huệ ở thôn 1, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn chuyển về từ Đèo Le, với danh sách đóng góp tổng cộng 670 đồng. Bia mang số hiệu 7368/Đ285 nội dung các quan cửu phẩm quyên tiền tổng cộng 3.250 đồng. Cột mốc Đèo Le mang số hiệu 7365/Đ.282 do ông Hồ Lang ở thôn 1, Quế Lộc, Quế Sơn tìm thấy trong lúc làm vườn. Trong nội dung khắc cho biết: trên bia “Ban lạc quyên đi vận động nhân dân trong tổng được 4.600 đồng lẻ…”.

Trong khi đó, hiện nay mới chỉ tìm được 3 tấm bia, 1 cột mốc và tổng số tiền từ hai tấm bia tìm thấy chỉ mới 3.920 đồng, còn thiếu 680 đồng. Căn cứ lời kể, nội dung khắc trên bia và thực tế khá trùng khớp. Như vậy, có thể còn 1 tấm bia khắc danh sách các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng Đèo Le đang bị thất lạc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đèo Le qua những trang sử bằng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO