Rời khách sạn ở bến Ninh Kiều khi trời còn giăng đầy sương sớm, chúng tôi lên tàu đi thăm chợ nổi Cái Răng, cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 5 cây số. Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Cần Thơ cho biết, đoàn nên đi sớm, về sớm để còn có thời gian đi thăm vườn cây trái Mỹ Khánh...
Cảnh họp chợ buôn bán trên sông nước Cái Răng. |
Tưởng chỉ có mỗi đoàn chúng tôi đi sớm, không ngờ ra đến sông Hậu đã thấy nhiều đoàn tàu thuyền to, nhỏ đang lướt nhanh trên sông làm tung bọt nước trắng xóa. Tàu lao vun vút, chao đảo giữa dòng sông, nhưng nhìn quanh chẳng thấy chiếc áo phao nào để mặc. Dân sông nước chủ quan đến thế là cùng! Là người từ phương xa đến, chúng tôi choáng ngợp trước hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đan xen, to rộng ở Cần Thơ. Kênh rạch ở đây cũng chính là “đường phố”, người dân cứ thế mà đi. Lấy thuyền làm nhà, lấy sông làm đường, lấy mặt nước làm nơi họp chợ, lấy nhà nổi làm quán cà phê, quán nhậu là nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước phương Nam.
Vòng qua mấy khúc sông cùng bốn chiếc cầu lớn, khoảng ba mươi phút sau, tàu giảm tốc trên sông Cái Răng vì phía trước hàng trăm ghe thuyền lớn bé đã đậu san sát cùng tham gia phiên chợ. Những chiếc xuồng dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi bán bánh mì, bánh bao…, nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự. Nhìn về phía xa, hai trụ cầu Cần Thơ bắc qua hai bờ sông Hậu nối liền TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, đang nhô cao, ẩn hiện giữa màn sương sớm, rõ dần dưới ánh mặt trời ban mai ửng hồng, trông giống như hai chàng vệ sĩ khổng lồ đang đứng canh cầu. Thả hồn lâng lâng giữa phong cảnh hữu tình, tôi mới cảm nhận được mạng lưới kênh rạch đã mang đến cho TP.Cần Thơ một nét duyên dáng độc đáo và riêng biệt.
Trên tàu, ngoại trừ 3 cô gái là nhân viên Công ty Điện lực Cần Thơ, người lái tàu và anh Trúc, Phó ban Quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực miền Nam, còn lại là đoàn khách chúng tôi. Là người hướng dẫn đoàn tham quan chợ nổi Cái Răng, anh Trúc chứng tỏ sự uyên bác và nhiệt thành đối với bạn bè. Ba cô gái là dân Cần Thơ chính hiệu, nước da trắng, cười nhiều hơn nói, thuyết minh vanh vách về lịch sử cái chợ nổi mà chúng tôi đang ghé. Với hệ thống kênh rạch đa dạng, Cần Thơ có nguồn thủy sản dồi dào, chủ yếu là tôm cá nhưng chợ nổi Cái Răng lại là nơi buôn bán nông sản và các loại trái cây miệt vườn.
Chợ nổi khắp nơi đều có, nhưng chợ nổi Cái Răng mang màu sắc riêng, vì nó gắn liền với cái tên “cầm thi giang” (sông thơ đàn) của xứ Tây Đô, mang đậm nét văn hóa sông nước. Thuyền bồng bềnh xuyên trôi qua chợ, nhìn khung cảnh buôn bán trao đổi hàng hóa, ai cũng cảm thấy thích thú, lạ lẫm chỉ trỏ hỏi han đủ thứ. Tôi là người ít khi được lênh đênh sông nước, nay được đắm mình trên dòng Hậu giang, cách quê hương hàng nghìn cây số, cảm giác lâng lâng khó tả. Ưỡn ngực hít căng tràn buồng phổi, phóng tầm mắt theo màu xanh ngút ngàn những vườn cây trái dọc hai bên bờ sông, tôi chợt nhớ đến câu thơ ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó, lòng không muốn về!”
Tôi đang thả mình suy tư miên man thì bỗng giật mình vì tiếng rao mời inh ỏi. Từng đoàn tàu, thuyền chở đầy dừa, xoài, măng cụt, nho, ổi, sầu riêng, chuối, sắn, khoai… đảo đi đảo lại như mắc cửi, đến chóng mặt. Ở chợ nổi còn có các loại dịch vụ như sửa chữa máy nổ, bán xăng dầu, mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo... Mọi thứ âm thanh hỗn tạp, ồn ào của tiếng máy nổ, tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng mái chèo khua nước, tiếng cười nói… rất xô bồ nhưng sầm uất đông vui không kém gì chợ trên cạn. Những người trong đoàn chúng tôi chỉ đi xem chợ nổi cho biết, chứ không mua gì vì đi thăm nhiều chỗ nhiều nơi.
Theo các cô bạn đồng nghiệp làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” thì nông sản là hàng hóa phổ biến ở chợ nổi. Chợ họp từ sáng sớm, và cũng chỉ nhộn nhịp trong vài tiếng đồng hồ rồi vãn. Trên mỗi thuyền dựng một cây sào, người địa phương gọi là “cây bẹo”, treo lủng lẳng những thứ cần bán. Chẳng hạn như bán cam thì treo vài quả cam; bán xoài thì treo vài quả xoài…Với cách tiếp thị độc đáo này, người mua có thể nhìn thấy từ xa. “Treo gì bán nấy” là chuyện muôn thuở nơi đây. Nhưng cũng có cái ngoài quy luật. Bởi vậy, có người nói vui nhưng cũng là giải thích thêm để chúng tôi biết: Có thứ treo mà không bán, đó là quần áo chủ thuyền giặc phơi. Lại có thứ bán mà không treo, đó là hàng ăn uống, cà phê, nước giải khát, những thứ này không thể treo lên được. Cuối cùng là treo cái này, bán cái khác. Đó không phải là “treo đầu dê bán thịt chó” như người đời chê bai mà là treo những chiếc lá dừa tượng trưng cho việc muốn bán ghe, thuyền.
Đi thăm chợ nổi Cái Răng, khi trở về, cảm giác thích thú xen lẫn chút lưu luyến thể hiện trên gương mặt anh chị em trong đoàn. Nhiều người cùng đưa máy ảnh lên bấm liên hồi như muốn ghi lại tất cả hình ảnh thân thương, cảm động của một cuộc sống giản dị và bình yên trên những chiếc ghe chở hàng bồng bềnh trên sông nước miền Tây...
NHỊ TRIỀU