Tôi săm soi ve vuốt mái tóc bồng bềnh óng mượt của mẹ, hết túm lên đỉnh đầu lại buộc hờ hững, rồi thả lơi qua vai, nhìn kiểu gì cũng đẹp mẹ ơi! Tôi thốt lên.
Mẹ cười nhẹ tênh, giờ mà còn đẹp xấu với ai nữa con! Ơ hay, thế mẹ không nghe câu, là phụ nữ thì phải đẹp mọi lúc, mọi nơi, đến cả đi đổ rác cũng phải đẹp đó chi. Mẹ cười chúm chím, ời, câu đó dành cho tụi con, mẹ già rồi!
Anh hai nãy giờ không nói gì, chợt lên tiếng, không có ai ưng tui gả cho rồi. Chị hai đánh vào vai chồng, ông này điên, nói tầm bậy tầm bạ, mẹ mà làm như em mình ấy. Nói rồi chị nguýt chồng một cái rõ dài khiến mấy mẹ con được phen cười ngặt nghẽo.
Tính anh hai hay tếu táo, trêu chọc mẹ suốt ngày. Ngoài bốn mươi rồi chứ hễ đi thì thôi, về đến nhà là mẹ ới mẹ ời. Khi thì giục mẹ ăn cái này, lúc lại xúi nấu cái nọ, bảo mẹ già rồi, ăn được nhiêu thì ăn, như ba, giờ có muốn chăm cũng đâu có được. Thấy con trai vậy, mẹ cảm động lắm. Cái thằng, ăn nói bỗ bã, nhưng được cái sống tình cảm, thương vợ con, thương mẹ, thương em.
Ngoài sáu mươi nhưng da mẹ căng mịn, người tròn đầy, từng đường nét trên khuôn mặt mặn mà đằm thắm. Đôi mắt đẹp và nụ cười hiền. Ở mẹ toát lên nét đôn hậu dịu dàng.
Mẹ sống tâm lý, không phân biệt dâu hay rể, cháu nội hay cháu ngoại. Vợ anh hai thi thoảng lại sắm cho mẹ những bộ đồ đẹp, bảo mẹ vứt hết mấy thứ cũ kỹ đi, chẳng đáng là bao. Mẹ tiếc lắm, cứ săm soi, còn tốt mà con, phải vài năm nữa chưa hư ấy chứ! Lòng mẹ thầm vui vì con dâu sống biết yêu thương.
Từ ngày ba buông bỏ trần ai, một mình mẹ chật vật gánh mưu sinh. Nhiều người quen xưa cứ tiếc nuối một đời hương sắc. Rồi cũng có người chạnh lòng thương người đàn bà góa bụa, cũng muốn đưa vai gánh bớt việc nặng nhọc, nhưng mẹ lờ đi.
Thì có là gì đâu, gom hộ nhúm rơm hôm trời trở gió, kéo giúp chiếc xe đầy phân chuồng qua chỗ ruộng sình, hay cuốc mớ đất chai sần cỏ chỉ. Những lần nhờ vả ấy mẹ đều trả công đầy đủ, mẹ không muốn mang ơn nghĩa nặng nề.
Mẹ sợ miệng đời thêu dệt. Mẹ sợ ánh mắt sắc lạnh của những người đàn bà có chồng cứ nhìn mẹ như muốn đề phòng. Nhiều lúc mẹ cảm giác tổn thương sâu sắc trước những cái nhìn.
Mẹ co mình lại, sống khép kín. Niềm vui của mẹ là heo đẻ mấy con, xuất chuồng lứa này có đủ tiền cho út nộp nốt kỳ học phí. Hay đám ruộng gặt lên phơi phóng xong vào bồ được bao nhiêu ang? Có đủ gạo ăn tới mùa giáp hạt…
Không ai giàu ba họ, mà nhà tôi thì lại khó đủ ba đời. Nhưng cuộc sống mỗi thời mỗi khác. Rồi may mắn sao, một hôm, người bạn thân của anh hai ghé chơi. Anh ấy nhất quyết bảo mẹ bỏ ruộng, theo anh ấy ra phố tìm việc.
Anh hai giãy nảy, bạn anh hai lại kiên quyết. Sau nhiều cuộc tranh luận, cuối cùng anh hai cũng xuôi, để mẹ ra phố làm tạp vụ cho một nhà văn hóa. Công việc vừa sức, không dãi nắng dầm mưa, không lo đắt lo ế, không áp lực mất mùa đói kém. Mẹ trở lại nét xuân ngời.
Chợt nhắc về ngày xưa, ôi cái ngày xa xưa ấy mới đáng nhớ làm sao. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngày mẹ sinh tôi nắng ròng tóe lửa. Khoai độn cơm mỗi sáng mỗi chiều. Mẹ như con cá khô vùng biển. Hai hố mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Mười lăm ngày, mẹ ra ngoài giặt đồ gánh nước. Mẹ quần quật với ruộng đồng, mẹ bải bươn với những vồng khoai sắn.
Nhà nghèo, mà thời đó ai chẳng nghèo. Chiếc áo mỏng tang chẳng thể thấm hết mồ hôi, cứ chảy ròng ròng xuống mắt mẹ cay xè. Mồ hôi lẫn nước mắt. Nước mắt chan cả cơm. Cơm độn khoai mấy phần cứ chông chênh nơi đầu lưỡi. Hai chiếc xương quai xanh nhô cao kiêu hãnh đến nghẹn ngào.
Mẹ bám đồng để tôi ở nhà với nội. Ngày ba bữa cháo muối đến xanh xao. Thi thoảng có được con cá đồng mẹ nấu nồi cháo loãng. Tôi với anh hai ăn cháo. Mẹ ngồi gỡ từng chiếc xương nhỏ bón cá cho anh hai.
Hết cá rồi anh hai vẫn thòm thèm lắm. Cứ nhìn đĩa xương không rời. Mẹ mút từng chiếc xương rồi mới vứt cho chó. Anh hai níu tay lại đòi. “Hết rồi con, xương không à”, “cái xương con ăn cũng được”. Mẹ cười ra nước mắt. Câu nói này đến bây giờ mẹ con chúng tôi vẫn nhắc lại cùng nhau.
Rồi mẹ sinh em kế, nhà đã khổ càng thêm khổ.
Khi nhà chừng như đủ ăn được chút đỉnh thì mẹ lâm bệnh. Người ta khiêng mẹ trên chiếc võng dù chạy băng đồng. Tôi và em gái òa khóc, chúng tôi khóc như thể ai đó cướp mất mẹ. Dì tôi thương mẹ tôi lắm, dì thương cả chúng tôi nữa. Dì ôm chúng tôi vào lòng dỗ dành.
Tôi được dì dẫn theo ra bệnh viện. Cái nắng miền Trung như bóc từng lớp da non. Cái nắng khắc nghiệt xuyên qua làn vải mỏng, nung giòn chiếc mũ vải tôi đội trên đầu. Tôi không biết đi được bao xa, cứ lầm lũi theo dì. Đôi chân đã vàng bụi đường nóng rát.
Mồ hôi chảy ròng ròng. Dì dừng lại cho tôi ngụm nước. Hàng quán hai bên đường khiêu khích tính tò mò của con bé quê lần đầu lên phố. Tôi cứ vấp ngã túi bụi bởi mắt gióng theo những tấm pano áp phích dọc đường. Những tấm hình màu sắc sặc sỡ cứ nhảy múa trong cái nắng trưa.
Dì dắt tôi vào quán nước mía. Khúc mía được róc sạch lớp bụi phấn xám nhìn ngon mắt lắm, ở nhà chúng tôi không róc sạch sẽ thế bao giờ. Chỉ cần chặt xuống, chia làm ba, có khúc ngắn khúc dài. Cứ tha hồ lựa như lựa cá trên chợ. Anh hai luôn chọn khúc ít, nói tau nhường tụi bây, mãi sau này mới biết khúc anh hai chọn ngọt nhứt, hứ ghét!
Em kế tham mắt chọn khúc đầu ngọn dài hơn mấy lóng, nhưng hơi chua và ít ngọt. Ly nước mía được mang ra, có thêm tí quật, mùi thơm hấp dẫn vô cùng. Chúng tôi uống vội rồi lên đường, tôi cố rít cho cạn đến đáy ly, đến lúc gặp mấy cặn mía mới thôi. Tôi còn dốc hết chỗ đá thừa cho vào miệng rồi nhai trệu trạo.
Trước mặt tôi là cái bệnh viện to đùng cũ kỹ. Nó cũ như thể có hàng mấy trăm năm, ố vàng bẩn thỉu. Chiếc cổng sắt bị tróc sơn loang lổ lộ những mảng hoen gỉ. Sát cổng có mấy tiệm bánh mì gọi mời chiếc bụng đói meo cùng ánh mắt thèm thuồng. Dì kéo tay tôi lại, “con ăn không?”.
Tôi lắc đầu, con không đói, rồi giấu vội ánh mắt xuống vành mũ mỏng. Dì mua cho tôi một ổ bánh thật to, nướng giòn, kẹp với chút dăm bông và vài lát chả, ít thịt xíu và cộng dưa leo với nước chan. Tôi sung sướng ôm ổ bánh vào lòng, căng ngực hít lấy mùi thơm tỏa ra từ chiếc bánh.
Tôi ôm thế chứ không ăn, tôi sẽ đem về chia cho anh hai và em gái. Rồi dì dẫn tôi vào với mẹ.
Tôi khựng người. Trước mặt tôi là một thân hình gầy còm với đôi mắt trũng sâu, hai gò má tóp lại. Mẹ nằm lọt thỏm trong đống chăn ga trắng toát. Bộ pijama kẻ sọc xanh nhạt cũ kỹ như thể đã được mặc với hàng trăm người, cũ như áo tôi. Chỉ có điều chắc sạch. Mẹ định ngước đầu dậy, rồi nhăn mặt đau đớn. Dì vội chạy lại đỡ mẹ nằm xuống. Vết mổ chưa lành, ráng chịu khó nằm im. Tôi nhìn mẹ. Sợ hãi. Lo lắng. Hoang mang.
Như đọc được ý nghĩ trong bộ não non nớt ấy, mẹ cười hiền. Mẹ không sao đâu, con đừng sợ. Vài bữa mẹ về. Con chơi với em nghe con. Tôi gật đầu dạ mà nước mắt muốn trào ra hai bên khóe. Tôi muốn sà vào lòng mẹ mà thơm lên đôi má gầy khô ấy. Tôi muốn vùi vào ngực mẹ để thỏa cơn nhớ mấy ngày qua.
Nhưng dì dặn không được lại gần mẹ, mình đi bộ cả mấy giờ đồng hồ ngoài đường, bụi bẩn sẽ làm mẹ nhiễm trùng vết mổ, sẽ lâu khỏi bệnh, sẽ lâu được về. Tôi lại ngoan ngoãn nghe theo. Mẹ tôi bị u nang buồng trứng. Tôi không biết căn bệnh đó như thế nào, tôi còn quá bé để hiểu những thứ tương tự như thế. Tôi chỉ cần biết mẹ tôi sẽ được về. Tôi chỉ cần có mẹ có ba bên cạnh, thế là đủ.
Tuổi thơ tôi êm đềm với ruộng đồng khoai sắn, mà giấc mơ chữ cứ cằn cỗi như mùa, rát buốt. Mẹ từng giấu nước mắt mỗi lúc nhìn tôi bươn bả sớm khuya, mẹ luôn nuối tiếc đã không thể cho tôi thêm con chữ mà thong thả với đời. Thì con vẫn ổn đấy thôi, tôi an ủi mẹ. Bây giờ chỉ cần mẹ khỏe và vui, với tụi con ấy là hạnh phúc rồi.
Anh hàng xóm chen ngang, bà út bước thêm bước nữa đi kẻo phí, trẻ vậy, đẹp vậy mà gối chiếc, thế có phí không. Mẹ phì cười, đưa chiếc chân bị thấp khớp sưng vù ra, chú xem, chân cẳng này, ngồi một chỗ không xong, thế còn xúi thêm bước nữa, đau lắm!
Ánh mắt mẹ nhìn hun hút phía rặng tre xa, nơi cánh đồng thơm mùa lúa mới. Hình như có đường cày ai vừa rẽ lối cho những vồng khoai phơi bụng giữa hanh hao. Đôi chân mẹ hẫng hụt. Những đường cày dọc ngang, loáng thoáng chiếc lưng trần ửng tía. Mẹ sấp ngửa bước về phía hoàng hôn thẫm tím sau những vạt nắng chiều.