Di cảo Nguyễn Huy Thiệp: "Anh hùng còn chi"

HUỲNH TRỌNG KHANG 10/12/2023 10:00

Hơn một năm sau ngày nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạ thế, một tập di cảo của ông mang tên “Anh hùng còn chi” (NXB Hội Nhà văn phối hợp với Nhã Nam phát hành) chính thức giới thiệu đến bạn đọc.

Bìa tập sách “Anh bùng còn chi”.
Bìa tập sách “Anh bùng còn chi”.

Tên sách được gợi hứng từ bốn câu thơ trong truyện ngắn “Chảy đi sông ơi” của Nguyễn Huy Thiệp: “Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi”. Câu hỏi “anh hùng còn chi?” theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn, người biên soạn tác phẩm này, không phải đặt ra để tìm câu trả lời xác quyết. Di cảo chỉ góp phần hé mở thêm cho độc giả thấu cảm Nguyễn Huy Thiệp đầy đặn hơn, những khía cạnh khác trong cuộc đời nhà văn tài danh.

Đó là một Nguyễn Huy Thiệp mang nặng tâm tư với nghề văn, bộc lộ qua các tiểu luận tâm huyết của một người vụt sáng thành hiện tượng văn chương nhưng cũng vì văn chương mà chịu không ít đắng cay. Có thể thấy điều đó trong tiểu luận “Văn học và cuộc sống”, “Tôi viết truyện ‘Tướng về hưu”, “Nói chuyện một mình”… những tiểu luận thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề của văn học, đã vượt qua tính thời sự để tìm được sự tương giao cả trong thời điểm hiện tại.

Nguyễn Huy Thiệp thành công với truyện ngắn, nhưng giải thưởng duy nhất ở trong nước mà Nguyễn Huy Thiệp nhận khi còn sống là nhờ tập tiểu luận văn chương “Giăng lưới bắt chim” - Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2006.

Các ký họa về người thân của Nguyễn Huy Thiệp.
Các ký họa về người thân của Nguyễn Huy Thiệp.

Trong tiểu luận “Văn học và cuộc sống”, Nguyễn Huy Thiệp bộc bạch nhiều quan điểm cá nhân, thể hiện niềm tin và niềm say mê chân thành của ông dành cho văn chương. Cũng chính vì sự chân thành đến “chua xót” đó mà dù nhà văn có ý định công bố nhưng tiểu luận này đã không được đăng vào thời điểm nó được hoàn thành.

“Tôi quan niệm văn học là cuộc sống. Cuộc sống thì chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích nó”. Tiểu luận này cũng cho thấy Nguyễn Huy Thiệp đánh giá cao vị trí của thơ ca. Ông cho rằng, “Thơ như người mẹ của những thể loại văn học khác. Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, bút ký, tùy bút… đều phải bú từ nguồn sữa ấy”.

Điều này có thể giải thích vì sao nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường xuất hiện những bài thơ của ông. Trong “di cảo”, độc giả có cơ hội diện kiến một Nguyễn Huy Thiệp - nhà thơ. Nhiều bài trong tập chưa công bố “Những vần thơ chua xót” được tuyển chọn để in trong “Anh hùng còn chi”.

Bản thảo “Những vần thơ chua xót” được Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành năm 1977, từ rất lâu trước khi ông thành danh trên văn đàn. Thơ ông đúng như tên gọi của nó, một tâm sự “chua xót”, khắc khoải, như những dòng thơ từ biệt ông viết khi còn trẻ: “Xin từ biệt những ngày đã sống/ Tuổi trẻ tôi để lại nơi đây/ Xin từ biệt những gì đẹp nhất/ Nơi lòng tôi xao xuyến tháng ngày”.

Trong thơ ca, ta gặp một Nguyễn Huy Thiệp trẻ tuổi, tuổi của nhiều ngây thơ và trong trắng, với căn phòng nhỏ mà có lẽ từ đó thế giới của những nhân vật từ hè phố đến lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp được nuôi dưỡng. Căn phòng đã đi vào thơ ông: “Căn phòng nhỏ nơi tôi ở ấy/ Chứng kiến những giờ tuổi trẻ mê say/ Tiếng hát đùa vui đến khi gà gáy/ Bạn bè cười vang trong tiếng vỗ tay”.

Tuy vậy, Nguyễn Huy Thiệp khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn Việt Nam bằng truyện ngắn. Trong tập di cảo “Anh hùng còn chi”, độc giả được tiếp cận ba truyện “Cô My”, “Vết trượt, “Những bài hát”. Trong đó, truyện “Cô My”, được in trên Văn Nghệ ra ngày 3/5/1986, có thể xem là truyện đầu tiên đưa tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp “trình chánh giữa làng văn”.

Ba truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh thời chưa từng đưa vào bất kỳ tuyển tập nào của mình, nên có lẽ không nhiều độc giả biết sự tồn tại của chúng.

Tuy chỉ có ba truyện, nhưng có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu văn học thêm tài liệu giúp phác họa một sự nghiệp Nguyễn Huy Thiệp hoàn chỉnh hơn. Ba truyện ngắn này về phong cách, giọng văn, chủ đề… có thể xem như đặt những nét đầu tiên để mở ra một thế giới truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp về sau.

Bên cạnh đó, “di cảo” cũng in nhiều hình tư liệu quý giá, các kịch bản phim do Nguyễn Huy Thiệp viết, nhiều tác phẩm ký họa trên gốm của nhà văn vẽ người thân, bè bạn, văn nghệ sĩ, cho thấy một khía cạnh tài năng khác của Nguyễn Huy Thiệp.

Đầy đặn hơn chứ không phải toàn diện nhất, bởi cũng theo lời của nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn trong phần giới thiệu, “chưa thể xác quyết chắc chắn rằng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp còn thêm những gì”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di cảo Nguyễn Huy Thiệp: "Anh hùng còn chi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO