(Xuân Giáp Ngọ) - Đi dạo chợ để xem cảnh người bán, kẻ mua, xem hàng quán, nhìn cung cách bán mua ở chợ có thể nhận ra cuộc sống ở một vùng có chợ. Ngày nay, chợ muôn hình muôn vẻ, có thêm siêu thị, có Metro, B.C, nơi trăm người bán vạn người mua. Vậy “đi chợ không bán, không mua” thì để làm gì?
Trên đất Quảng Nam, có những cái chợ người ta biết và nhắc đến vì câu chuyện liên quan đến cái chợ đó. Như chợ Thu Bồn ở làng Thu Bồn, bên bờ sông Thu Bồn, một cái chợ quê nhưng được nhiều người nhớ vì liên quan đến hai sự kiện, một là, lễ hội Bà Thu Bồn hàng năm thu hút khá nhiều người và trận đánh đồn Thu Bồn có công rất lớn của các mẹ các chị buôn bán trong chợ Thu Bồn. Hay như chợ Được, ngoài hàng năm tổ chức lễ hội cộ Bà có từ xa xưa, luôn thu hút hàng vạn người đến, còn có vụ đấu tranh bằng tay không giữa hàng vạn người dân Thăng Bình và các xã lân cận của các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ, với một đại đội của quân đội Liên hiệp Pháp, xảy ra ngày 5.9.1954. Từ một vụ xô xát vì mấy cây dương liễu, giặc chĩa súng bắn vào đám đông làm cho nhiều người người dân chết và hàng chục người dân bị thương. Từ đó, chợ Được gắn với cuộc đấu tranh mang tên Hà Lam - Chợ Được. Chợ Cây Cốc ở Tiên Phước, chợ Chiên Đàn ở Tam Kỳ (nay là Phú Ninh), chợ Nồi Rang ở Duy Xuyên, chợ Bàu Bính, chợ Lạc Câu ở Bình Dương, Thăng Bình… cũng thường nhắc gợi về những cuộc đàn áp đẫm máu của quân thù đối với người dân. Chợ Mỹ Lược ở khu tây huyện Duy Xuyên thì luôn nhắc nhớ đến vụ quân thù đã nhận chìm 37 chiến sĩ cộng sản xuống lòng hồ Vĩnh Trinh, ngay sau ngày Hiệp định Genève được ký kết năm 1954. Đó là khi vừa ngưng tiếng súng chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam, chưa ai được hưởng, thì đã: Chợ Mỹ Lược khăn tang trắng xóa/Đập Vĩnh Trinh tiếng quạ kêu than!
Phía trước chợ La Tháp. Ảnh: MINH HẢI |
Trở lại câu chuyện “đi chợ không bán, không mua”, gợi về hình ảnh ngôi chợ La Tháp. Đây là ngôi chợ nhỏ như hàng trăm cái chợ ở làng quê, chợ mọc lên bên con đường 104, nay là đường 610, nối từ ngã ba Nam Phước đi Khu di tích Mỹ Sơn, tọa lạc trên đất Duy Châu, cách Kiểm Lâm - ngã ba Giao Thủy chừng vài cây số. Sau chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968, vùng đất này nằm trong tọa độ “tự do oanh kích’’ của giặc Mỹ. Cuộc chiến đấu chống trả quân xâm lược hung bạo trở nên khốc liệt những ngày bước sang năm 1969, khi Nixon thắng cử Tổng thống Mỹ, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh’’, kết hợp với quân đánh thuê mở liên tiếp các chiến dịch “Bình định cấp tốc’’, “Bình định bổ sung’’, “Bình định đặc biệt’’. Tướng DePuy, chỉ huy sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ - viên tướng được Tổng Tư lệnh Westmoreland khen thưởng, nói với đồng nghiệp Dan Ellsberg trong một cuộc chiêu đãi có báo chí Mỹ: “Giải pháp ở Việt Nam là bom nhiều nữa, đạn cối nhiều nữa, napalm nhiều nữa cho đến lúc đối phương gục xuống và bỏ cuộc’’.
Làng La Tháp có cái chợ mang tên làng bị bom pháo nặng nề và còn bị cả chất độc làm trụi lá cây, hoa màu. Riêng trong năm 1969, trong 5 tháng, có cả ngàn quả pháo nện xuống làng, hố bom chồng lên hố bom. Dân làng và du kích không “gục xuống”, không “bỏ cuộc” mà kiên gan trụ lại với làng. Địch dùng bom, pháo tơi bời để cố đuổi dân bám trụ đi, không thì bị hủy diệt, biến vùng giải phóng thành “vùng trắng”, tức là trắng dân. Mà trắng dân thì du kích và cán bộ không còn chỗ dựa. Dân ở vùng giải phóng thì quyết bám trụ với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, chỉ vì, dân mà vào ở trong khu dồn, hoặc phải chạy ra vùng địch kiểm soát tức thì du kích, cán bộ rơi vào cảnh “mồ côi dân”. Bấy giờ, cán bộ cách mạng mong bà con bị xúc tát vào ở khu dồn bằng mọi cách bỏ khu dồn, hoặc phá khu dồn về vườn cũ. Vì vậy, năm lần bảy lượt bị xúc tát bắt ép vào khu dồn, bà con lại tìm mọi cách về với cái nền nhà cũ, với khu vườn thân yêu, với làng quê, với cán bộ, du kích, cũng là góp phần, góp sức cho kháng chiến, dù cho “nhà tan, cửa nát cũng ừ…”. Khi có dân về thì cán bộ, du kích chủ trương họp chợ. Bởi, có chợ thì có hàng hóa, có nhu yếu phẩm, có người bán, có người mua, có người đi lại một cách hợp pháp. Dân mà đấu tranh đi lại hợp pháp thì cán bộ, du kích mới cải trang chen vào giữa ban ngày, không bị máy bay Mỹ trên trời nghi là Việt cộng bắn xuống, không bị lính đóng trong đồn Kiểm Lâm nghi ngờ, mà thỉnh thoảng còn có vài ba người lính ra khỏi đồn, lội vào làng nói chuyện với dân, lội chợ... Kéo được lính trong đồn Kiểm Lâm lội vào chợ coi như công tác “binh vận” của dân làng có ý nghĩa thiết thực trong nhiệm vụ xóa vùng trắng. Tức là đã giành một bước thắng lợi chống lại âm mưu “tát nước bắt cá” của quân thù. Cuộc vận động họp lại chợ La Tháp diễn ra khá công phu, ngoài việc dựng lại lều chợ, đào hầm chống phi pháo ngay trong chợ, vận động mấy bà từng bán hàng trong chợ hãy ra ngồi ngoài chợ, lúc đầu kéo được vài ba bà chịu gánh hàng ra ngồi là đã thành chợ. Có được ba bà gánh hàng ra chợ thì kéo thêm ba bà nữa… Và thông báo cho bà con trong làng, trong xã biết chợ đã họp, rủ nhau đi chợ. Ai có nông thổ sản thì bán, ai thiếu mắm muối thì mua, ai có điều kiện kéo hàng hóa từ vùng địch kiểm soát về thì hết sức khuyến khích. Và đặc biệt, ai không bán, không mua thì cũng đi… cho có không khí.Từ cuộc vận động này, nhà thơ Cao Phương một lần cùng bộ đội qua đây đã để lại cho dân làng La Tháp, cho Duy Xuyên hai câu thơ bất hủ:
Đi chợ không bán, không mua,
Đi cho giặc Mỹ chịu thua dân mình!
Đi chợ cũng là đi đấu tranh chính trị với quân thù, góp phần biến “vùng trắng”, biến vùng đất “hủy diệt” thành vùng có dân, thành vùng có cuộc sống sinh sôi.
Ngày nay, chợ La Tháp mới tọa lạc trên khu đất bên đường 610, cạnh chợ La Tháp ngày chiến tranh. Chợ luôn đông đúc kẻ bán người mua. Rất tiếc, cái bảng tên CHỢ LA THÁP bị rơi rớt lúc nào.Và, các nhà, các quán mọc cao, bảng quảng cáo, bảng hiệu và hàng hóa che lấn, ai cũng cố phô trương, làm cho người đi chợ đứng ngoài đường không thấy cổng chợ. Nên chăng, cần làm cho chợ thật sạch, làm đẹp lại cái cổng chợ La Tháp, ngoài việc vui mắt bán mua, còn là điểm văn hóa chợ, điểm dừng chân của khá đông khách du lịch ngày nào cũng đi qua “con đường Di sản” này.
HỒ DUY LỆ