Bằng những vật trang sức truyền thống đơn giản như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng tay, dây cườm, mã não... cùng với tấm váy thổ cẩm đặc trưng, những phụ nữ Cơ Tu như bông hoa giữa đại ngàn trong mỗi dịp lễ hội.
Bà Ria’h Tâm, thôn Za Ra, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang cho biết, phụ nữ Cơ Tu có rất nhiều loại trang sức được làm từ những chất liệu đơn giản như nhôm, đồng hoặc bạc hay đá... “Từ rất lâu rồi, đời này truyền qua đời khác, những trang sức đơn giản trên được phụ nữ Cơ Tu mang vào lễ hội của bản làng. Những hạt cườm, khuyên tai, vòng cổ làm cho phụ nữ tụi mình đẹp hơn khi cùng nhảy điệu tâng tung da dá dưới ánh lửa bập bùng” - bà Tâm nói. Người Cơ Tu vốn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Cùng với những chất liệu, họa tiết, hoa văn, cách phối màu đỏ đen truyền thống…, việc đính hạt cườm trên mỗi tấm váy áo của phụ nữ được coi là điểm khác biệt nhất trong nghề dệt của phụ nữ Cơ Tu. “Những hạt cườm được đính trên vải cũng là cách trang sức đặc biệt. Nó như những chuỗi hạt được bố trí bắt mắt với những hoa văn đặc trưng, khi phụ nữ mặc lên chẳng khác gì đang đeo những trang sức vào người” - bà Tâm chia sẻ thêm.
Đối với phụ nữ Cơ Tu, những trang sức truyền thống không những tôn vinh vẻ đẹp mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa dân tộc. Ảnh: NG.DƯƠNG |
Hiện tại, trang sức truyền thống của phụ nữ Cơ Tu đều được truyền qua các đời chứ hầu như không được làm mới nữa. “Lớp trẻ hiện nay được tiếp xúc với nhiều cái mới nên những trang sức xưa cũ không được sử dụng nhiều. Chỉ những người già, trong dịp lễ hội, tết mùa mới sử dụng. Tuy nhiên, một số nơi vẫn cố gắng để lưu giữ những nét đẹp đặc trưng này, đó là điều rất đáng trân trọng” - ông Trần Dư, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho hay.
Những chiếc vòng cổ, đeo tay hay những hạt cườm của phụ nữ Cơ Tu được làm thủ công, rất thô sơ nhưng không kém phần thẩm mỹ. Dù chất liệu chỉ bằng đồng hoặc nhôm, hạt đá xâu cườm nhưng được phối màu và thiết kế đặc trưng, mang nét văn hóa riêng. Chị Bnướch Thị Tâm, thôn Za Ra, xã Ta Bhing cho biết, ngay từ nhỏ đã được chỉ cho cách đính hạt cườm lên vải để dệt, tự làm những trang sức yêu thích. “Hiện nay, có nhiều thứ trang sức khác đẹp hơn, tinh xảo hơn, nhưng mỗi khi lễ hội tôi vẫn chọn những trang sức xưa cũ để mang lên người. Bởi khi đó mới thấy mình là người con Cơ Tu đích thực, được sống trong mùa lễ hội của dân tộc mình”- chị Tâm nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Za ra, xã Ta Bhing cho biết, đối với phụ nữ Cơ Tu, được mang lên người những trang sức truyền thống không những tôn vinh vẻ đẹp mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa dân tộc. Cũng theo chị, dù hiện tại có nhiều thứ trang sức khác đẹp hơn, tinh xảo hơn, đắt tiền hơn nhưng về giá trị tinh thần không thể bằng những trang sức do chính bàn tay của chồng hay mình làm ra.
“Nam Giang đang nỗ lực lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó bao gồm cả những trang sức của phụ nữ Cơ Tu. Đó là một nét đẹp truyền thống còn được gìn giữ giữa thời kỳ hội nhập văn hóa. Phụ nữ Cơ Tu sẽ đẹp hơn nếu mang lên mình những trang sức mang đậm nét văn hóa truyền thống của những người con dưới dãy Trường Sơn hung vĩ”- ông Trần Dư nói.
NGUYỄN DƯƠNG