Đẹp hàng thủ công mỹ nghệ

ĐĂNG QUANG 16/02/2013 11:31

Quảng Nam là “đất trăm nghề”, nơi sản xuất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài 61 làng nghề truyền thống hình thành trên dưới 100 năm, còn có hàng chục cơ sở khác mới hình thành, đã tham gia tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, từ kết quả  cuộc nghiên cứu khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) tại 5 cơ sở đúc đồng, 11 cơ sở sản xuất đèn lồng, 4 cơ sở dệt và 11 cơ sở mộc đã cung cấp cho các nhà quản lý Quảng Nam một bức tranh về tiềm năng sản xuất, thương mại, phát triển du lịch làng nghề “xanh”…

Thử dạo một vòng với các sản phẩm tiêu biểu, từ mộc, gốm, đồng, đến nghề làm đèn lồng, dệt thổ cẩm, mây tre đan,… để nhận diện những bước thăng trầm trong hành trình xây dựng thương hiệu.

MỘC

Nghề mộc hình thành từ xa xưa, từng nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng (Hội An), Văn Hà (Phú Ninh). Theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã xây dựng nhiều nhà cổ của phố Hội cùng các địa phương ở Bắc Quảng Nam và cũng từng tham gia tạo dựng các tác phẩm điêu khắc gỗ của cung đình Huế. Còn nghệ nhân Văn Hà đã dựng những ngôi nhà gỗ trở thành những di sản độc đáo ở phía nam, như vùng Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành… Có tài liệu cho biết, hiện Tiên Phước là địa phương có nhiều nhà cổ đặc biệt giá trị, ngay tại một xã như Tiên Châu, thống kê sơ bộ có gần 50 ngôi nhà cổ niên đại từ 80 đến 150 năm. Bàn tay tài hoa của thợ Văn Hà còn để lại dấu ấn chạm khắc tinh xảo trên nhiều ngôi nhà cổ, như nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh tuy đã qua 150 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, có 16 cột cái to và 20 cột con. Thợ Văn Hà cũng để lại chiếc bàn xoay “ma thuật”...

Nghề mộc được kế truyền và tiếp bước, hình thành nên những cơ sở mộc của Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng, Đinh Văn Lời, Kim An, Kim Châu, Hưng Phát, Thành Đạt (Hội An), Đinh Thạch, Phạm Miên (Phú Ninh) hay gỗ mỹ nghệ Âu Lạc… Sản phẩm của các nghệ nhân trẻ đã vươn ra nhiều nơi, để lại ấn tượng đẹp trong thị trường hàng thủ công mỹ nghệ điêu khắc gỗ. Chỉ riêng cơ sở của Huỳnh Ri đã giành được hàng chục giải thưởng danh giá tại các hội thi hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Ngoài việc tham gia xây dựng các công trình dân dụng, trùng tu các di tích kiến trúc, một số cơ sở mộc đã có bước chuyển theo thị trường với hướng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, đồng thời ứng dụng công nghệ chế tạo các sản phẩm gỗ dân dụng để xuất khẩu. Nghề mộc Kim Bồng được JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) giúp đỡ để bảo tồn nghề và TP. Hội An cũng đã tạo điều kiện cho cơ sở mộc đầu tư máy điêu khắc gỗ với quy trình điều khiển qua máy vi tính để tạo các mẫu mã sản phẩm theo công nghệ 2D, 3D.

GỐM

Lớn lên từ đất, vọc từng nắm đất, hồn của đất được tôi luyện qua bàn tay người thợ gốm để cho ra những sản phẩm đặc trưng. Nổi tiếng như gốm Thanh Hà (Hội An). Xưa làng gốm chỉ làm các đồ dân dụng truyền thống như các loại bình hoa, lọ, nồi đất, ngói âm dương… Nay, gắn liền với phát triển du lịch, làng gốm Thanh Hà đã biết đa dạng hóa sản phẩm, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ làm hàng lưu niệm cho du khách. Đồng thời, gốm Thanh Hà sản xuất các sản phẩm mới như chân đèn, lọ đèn, các kiểu đĩa hoa lá để phục vụ trang trí các công trình khách sạn, nhà hàng.

Trong nghề gốm, nổi lên hình ảnh “Đất nung của Hạ”. Đây là cơ sở mà nghệ nhân Lê Đức Hạ dựng lên trên vùng Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, từng sản xuất nhiều hàng gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Đam mê với gốm, người đàn ông tâm niệm: “Tôi muốn đi tìm cho đất sét quê mình một loại ngôn ngữ riêng, muốn khoe những trầm tích quý báu hai bên bờ sông Thu Bồn. Những hình tướng trong từng tác phẩm là bước chân hằng ngày của cuộc đời, những xúc cảm trước thiên nhiên, trước vẻ đẹp của con người…”.

Chuyên tạo các sản phẩm gạch và hàng lưu niệm Chăm có cơ sở gốm Duy Quá của ông Nguyễn Quá (Mỹ Sơn). Cùng với gốm Thanh Hà, gốm Đức Hạ, gốm Duy Quá vừa được Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link (một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận ở Việt Nam), khảo sát và tư vấn để tạo  thêm các sản phẩm mới và tiếp cận thị trường.

ĐÈN LỒNG

Nghề làm đèn lồng khởi phát từ phố cổ Hội An. Có lẽ, từ những căn nhà cổ của phố Khách xưa, đèn lồng đã tạo nên những đêm hội lung linh huyền ảo.

Truyền nghề và phát triển, đến nay có hàng chục cơ sở làm đèn lồng. Từng nổi tiếng có cơ sở của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, Nguyễn Đình Hạnh, hay của Phạm Văn Hà (đèn lồng Hà Linh)… Đặc biệt, ông Phạm Văn Hà được xem là một trong những người tiên phong đưa sản phẩm đèn lồng xuất khẩu sang châu Âu. Cơ sở đèn lồng Hà Linh có năm từng xuất ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 20 nghìn chiếc đèn.

Gắn kết với du lịch, nhiều cơ sở đèn lồng ở Hội An không chỉ bán hàng lưu niệm mà còn tạo cơ hội cho du khách tham quan và tự tay làm những chiếc đèn lồng. Hội An cũng từng tổ chức lễ hội đèn lồng để quảng bá sản phẩm lưu niệm này, và trong những “Đêm phố cổ”, đèn lồng thăng hoa cảm xúc của con người giữa đất trời bình yên bên dòng sông Hoài.

ĐỒNG

Nghề đúc đồng hình thành trên vùng Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, giờ đây được bảo tồn với tên gọi làng đúc đồng Phước Kiều. Một thời vang bóng, thợ Phước Kiều từng tham gia đúc đại hồng chung cho nhiều cơ sở thờ tự khắp nơi, để lại nhiều tác phẩm ở kinh thành Huế. Đồng Phước Kiều cũng đã tạo ra dấu ấn với các sản phẩm cồng chiêng, vang tiếng với nhiều bộ cồng chiêng còn lưu lại ở các bản làng Tây Nguyên và vùng cao Quảng Nam. Trong những năm sau giải phóng, Phước Kiều chuyển hướng sản xuất với các sản phẩm nhôm đồng, tuy nhiên đã rơi vào bế tắc. Những năm gần đây, cùng với những nghệ nhân tâm huyết nghề đúc đồng được hỗ trợ phục hồi, có năm cho doanh thu gần 10 tỷ đồng. Ai đi qua Điện Phương (Điện Bàn), sẽ còn thấy trưng bày, bày bán các sản phẩm của chiêng đồng, và mỗi dịp lễ hội du lịch diễn ra, làng phục vụ khách tham quan.

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trước đây, UBND tỉnh đã phê duyệt 20 dự án làng nghề, với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng, và triển khai xây dựng 3 mô hình thí điểm làng nghề gắn với du lịch, trong đó có làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Tuy nhiên, để làng nghề sống được không chỉ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mà bản thân làng nghề cần phải nỗ lực trong việc cải tiến mẫu mã và chất lượng hàng hóa. Có như vậy, mới có thể “đánh lên tiếng chiêng vang xa khắp xứ”…

THỔ CẨM

Đồng bào dân tộc miền núi cao Quảng Nam xưa có nghề dệt dồ, dệt bộ trang phục đầy màu sắc. Từ nguồn mạch ấy, làng dệt thổ cẩm Zara (Đông Giang) ra đời. Tuy mức thu nhập của làng dệt thổ cẩm đem lại còn khiêm tốn (có lúc đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm) nhưng đây là nghề có thể tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ vùng cao. Cơ hội ấy sẽ lớn hơn, giúp cải thiện đời sống của đồng bào nhiều hơn, nếu nghề dệt thổ cẩm nắm bắt được thị hiếu khách hàng để tạo các sản phẩm thủ công nhỏ gọn như ví, túi xách, trang phục truyền thống và gắn kết với các tour tham quan du lịch.

MÂY TRE

Rất nhiều địa phương ở Quảng Nam có nghề mây tre đan. Tạo dựng được tiếng tăm một thời có các cơ sở mây tre đan ở Nam Phước, Duy Sơn, Tam Vinh, hay tầm mức doanh nghiệp như Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ... Thời điểm thịnh đạt, Quảng Nam từng có 26 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 tấn mây tinh chế, 20 nghìn sản phẩm từ mây, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 3 triệu USD. Nghề mây tre đan giải quyết được lượng lao động không nhỏ tham gia chế biến, làm hàng thủ công mỹ nghệ và cả ở khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ các rừng mây.

Tuy nhiên thử thách rất lớn về nguyên liệu, với nguy cơ các rừng mây cạn kiệt. Rất may, một dự án “Mây bền vững” do WWF - Việt Nam từng được triển khai ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trong 3 năm (2009 – 2011), dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng mây tự nhiên của 7.000ha rừng, trong đó có 2.000ha đã được đưa vào quản lý bền vững, đồng thời hỗ trợ trồng 40ha mây nước, giúp 40 thôn của 2 tỉnh thành lập 40 nhóm để chăm sóc và quản lý cây mây. Nghề mây tre đan dự báo còn nhiều cơ hội để tiếp cận, mở rộng thị trường, song yêu cầu đặt ra là phải cải tiến công nghệ để sản xuất “sạch hơn, xanh hơn”, đồng thời tạo ra sự đa dạng của sản phẩm. Nắm bắt xu thế ấy, có cơ sở như Mây tre lá Âu Cơ đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đảm bảo sản xuất những dòng sản phẩm, vật dụng trang trí nội thất bằng chất liệu mây, tre, lá để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẹp hàng thủ công mỹ nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO